Mặn chát đời muối: Phía sau vị mặn...

Những người đạp xe đi bán muối rong ở Diễn Vạn
Những người đạp xe đi bán muối rong ở Diễn Vạn
TP - Nghề làm muối vốn đã vất vả, nghề bán muối rong lại càng nhọc nhằn hơn. Dẫu cực nhọc, gian truân nhưng bao đời nay diêm dân vẫn rong ruổi trên nẻo đường mưu sinh với tiếng rao ám ảnh…

Giữa cái nắng chang chang tháng Năm, tiếng rao khàn đục hòa cùng gió Lào bỏng rát ở xứ Nghệ của người bán muối thêm phần khó nhọc. Xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) có gần 400 hộ làm nghề muối, thì mỗi hộ đều có ít nhất một người theo nghề bán muối rong, phần lớn là phụ nữ. Trên chiếc cầu bắc qua sông Lạch Vạn, nhóm người “đi nghề” đã tập trung đông đủ từ sáng sớm tinh mơ.

Chiếc xe đạp “gióng ngang” xỉn đen vì muối mặn, chiếc cân tay cổ lỗ sĩ cùng vài bao muối là bạn đồng hành của bà Trần Thị Hạnh (SN 1963, trú xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) trong suốt hơn 40 năm hành nghề bán muối rong. Bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân vào nghề, bà tâm sự: “Vất vả lắm cháu ạ! Ngày trước chưa có xe đạp, phải đi bộ rao bán muối. Có hôm trời nắng như đổ lửa, sức nóng từ mặt đường bốc lên hầm hập, hai thúng muối đè nặng trên vai, ngất xỉu là bình thường… Giờ có xe đạp đi nhưng cũng chẳng đỡ vất vả hơn là mấy”.

Bà Hạnh đi bán muối từ thời con gái. Lấy chồng về bà vẫn gắn bó với nghề khó nhọc này. Nhiều người khuyên bà làm nghề khác đỡ vất vả hơn, nhưng với dân bãi ngang, có nghề nào mà không vất vả cơ chứ?

Mặn chát đời muối: Phía sau vị mặn... ảnh 1 Giờ đây, nhiều người đã có xe máy để đi bán muối nhưng công việc cũng chẳng bớt cực nhọc là bao


Một ngày của bà Hạnh bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, khi loa phát thanh xã bắt đầu phát bản tin chào buổi sáng cũng là lúc bà gọn gàng hành trang lên đường. Cùng đi còn có bà Hương, bà Huệ, những người trạc tuổi bà. Sau khoảng một tiếng đạp xe, phần vì hàng nặng, phần vì trời nắng oi nồng hơn ngày thường, bà Hạnh mới đến được “điểm tập kết” của đội quân bán muối và mắm (nước mắm, mắm tôm) rong tại chợ An, xã Mã Thành (huyện Yên Thành). Đến đây mọi người bắt đầu chia ra bán theo địa bàn. Mười hai giờ trưa, nếu chưa bán hết, bà Hạnh lại đạp xe đi bán rong. Ròng rã lúc đạp, lúc đẩy xe muối, tiếng rao của bà Hạnh cũng như bao người cùng nghề len lỏi khắp các con đường, vào từng ngõ ngách: “Ai muối khôn...g..g..g…!”. Rao đến khản giọng...

Tầm 2 giờ chiều, kết thúc một ngày bán hàng, bà lại vội vã đạp nhanh về nhà để “trốn” nắng. Quãng đường từ chợ về nhà chỉ hơn 7 km nhưng cũng khiến bà Hạnh“bở hơi tai” khi phải đạp xe dưới cái nắng như chảo lửa. “Những hôm may mắn suôn sẻ hết hàng, về sớm. Hôm “xấu ngày” phải bán hạ giá, thậm chí bán chịu để giải phóng xe hàng, ngày hôm sau đi chuyến mới. Cực nhất là mùa hè, những hôm trời bất chợt đổ mưa rào, may mắn gặp được chỗ trú, nếu không bao nhiêu áo mưa mang theo phải để che muối, còn người thì chịu ướt. Những ngày như thế thường lỗ vốn”, bà tâm sự.

Hành trình của bà Hạnh mỗi ngày (trừ những ngày mưa) cứ đều đều như vậy hơn 40 năm nay. Cũng chính vì thế, bà Hạnh trở thành lão làng trong nghề, không chỉ thân thuộc từng con phố, ngõ ngách mà bà còn có mạng lưới khách quen. Đời bán muối rong cực nhọc, vất vả, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhưng là nghề mưu sinh chính của những người lao động như bà, lấy công làm lãi. Bà Hạnh hợp đồng với một diêm dân trong xã, mua muối theo giá bán buôn. “Do sức đạp có hạn nên mỗi chuyến tôi chỉ chở khoảng 100 kg muối đi bán. Giá bán trung bình khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, trừ các loại chi phí, ngày công cũng chỉ được khoảng 40.000-60.000 đồng. Bèo bọt lắm, nhưng không đi bán muối thì lấy gì nuôi các con”, bà Hạnh thở dài.

“Đưa được muối vào tận nơi khỉ ho cò gáy này bà con trả cho giá khá cao 7.000 đồng/kg. Mỗi chuyến đi kéo dài cả vài ba tháng, trừ mọi chi phí, anh lời khoảng 4-5 triệu đồng”.

Lái muối Nguyễn Văn Lâm


Hoàn cảnh bà Hạnh vô cùng khó khăn. Năm 2011, chồng bà bị ung thư dạ dày. Bao nhiêu vốn liếng, tài sản quý trong nhà lần lượt “đội nón ra đi”. Nhà vốn đã nghèo, từ ngày chồng bệnh lại càng nghèo hơn. Khoảng thời gian điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Hạnh giấu nước mắt vào trong, cố gắng làm lụng kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, nuôi con ăn học. Cuối năm 2012, chồng bà ra đi để lại 3 đứa con nheo nhóc cùng số nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng. Đã 8 năm kể từ ngày chồng mất bà Hạnh một mình gồng gánh nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Nhưng công việc bán muối rong của bà “ba cọc, ba đồng” cũng chẳng thể đủ mưu sinh, cáng đáng cho cả gia đình. 

Cõng biển lên non

Cách nhà bà Hạnh chừng dăm bước chân, chị Trần Thị Cam (SN 1970) cũng mưu sinh bằng nghề bán muối rong. Theo nghề từ năm 16 tuổi và đến nay đã hơn 30 năm đi nghề. Ở tuổi 50 khuôn mặt chi chít những nếp nhăn, làn da đen sạm vì nắng gió và bụi đường. Đôi mắt sâu trũng hằn lên sự vất vả, cực nhọc. “Đồ nghề” của chị Cam là chiếc xe máy cà tàng. Trên xe có từ 3-4 bao tải chừng 2 tạ muối được chằng buộc chắc chắn. Ở phía giỏ xe kẹp cái cân và chai nước lớn. 

Ở Diễn Vạn, những người bán muối đi thành hội, chủ yếu là chị em bạn bè trong xóm với nhau. Nhóm chị Cam có 12 người, đều cỡ 40 đến non 50 tuổi và đã từng gánh muối bán rong từ thuở thanh xuân. Trời hửng nắng, đồng hồ chạm mốc 6 giờ 30 phút sáng, tất thảy các chị em đều mang áo dài tay, bịt khăn kín mít còn hở mỗi hai con mắt và lên xe, nổ máy đi. Vừa đi, hội chị em vừa phân công địa bàn. Hôm nay, “địa bàn” hoạt động của các chị là vùng Nghĩa Đàn - Quỳ Hợp. Nếu như ngày trước những người bán muối như chị Cam phải rao bằng miệng đến khô họng mới mong gặp được người mua thì giờ đây có máy thu âm chạy bằng ắc quy nên cũng đỡ phần khó nhọc. 

Chỉ mới gần chục năm lại đây, nhiều người đi buôn bằng xe máy, tuy chở được nhiều hàng nhưng chẳng bán được bao nhiêu vì có nhiều người đi nghề hơn. Có phương tiện, công cụ hỗ trợ rồi nhưng công việc cũng chẳng bớt cực nhọc đi là bao. Giữa cái nắng như thiêu đốt, những con đường nhựa như phả hơi nóng vào mặt, rút cạn dần sức người. Chai nước treo bên xe của chị Cam dần cạn từ khi nào... 

Ngoài đi loanh quanh bán muối rong ở các huyện lân cận, những năm qua diêm dân Diễn Vạn đã năng động “đánh bắt xa bờ”, 4-5 gia đình gom muối lại thuê một ô tô chở lên tận các huyện miền núi xứ Nghệ như Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn,… sau đó dùng xe máy chở vào các bản làng để bán. Anh Nguyễn Văn Lâm (45 tuổi, trú xóm Vạn Nam) kể: “Gia đình anh thuê xe tải chở 5 tấn muối lên Kỳ Sơn, tập kết tại thị trấn Mường Xén rồi dùng xe máy chở vào các bản Mường Lống, Mường Típ, Nậm Cắn,… để bán. Chi phí vận chuyển mất khoảng 2-3 triệu đồng”.

Dù vậy, đi bán muối ở các huyện rẻo cao cũng chẳng dễ dàng chút nào. Những con dốc dựng đứng, nhiều hôm mưa đường trơn trượt, ngã xe là chuyện “như cơm bữa”. Nhiều bản không có đường dành cho xe máy, anh phải dùng sức người hết cõng, rồi vác bao muối nặng hơn 50 kg vào tận bản. 

Chiều xuống, nắng thôi chói chang, tôi vẫn nghe thấy tiếng rao văng vẳng của những người bán muối rong còn “ế” hàng. Tự hỏi, không biết đến bao giờ, đời… rao muối mới vợi bớt những nhọc nhằn, lo toan… 

MỚI - NÓNG