Mảnh đất thân thương in dấu chân Người

Mảnh đất thân thương in dấu chân Người
TP - Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình, hai lần Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An (1957, 1961). Những khoảnh khắc được gần gũi bên Bác đối với người dân xứ Nghệ thật khó quên.

Trong bữa cơm thân mật Tỉnh ủy- UBND tỉnh Nghệ An tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trưa hôm qua (18/5) tại KS Phương Đông- TP Vinh, nhân dịp Tổng Bí thư về dự lễ kỷ niệm 117 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Bác Hồ về thăm quê, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Xuân Đường giới thiệu tôi gặp ông Nguyễn Văn Lang- Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn).

“Ông Lang là người từng 6 lần được gặp Bác Hồ, chắc sẽ có nhiều kỷ niệm”, ông Đường nói.

Dáng người nhỏ nhắn, nom ông giống một cựu công nhân hơn là Giám đốc. “Trong những lần được tiếp xúc với Bác, ấn tượng nhất vẫn là lần Bác tới Nông trường Đông Hiếu thăm anh chị em công nhân (1961) và lần tôi đạp xe từ Nghĩa Đàn ra Phủ Chủ tịch (năm 1966)” -  ông Lang kể:

Rạng sáng ngày 10/2/1961, chiếc trực thăng rời Vinh bay về phía miền Tây Nghệ An. Lãnh đạo địa phương bố trí sẵn một chiếc Volga để Bác đi thăm đồi cà phê, nhưng Bác lắc đầu từ chối.

Bác chọn chiếc GAT 69 lấm lem bùn đất đang đậu ở ngoài sân. Chiếc GAT 69 rời trụ sở Nông trường tiến lên đồi, lại vòng về khu chăn nuôi và khu tập thể của anh chị em công nhân, đưa Người đi thăm cảnh sản xuất của nông trường, nơi ăn chốn ở và động viên những người lao động.

Biết tin lãnh tụ về thăm Nông trường Đông Hiếu- một trong những lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của miền Bắc, từ sáng sớm, hàng vạn nông dân, công nhân vùng lân cận đã tề tựu bên trụ sở nông trường.

Bác dặn dò: “Để phát triển sản xuất, Nông trường phải hỗ trợ HTX và đồng bào địa phương. Ngược lại, HTX và đồng bào Đông Hiếu cũng phải giúp đỡ nông trường. Nếu chúng ta giữ được mối đoàn kết thì sẽ thành công, nhất định thành công!”.

Mảnh đất thân thương in dấu chân Người ảnh 1
Chiếc trực thăng chở Bác về thăm quê năm 1957.

Ba cán bộ, công nhân của nông trường Đông Hiếu vinh hạnh được Bác trao tặng Huy hiệu Bác Hồ nhân dịp này, gồm các ông: Nguyễn Văn Lang- Công nhân, chiến sỹ thi đua ngành trồng trọt; Trần Kim Mạnh- Giám đốc; Võ Trọng Tạo- chiến sỹ thi đua ngành chăn nuôi.

Bác giơ chiếc túi đựng huy hiệu, nói to cho mọi người cùng nghe: “Bác mong anh chị em công nhân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến cải thiện sản xuất, đem đến hiệu quả lao động cao hơn, góp phần phát triển và xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp. Những người nào làm tốt, Bác sẽ tặng huy hiệu Bác Hồ”.

Ông Nguyễn Văn Lang kể: “Mặc dù công việc của Người rất bận rộn, nhưng Bác đã dành gần trọn một ngày cho Đông Hiếu (từ 7 giờ sáng đến 13 giờ chiều). Giờ nghỉ trưa, chúng tôi bố trí cho Bác ngủ ở phòng Giám đốc nhưng Bác lắc đầu, Bác vào nghỉ ở phòng của thư ký Công đoàn”.

Lúc ra về, nông trường biếu Bác 3kg cà phê, Bác từ chối: “Đây là tài sản của Nhà nước, Bác không nhận”.

Năm 1966, ông Lang nhận được giấy mời đi dự Đại hội AHLĐ toàn quốc lần thứ 4. Đội trên đầu mưa bom bão đạn, ông đạp xe từ Nghĩa Đàn vượt hơn 300 km ra Hà Nội. Ngày đi, đêm nghỉ, vừa đi vừa tránh máy bay Mỹ, sau 2 ngày đạp xe mới tới nơi.

Trên đất Thủ đô, lần thứ 6 ông được gặp Bác. “Trong các năm 1963, 1964, tôi theo học tại trường quản lý nghiệp vụ nông trường tại Xuân Mai- Hà Tây, may mắn được tiếp xúc với Người thêm 4 lần. Khi thì diện kiến Người ở Phủ Chủ tịch, khi bên thềm Đại hội. Cứ mỗi lần nhìn thấy Người, lòng trào lên xúc động, tôi lại bật khóc”.

Bà Lê Thị Yến- cựu công nhân Nhà máy cơ khí Vinh kể: “Năm 1961, sau khi về thăm Kim Liên- Nam Đàn, Bác đến nhà máy cơ khí Vinh nói chuyện với anh chị em công nhân. Dòng người tụ tập vòng trong vòng ngoài rất đông, tôi thấp bé nên phải đứng trên chiếc ghế. Bác chỉ vào tôi, cất giọng trầm ấm: “Cháu làm gì?”. “Dạ thưa Bác, cháu làm thợ đúc”.

Bác lại hỏi: “Người cháu nhỏ như thế nhưng làm công việc nặng nhọc, có vất vả lắm không?”. Tôi trả lời: “Chúng cháu đang thực hiện theo lời Bác dạy: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Công việc dù khó khăn đến mấy chúng cháu cũng phấn đấu hoàn thành tốt, thưa Bác”.

Cựu công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh, ông Nguyễn Văn Hy cho biết: “Bác đi thăm các phân xưởng, khu tập thể, nhà ăn. Bác động viên mọi người hăng hái tham gia lao động, sản xuất. Chốc chốc, người dừng lại nói chuyện với anh chị em công nhân, hỏi thăm cuộc sống của từng thành viên trong nhà máy. Bác thật giản dị và gần gũi!”.

Không ngờ đó là lần cuối cùng Bác về thăm quê, thăm nơi chôn nhau cắt rốn. “Quê hương nghĩa nặng, tình cao…”, nửa thế kỷ đã trôi qua, làng Chùa, làng Sen (Kim Liên- Nam Đàn), Đông Hiếu (Nghĩa Đàn), những mảnh đất thân thương vẫn in dấu chân của Người.    

MỚI - NÓNG