Mạo hiểm vào Cửa Việt

Mạo hiểm vào Cửa Việt
TP - Hàng trăm căn nhà bị cô lập, ngập chìm trong biển nước, cây gãy, ngói đổ, người dân Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) rời nơi cư trú vào chỗ an toàn. PV Tiền Phong có mặt tại vùng nguy hiểm vào thời khắc nóng nhất, khi bão số 9 đổ bộ.

16 giờ ngày 29/9, đường từ QL 1A đến thị trấn Cửa Việt bị cắt đứt bởi cây cối gãy đổ, mất gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được khu phố Hai.

Ông Nguyễn Công Thắng (Khu phố Hai, Cửa Việt) kể: “Tôi đang dọn đồ đạc, chuẩn bị đi sơ tán thì bão ập đến. Một trận gió giật làm mái tôn bay tứ tung, khiến căn nhà xiêu vẹo, có nguy cơ sụp đổ!”.

Dọc đường xuống Cửa Việt, làng mạc tiêu điều, tan hoang. Đồng bãi nước ngập trắng xóa. Giao thông nội vùng bị tê liệt. “Gió mạnh nổi lên từ lúc 2 giờ sáng ngày 29/9, kéo dài, giật kinh hoàng”, anh Nguyễn Công Tuyến (khu phố Hai) cho biết.

Đề phòng gió to, nhà sập, anh Tuyến dắt vợ con ra đứng tránh bão trước hiên nhà. Kế bên, căn nhà của ông Sáu mái ngói bị lùa thành từng đống trên nóc dù ông đã dùng lưới chằng chống.

Thoát hiểm

Nhóm PV ngược gió, tiếp cận lạch sông lúc triều cường dâng cao, bão tố dồn dập. “Xuống đó nguy hiểm lắm! Nước đang lên!”, một người dân khu phố Hai cảnh báo. Mây đen vần vũ, gió giật từng cơn, tiếng động rợn người.

Trước mặt là vùng nước mênh mông. Thủy triều dâng lên, lũ thượng nguồn đổ về. Hàng trăm hộ dân cửa sông sống giữa ốc đảo. Hơn 300 căn nhà bị nước bao vây.

Giữa lúc mưa to gió lớn, cả gia đình ông Thanh dắt díu nhau đi. Tấm áo mưa mỏng dính bị xé rách từng mảng, lũ trẻ ướt sũng, run lên vì lạnh. Phía sau ông Thanh, vợ chồng anh Võ Văn Dũng ôm con đi ngược gió. Đứa bé một tuổi ngủ thiếp trên tay mẹ.

“Bão số 9 dai kinh khủng! Gió ầm ầm từ sáng đến tối, không ngớt”, chị Hạnh, vợ anh Dũng lo lắng. Nước biển dâng nhanh khiến người dân Cửa Việt không kịp trở tay. Họ đành phải rời căn nhà của mình đi sâu vào đất liền, chờ bão tan. Cũng như nhiều hộ khác, anh Dũng, chị Hạnh đã mất số lương thực dự phòng.

Men theo con đường ngập nước, tiến vào khu dân cư, gió mỗi lúc mỗi riết. “Gió vít cong hàng cây, bẻ gãy răng rắc, có những cành cây to lớn bằng bắp chân bị ném ra xa hàng chục mét. Ngoài kia, nước sông như sôi lên, đục ngầu.

Chúng tôi rút khỏi Cửa Việt khi trời chạng vạng tối. Đường ra bị nhiều khúc gỗ lớn chắn ngang lối đi. Bì bõm trèo, lội, quần áo ướt sũng, máy ảnh phải giấu trong túi nilon. Gần lạch sông, nước dâng ngang cổ, chảy xiết. “Chậm một chút nữa, là hết đường về!”, một đồng nghiệp nói. 

Ban Bí thư T.Ư Đoàn tham gia chống bão số 9

Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã có văn bản chỉ đạo khẩn gửi các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc và các báo của Đoàn, đề nghị  thực hiện tốt một số yêu cầu để đối phó với cơn bão số 9- Kestana.

Theo đó, các tỉnh, thành Đoàn từ Thanh Hóa đến Bình Định và Kon Tum chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện đối phó với bão; giúp người dân vùng ven biển, vùng trũng, vùng đê xung yếu khẩn trương sơ tán đến địa điểm an toàn;

Huy động các đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, giúp dân bảo vệ nhà cửa, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra; tham gia cứu hộ đê; khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra; tích cực tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… tới người dân, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Các cơ quan báo chí của Đoàn thông tin về diễn biến của bão, những kinh nghiệm trong phòng, chống bão lụt; kêu gọi các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân ủng hộ kinh phí, vật chất… hỗ trợ kịp thời đồng bào khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra; kịp thời giới thiệu, biểu dương những tập thể, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia có hiệu quả trong phòng, chống bão lũ.

Cây đổ đè xe khách, nhiều người trọng thương

Khoảng 17h20’ ngày 29/9, một cây thông cổ thụ bị gió xô ngã rồi đè lên chiếc ô tô khách Mercedes Benz (biển số 49X – 5413, 16 chỗ ngồi) đang lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo. Toàn bộ 16 người trên xe bị thương phải vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu.

Hơn 7h sáng 29/9, cây thông cổ thụ (đường kính gần một mét, cao hơn 30m) ngã ngang đường Trần Hưng Đạo đè chiếc mô tô biển số 49V2 – 0749 cùng hai chiếc xe đạp điện.

Người điều khiển mô tô là cô Phùng Thị Thanh (giáo viên trường THPT Trần Phú) chết tại chỗ. Con của cô là cháu Trình Anh (sáu tuổi, trường tiểu học Lê Quý Đôn) cùng ba học sinh lớp mười trường Trần Phú là Thư, Ngọc Huyền và Ngọc Quỳnh thoát chết trong gang tấc; ba chiếc xe bị hư hỏng nặng. 

Quảng Trị: Dùng loa phóng thanh bằng tay

Tính đến 18 giờ ngày 29/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có chín người ở huyện Hải Lăng bị thương nặng trong lúc chằng chống ứng phó với bão lũ; bốn trụ sở cơ quan, năm trường học và 219 nhà dân ở Hải Lăng bị tốc mái và hư hỏng nặng; 198 ha cao su ở hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh bị gãy đổ hoàn toàn.

Các tuyến đường A Vao -Tân Đi 2, A Vao - Pa Lin bị sạt lở đất, bồi lấp mặt đường dài 20m. Cầu chương trình 135 ở xã A Túc bị hư hỏng không đi lại được. Đầu giờ chiều 29/9, đa phần những tuyến đường liên xã của huyện Triệu Phong chìm trong nước 70 - 80cm.

Giao thông chia cắt, hệ thống điện lưới không hoạt động nên khó khăn nhất của các xã ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị cô lập lại là thông tin về bão để chủ động phòng tránh. Nhiều xã như Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Thuận... đã khắc phục bằng cách, mỗi khi có thông tin mới về bão, UBND xã lại cắt cử  người cầm loa phát thanh bằng tay đến các xóm để thông báo cho người dân biết...

Quảng Nam: Phương án ứng cứu bị hạn chế

Gió lớn kèm theo mưa to đã khiến hầu hết các sông trong tỉnh vượt  mức báo động 3. Các địa phương đồng bằng ven biển chìm trong biển nước, khiến giao thông tê liệt.

Gió lớn đã làm hàng ngàn nhà dân tốc mái, sụp đổ, trên các tuyến đường tại Tam Kỳ. Cây cối, đường dây điện,  nhà dân, biển bảng quảng cáo đứt ngã tan hoang.  Các phương án ứng cứu của địa phương hầu như bất lực  vì gió quá lớn.

Tại Cù Lao Chàm có 15 tàu hàng hải  và sà lan neo đậu trú bão, có thể chìm. Thông tin liên lạc giữa đất liền và đảo bị cắt đứt.

Trưa 29/9, chính quyền TP Hội An đã  đưa 600 du khách du lịch đang lưu trú tại các khách sạn ven biển về trú tại các nhà khách của thành phố để an toàn tính mạng. 

Đã có ba nạn nhân đầu tiên thiệt mạng là Huỳnh Văn Cơ và Bùi Thị Thủy (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành), Nguyễn Văn Tám (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên).  

Sáng 29/9, lực lượng biên phòng cảng Kỳ Hà, Núi Thành đã kịp thời cứu 15 công nhân trên tàu cuốc Hưng Thịnh bị trôi dạt trên sông Trường Giang. 

Tại đảo Cù Lao Chàm, 2 tuyến kè chính của thôn Bãi Hương và Bãi Làng bị sóng biển cuốn trôi, mặc dù lực lượng Quân đội và BĐBP giúp đỡ di dời nhưng vẫn không kịp,  kéo theo nhiều nhà cửa và tài sản của người dân sát biển.

Quảng Bình: 500 khách đi tàu bị kẹt ở ga Đồng Hới

Ông Mai Lê Long - Trưởng ga Đồng Hới cho biết, có hai chuyến tàu khách là SE1, SE3 xuất phát từ ga Hà Nội đi TPHCM phải dừng lại ở ga Đồng Hới (Quảng Bình) do mưa bão.

Chuyến tàu SE1 chở 359 hành khách đến ga Đồng Hới lúc 5 giờ sáng và SE3 có 141 hành khách đến ga Đồng Hới lúc 8 giờ. 101 hành khách có vé đi Huế trên chuyến tàu SE1 đã được nhà ga chuyển sang tàu Hà Nội - Huế để tiếp tục hành trình ngay sau đó.

Những hành khách bị kẹt lại ở ga Đồng Hới đã được nhân viên trên tàu và nhà ga phục vụ khá chu đáo như: ăn cơm miễn phí, ai có nhu cầu trả lại vé đều được chấp nhận và hoàn tiền đầy đủ.

Chiều tối cùng ngày cả hai chuyến tàu nói trên đã nhận được lệnh tiếp tục hành trình và sẽ dừng ở bất cứ ga nào nếu đường sắt xảy ra sự cố.

Theo ông Long, hiện tại trên toàn tuyến đường sắt vẫn chưa có thiệt hại nào đáng kể, nhưng đề phòng bất trắc nên Phòng Điều vận Đà Nẵng đã ra lệnh dừng tàu.

Phú Yên: Triều cường, sóng lớn

Tại TP Tuy Hòa, sóng lớn kết hợp với triều cường đã uy hiếp nhiều tàu thuyền tại khu vực phường 6, trong đó có ba tàu bị thủng.

Hiện số lượng tàu thuyền neo đậu tránh trú bão ở bến cá Đông Tác, Tuy Hòa với số lượng lớn, trong khi đó luồng lạch ở đây lại quá cạn và nhỏ nên các tàu va đập lẫn nhau dễ gây ra hư hỏng, vỡ tàu, gây thiệt hại kinh tế là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế thiệt hại, ngư dân đã dùng lốp xe ô tô cũ để cột hai bên mạn thuyền nhằm hạn chế va đập.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, tại ga Tuy Hòa, 100 hành khách Phú Yên đi các tuyến tàu TN1, S1 xuất phát từ Hà Nội  - TPHCM bị kẹt lại.

Bình Định: Bảy người chết, mất tích

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định, trên địa bàn toàn tỉnh có 45 tàu cá bị chìm, sáu người chết, ba người mất tích, 12 người bị thương, trên 105 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 3.000 ngôi nhà tốc mái, gần 10.000 ha hoa màu bị ngập úng, điện đường hư hỏng…

Nhiều cây xanh bị đổ, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái. Mưa lớn làm cho mực nước các sông dâng cao khá nhanh, trong đó mực nước trên sông Côn tại Thạnh Hòa là 5,95m.

Tại TP Quy Nhơn, gió giật cấp 10 làm cho 1.350 cây xanh bị ngã đổ, 150 bộ đèn chiếu sáng và đèn trang trí bị hư hỏng, nhiều khu phố bị mất điện nhiều giờ đồng hồ. Trụ ăng-ten cao 30 m của Đài Truyền thanh xã Nhơn Hội bị gió quật ngã, cắt đứt thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9 đến với người dân.  

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.