Mắm tôm phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng

Mắm tôm phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng
TP - Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm vừa chính thức cho phép lưu hành trở lại sản phẩm mắm tôm sau hơn một tháng cấm trên toàn quốc. Ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, trao đổi với Tiền phong về vấn đề này.
Mắm tôm phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng ảnh 1
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng

Trong thời gian diễn ra dịch tiêu chảy cấp, nhiều ý kiến cho rằng mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh tả. Vậy tại sao đến thời điểm này mắm tôm mới được phép lưu hành trở lại, thưa ông?

Chúng tôi khẳng định mắm tôm là nguyên nhân đầu tiên gây bệnh tả. Vừa qua, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm đã phỏng vấn 61 bệnh nhân mắc tả đầu tiên (từ ngày 13/10 - 4/11) đang điều trị hoặc đã ra viện.

Cuộc điều tra được tiến hành dựa trên một bộ câu hỏi có sẵn dựa trên Quy chế Điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT ngày 13/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, mẫu bệnh phẩm là thức ăn, đồ uống còn lại sau bữa ăn của vụ ngộ độc thực phẩm hoặc mẫu thực phẩm lưu, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm...

Điều tra phải được tiến hành trước khi bị ngộ độc 48 giờ hoặc ít nhất là 24 giờ thông qua bệnh nhân (nếu còn tỉnh); những người xung quanh (để nắm được các thông tin liên quan đến người bị ngộ độc thực phẩm đã ăn, uống những gì các biểu hiện trong thời gian 24 - 48 giờ kể từ khi thực phẩm được ăn, uống).

Qua điều tra cho thấy, 100% ca bị tả đều ăn mắm tôm. Như vậy, mắm tôm là nguyên nhân gây bệnh tả.

Nhưng các mẫu xét nghiệm mắm tôm đều không tìm thấy vi khuẩn tả?

Vi khuẩn tả chỉ tồn tại trong mắm tôm trong một thời hạn nhất định, chẳng hạn như trong 40 tiếng. Có thể chỉ có vài lô mắm tôm nào đó ở Thanh Hóa nhiễm vi khuẩn tả, người nào ăn phải lô mắm tôm đó trong khoảng thời gian còn tồn tại vi khuẩn tả mới bị mắc bệnh.

Tuy nhiên, số người mắc tả sẽ thải phân ra ngoài môi trường, vi khuẩn tả theo nguồn nước, không khí… nhiễm vào các thực phẩm khác và đây chính là nguồn làm lây lan dịch bệnh cho những người khác.

Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm có những kế hoạch gì để quản lý chất lượng mắm tôm khi sản phẩm này được tiêu dùng trở lại?

Quản lý mắm tôm nói chung và chế biến thủy hải sản nói riêng thuộc  cả trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy chúng tôi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất mắm tôm. Chỉ cho các cơ sở có điều kiện VSATTP mới được phép sản xuất, kinh doanh mắm tôm.

Sản phẩm mắm tôm để được lưu thông ngoài thị trường phải được công bố chất lượng hoặc được các cơ quan quản lý thủy hải sản chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Như vậy, trước đây có nhiều loại mắm tôm không hề công bố chất lượng vẫn được tiêu thụ?

Trước đây, một số cơ sở sản xuất mắm tôm không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nay, mọi loại mắm tôm đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng vì đây là thương phẩm tiêu thụ sau 24 giờ sản xuất.

Mắm tôm được tiêu thụ phải đảm bảo những tiêu chí nào, thưa ông?

Phải là mắm tôm nguyên thủy, không ô nhiễm, không có vi khuẩn gây bệnh. Khi bị ô nhiễm, các loại vi khuẩn thường thấy trong mắm tôm là vi khuẩn kỵ khí, E.Coli, vi khuẩn đường ruột...

Cảm ơn ông!

Mỹ Hằng
Thực hiện

MỚI - NÓNG