Mang thai hộ - Nên có hợp đồng

Mang thai hộ - Nên có hợp đồng
TP - “Chúng tôi ủng hộ chủ trương này (mang thai hộ) vì nó mang tính nhân đạo; đồng thời cũng không chấp nhận thương mại hóa”, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi, trao đổi với Tiền Phong hôm 26/11.

> Mang thai hộ dễ nhiều biến tướng
> Cho phép mang thai hộ nhưng cấm quan hệ trực tiếp

Mang thai hộ ở một góc độ nào đó thực chất có thể gọi là đẻ thuê, vì vậy ĐB lo ngại với quy định tại dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi việc này dễ biến tướng, mang màu sắc thương mại?

Mang thai hộ có mục đích nhân đạo. Nhưng việc đưa ra quy định chi tiết để thể hiện điều đó, thì với dự thảo như hiện nay cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa đáp ứng được. Làm sao tinh thần nhân đạo ấy phải được bảo đảm chắc chắn bằng pháp luật. Quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên tham gia vào quá trình đó phải được xác định rõ ràng. Có thể là người ta ngại chữ hợp đồng nhưng mà sự cam kết là rất quan trọng, mang tính chất pháp lý ràng buộc, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh sau khi và trong khi mang thai hộ. Nên có hợp đồng để ràng buộc về trách nhiệm, làm rõ cam kết của các bên. Chủ trương này là đúng, cần ủng hộ, nhưng cũng cần quy định chặt chẽ.

Thưa ông, rất nhiều ĐB băn khoăn về khái niệm “mang thai hộ”, nhất là trong tình hình đẻ thuê có những phức tạp, biến tướng của nạn buôn bán người?

Về khái niệm, mô tả mang thai hộ không khó. Đó là việc một người mang thai nhưng trứng và tinh trùng là của người khác - người nhờ. Về kỹ thuật rất rõ. Nhưng giải quyết làm sao để việc này thể hiện được hai yêu cầu: Thứ nhất là sự nhân văn; thứ hai, đảm bảo không bị lợi dụng, thương mại hóa. Tức là giải quyết khía cạnh xã hội mới khó, chứ mặt kỹ thuật thì đơn
giản thôi.

Thực tế có người sẽ lợi dụng quy định này để hợp thức hóa các quan hệ ngoài hôn nhân; hoặc để lại hậu quả về sau như đứa trẻ và người mang thai có thể nhận mẹ /con hay không?... Như vậy nó tiềm ẩn tha hóa, đe dọa quan hệ hôn nhân?

Theo tôi, khi quy định phải đảm bảo để thực hiện đúng trong thực tế và không bị lạm dụng, biến tướng. Cho nên luật phải quy định và để quy định thì chúng ta phải suy nghĩ. Tôi cho rằng, Dự thảo hiện nay cố gắng nhưng chưa đạt mong muốn. Người ta mang thai hộ thì anh có nghĩa vụ tạo điều kiện cho người ta làm việc đó. Nhưng làm sao để nó không biến thành thương mại, thì phải làm rõ vấn đề này.

Thừa nhận hôn nhân đồng giới

Lần này ĐB cũng bàn nhiều về hôn nhân đồng giới. Trong khi ta chưa thừa nhận chuyển giới, vậy những trường hợp tự chuyển giới và kết hôn thì sao?

Tôi cho dự thảo xử lý như vậy là hợp lý. Có nghĩa là mình không cấm, thực chất là mình cũng muốn đi đến chỗ công nhận, nhưng mà cũng cần có thời gian, phải giải quyết được vấn đề phong tục, tập quán và dư luận. Cho nên, phải đi theo con đường này: Hầu như tất cả các nước đã công nhận hôn nhân đồng giới đều đi bằng hai bước - bước một không cấm; và bước hai - công nhận nó.

Sau khi chuyển giới thì anh đã có giới tính rồi và anh cũng có thể kết hôn đồng giới với giới tính mới. Tuy nhiên chuyện chuyển giới cũng phải được công nhận. Chúng ta đang đi từng bước như vậy.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.