Mắm tôm có phải là thủ phạm gây tiêu chảy cấp?

Mắm tôm có phải là thủ phạm gây tiêu chảy cấp?
TP - Tại hội nghị về thực phẩm vừa diễn ra ở Hà Nội có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng mắm tôm không phải là thủ phạm chính gây tiêu chảy cấp.

>> Chờ được vạ thì má đã sưng

Mắm tôm có phải là thủ phạm gây tiêu chảy cấp? ảnh 1

Vẫn chưa có kết luận chính thức về việc mắm tôm có phải là thủ phạm gây tiêu chảy cấp hay không  Ảnh: Phạm Yên

“Các mẫu xét nghiệm của Bộ NN&PTNT chưa phát hiện phẩy khuẩn tả trong mắm tôm. Theo quan điểm của Bộ NN&PTNT, mắm tôm là một trong những thủ phạm gây ra tiêu chảy cấp, nhưng không phải thủ phạm chính” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói.

Ông khẳng định: “Bản thân mắm tôm có độ mặn rất cao, nên không thể có vi khuẩn”.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng đồng tình với quan điểm vi khuẩn tả không thể sống được trong môi trường quá mặn.

“Trong tổng số 148 mẫu mắm tôm được lấy, tất cả đều âm tính với vi khuẩn tả V.cholerae”, tức là không tìm thấy phẩy khuẩn tả trong mắm tôm. Tuy nhiên, PGS.TS Hiển cho biết, 100% mẫu mắm tôm có vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn kỵ khí, khả năng gây nhiễm khuẩn rất cao.

Đuối lý?

Tuy nhiên, tại hội nghị nêu trên, PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, tiếp tục bảo vệ quan điểm cho rằng mắm tôm là thủ phạm chính.

“Muốn xác định một loại thực phẩm nào gây bệnh thì phải thực hiện theo quy chế điều tra rõ ràng. Nếu thức ăn có tỷ lệ tấn công (gây bệnh – PV) cao ở những người ăn thức ăn đó và tỷ lệ tấn công thấp ở những người không ăn thức ăn đó, thì nó gọi là thức ăn nguyên nhân”, TS Trần Đáng nói.

“Trong dịch tiêu chảy cấp lần đầu tiên, chúng tôi cho tiến hành điều tra tổng thức ăn của 61 bệnh nhân đã xác định chắc chắn là mắc bệnh tả. Chúng tôi điều tra ngược 5 ngày và xác định tổng số thức ăn 61 bệnh nhân đã dùng là 742, trong đó, 100% bệnh nhân đều sử dụng mắm tôm”.

Tuy nhiên, ông Đáng cũng nhận định, cùng ăn mắm tôm nhưng có tình trạng người mắc, người không. “Mắc bệnh hay không còn phụ thuộc vào thể trạng từng người”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương lại có cách lý giải khác với lý lẽ của Cục trưởng Cục ATVSTP. “Chúng ta cũng không thể khẳng định ăn mắm tôm không bị tiêu chảy cấp. Một là, lúc ăn mắm tôm, người ta thường pha loãng ra. Cái nước pha loãng đó có thể đưa vi khuẩn tả vào. Hai là, trong quá trình ăn mắm tôm, với thịt chó hay với món gì đó, mọi người thường ăn rau sống kèm theo, chứ không ăn mắm tôm không bao giờ”, ông Lương Lê Phương nói.

Về việc pha loãng mắm tôm, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng phải công nhận: “Xét nghiệm các mẫu mắm tôm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cho thấy, nồng độ muối của mắm tôm tại nơi sản xuất là trên 25%, nhưng tại nơi tiêu thụ chỉ từ 18 – 23 %”.

Dân thiệt, ai chịu trách nhiệm!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, Viện Vệ sinh Dịch tễ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề mắm tôm trong dịch tiêu chảy cấp. “Điều chúng tôi quan tâm là làm sao để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tất nhiên cả của người sản xuất”.

Trong hội nghị giao ban bất thường của Bộ Y tế vào chiều tối 9/4 tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã thực hiện việc cấm bán mắm tôm và rau sống. Sắp tới, thậm chí Sở Y tế Hải Phòng sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cùng một số bộ ngành khác cần sớm ngồi lại với nhau, trả lời dứt khoát câu chuyện mắm tôm và đưa ra phán quyết cuối cùng, tránh tình trạng nhiều địa phương băn khoăn không biết xử lý thế nào với mắm tôm trong khi một số địa phương khác thẳng tay cấm bán mắm tôm như TP Hải Phòng.

Một quan chức y tế dự phòng cho biết, xác định sai đối tượng, sẽ chỉ định sai hướng chống dịch. Tại Thanh Hóa, cho dù vẫn không tìm thấy phẩy khuẩn tả trong mắm tôm, tỉnh này vẫn tiếp tục thấy xuất hiện các ca tiêu chảy cấp mới. Theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 10/4, bảy huyện trong tỉnh có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Trong tổng số 73 bệnh nhân, 28 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn &Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nói: “Bộ Y tế phải nói chính xác thủ phạm gây tiêu chảy cấp là thủ phạm nào nếu đấy không phải là mắm tôm. Còn nếu xác định sai thủ phạm, về nguyên tắc phải bồi thường cho nhà sản xuất. Tiếc là chúng ta chưa có luật đề cập đến vấn đề bồi thường này”.

Nhưng dù chưa có căn cứ luật để bồi thường, một người tiêu dùng ở Hà Nội cho rằng vẫn cần truy cứu trách nhiệm cá nhân một khi sự việc được làm sáng tỏ. “Nói sai chẳng những gây thiệt hại cho nhà sản xuất, gây hoang mang không đáng có cho người tiêu dùng, mà còn làm lạc hướng công tác phòng chống dịch”.

Liên quan đến các cơ sở sản xuất mắm tôm ở Thanh Hóa, TS Trần Đáng nói tại hội nghị toàn quốc về thực phẩm lần thứ hai hôm 9/4 tại Hà Nội: “Cục VSATTP đã làm việc với các xã sản xuất mắm tôm và báo cáo lại với lãnh đạo địa phương”. Và ý kiến của ông bây giờ là “Cấm thì không nên cấm nhưng phải đảm bảo VSATTP”.
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.