Mất biệt thự trị giá hàng ngàn cây vàng

Mất biệt thự trị giá hàng ngàn cây vàng
TP - Khi đất nước còn khó khăn, một gia đình cách mạng đã cho Nhà nước mượn căn biệt thự ở Hà Nội để cho chuyên gia ở. Hòa bình lập lại, biệt thự không được trả lại cho chủ của nó, mà người ta tự tiện phân cho nhiều cán bộ khác.

Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội yêu cầu Hà Nội giải quyết, nhưng nhiều năm nay chẳng cơ quan nào của Hà Nội đứng ra giải quyết…

Mất biệt thự trị giá hàng ngàn cây vàng ảnh 1
Ngôi nhà 14 Nguyễn Thượng Hiền   Ảnh: Hồng Vĩnh

Cho thuê… mất nhà

Căn nhà số 14 Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là biệt thự 3 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 236 m2, tọa lạc trên mảnh đất 220 m2, thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Nguyễn Duy Tuyến và Vũ Thị Điểm (nay biệt thự này có giá hàng ngàn cây vàng).

Năm 1945, sau khi hai cụ qua đời, căn biệt thự này là tài sản thừa kế hợp pháp của 7 người con. Những năm kháng chiến chống Pháp, các con của cụ Tuyến đều tham gia kháng chiến, ngôi nhà được giao cho người chị ruột của cụ Điểm quản lý.

Hòa bình lập lại, khi đó Cục chuyên gia thuộc Bộ Ngoại giao cần nhà ở cho các chuyên gia Ba Lan sang công tác trong Ban Liên lạc 4 bên thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cục chuyên gia đặt vấn đề với người anh cả Nguyễn Duy Thuyên, đề nghị cho thuê căn biệt thự 14 Nguyễn Thượng Hiền.

Ngày 5/8/1957, hợp đồng thuê nhà được lập, với giá thuê 8 vạn đồng/tháng. Tiếng là cho thuê nhưng thực chất là cho mượn, vì sau đó gia đình không lấy tiền thuê của Nhà nước.

Hết thời hạn thuê, năm 1962, Cục Chuyên gia lại chuyển căn biệt thự này sang cho Văn phòng Phủ Thủ tướng. Sau đó, căn biệt thự được phân cho ông Nguyễn Văn Hưởng-Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Nguyễn Văn Chi-Thứ trưởng Phủ Thủ tướng ở. Sau khi ông Hưởng và ông Chi chuyển sang công tác ở Thường vụ Quốc hội, ngôi nhà được chuyển qua Văn phòng Quốc hội quản lý và sử dụng.

Để rồi sau đó, căn biệt thự được Văn phòng Quốc hội bố trí cho 7 cán bộ thuộc Văn phòng Quốc hội sử dụng. Toàn bộ việc chuyển đổi cơ quan quản lý, bố trí cho các hộ vào ở gia đình ông Thuyên không hề hay biết. Bởi thời điểm đó, họ đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, chống Mỹ.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết, thành phố lặng thinh

Sau năm 1975, nước nhà thống nhất, 7 anh em ông Thuyên trở về Hà Nội thì nhà đã mất. Bức xúc nhu cầu về nhà ở, họ làm đơn gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để “xin lại nhà”, nhưng đã hơn 30 năm nay, không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Mãi đến năm 1994, Văn phòng Quốc hội mới có văn bản “giao Sở Nhà đất Hà Nội trực tiếp xem xét và giải quyết…”.

Tiếp đó, ngày 10/10/2004, Văn phòng Chính phủ có văn bản 6764, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, giao UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét, giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Nguyễn Duy Thuyên về việc xin lại biệt thự số 14 Nguyễn Thượng Hiền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo gia đình ông Thuyên, từ đó đến nay, vẫn không ai đứng ra giải quyết. Duy nhất, chỉ có một lần cán bộ của Sở Tài nguyên môi trường & Nhà đất Hà Nội đến hỏi thăm xem anh em ông ăn ở ra sao, rồi từ đó bặt tin.

Đại tá quân y Nguyễn Duy Tuân, người con thứ 3 của cụ Tuyên cho biết, người anh cả Nguyễn Duy Thuyên đã mất năm 2005 (thọ 80 tuổi) mà chưa được trở về với ngôi nhà, người anh Nguyễn Duy Tường, sinh năm 1927 nay cũng ốm yếu lắm, không biết ngày ra đi có được về thăm lại căn biệt thự mà cha để lại.

“Ngay bản thân tôi, nay cũng đã 78 tuổi, không biết ngày ra đi có đòi lại được căn nhà. Dù thế nào thì tôi vẫn tin là Đảng, Nhà nước không phụ lại tấm lòng tốt của dân…”-Ông Tuân nói.   

Theo báo cáo năm 1996 của Sở Nhà đất Hà Nội, Văn phòng Quốc hội không có giấy tờ được phép sử dụng nhà 14 Nguyễn Thượng Hiền của cơ quan có thẩm quyền cấp. Cơ quan nhà đất cũng không quản lý, ký kết hợp đồng cho thuê nhà đối với những hộ dân hiện đang ở nhà này.

Nhà 14 Nguyễn Thượng Hiền cũng không nằm trong danh sách nhà cải tạo. Chủ nhà cho thuê nhà trước thời điểm cải tạo nhà cửa, nhưng thực chất là cho mượn nhà.

MỚI - NÓNG