Măng tre, rau rừng gửi miền xuôi chống dịch

Cậu bé Hồ Ánh Khiết vác búp măng tre lội bộ nửa giờ đồng hồ đến điểm tiếp nhận thực phẩm ủng hộ chống dịch
Cậu bé Hồ Ánh Khiết vác búp măng tre lội bộ nửa giờ đồng hồ đến điểm tiếp nhận thực phẩm ủng hộ chống dịch
TP - Hàng tấn rau rừng, thực phẩm sạch được bà con vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) chuyển đến người dân thành phố Đà Nẵng, tiếp sức cho miền xuôi chống dịch

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho hay, người dân các xã vùng cao đang tiếp tục hưởng ứng vận động chương trình "Hướng về đồng bằng, san sẻ yêu thương", chung tay chống dịch COVID-19.

Ngay sau lá thư kêu gọi của Ủy ban, hàng trăm đồng bào vùng cao huyện nghèo lập tức hưởng ứng. Những gùi rau lủi, bí đỏ, măng rừng... nối nhau về nơi tập kết những chuyến hàng hỗ trợ miền xuôi chống dịch.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), tham gia công tác tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch tại huyện, chia sẻ những câu chuyện xúc động về tấm lòng người miền núi hướng về miền xuôi giữa đại dịch. Đó là cậu bé Hồ Ánh Khiết (8 tuổi) đồng bào Ca Dong ở xã Trà Tập đã lội bộ hơn nửa giờ đồng hồ vác đọt măng tre cao gần bằng mình từ rẫy về nơi tập kết. Cậu bé có đôi mắt tròn xoe, nói rằng nghe mẹ nói rằng thấy mẹ và những người dân trong làng vào rừng hái rau gửi xuống ủng hộ chống dịch nên đã đi cùng. Sau khi được mọi người hỗ trợ hái được đọt măng tre, cậu bé đầu trần chân đất, phăng phăng vác đọt tre trên vai, đi một mạch về nơi tập kết đồ hỗ trợ chống dịch.

Hỏi ra mới hay, Khiết năm nay chuẩn bị vào lớp 3. Ba bị mất sức lao động, hằng ngày mẹ làm rẫy nuôi 2 anh em. Hôm mẹ vào rừng đi hái rau ủng hộ, Khiết được đi theo như mọi lần. Nghe mọi người nói đi hái rau, măng để ủng hộ chống dịch nên em cũng góp một búp măng ủng hộ.

Theo  Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đợt 1 người dân các xã Trà Mai, Trà Dơn, Trà Don, Trà Tập đã ủng hộ hơn 10 tấn rau củ, đã được chuyển xuống Đà Nẵng hôm 21/8. Hiện người dân 6 xã còn lại tiếp tục hoạt động gom góp ủng hộ đợt 2 gửi cho người dân vùng cách ly Quảng Nam.           

MỚI - NÓNG