Mặt cầu Thăng Long càng vá càng nứt

Các vết nứt mới lại xuất hiện trên mặt cầu
Các vết nứt mới lại xuất hiện trên mặt cầu
TP - Sau gần 4 tháng tiến hành xử lý các vết nứt đầu tiên trên mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), giờ đây mặt cầu lại tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt mới, trong khi nguyên nhân sự cố vẫn chưa được tìm ra.
Các vết nứt mới lại xuất hiện trên mặt cầu
Các vết nứt mới lại xuất hiện trên mặt cầu.

Trao đổi với báo chí chiều qua (30-7), ông Nguyễn Năng Thể - Phó Tổng Giám đốc Ban 2, đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi khảo sát tổng thể, hiện mặt cầu Thăng Long tiếp tục xuất hiện hiện tượng lún, nứt. Cụ thể, trên mặt cầu hiện có khoảng 2.000 m2 cần trám vá lại.

“Ngày 5-8 tới đây chúng tôi tiếp tục cho tiến hành sửa chữa mặt cầu Thăng Long ở những nơi bị lún, nứt. Số tiền sửa chữa khoảng 1 tỷ đồng. Dự kiến tiến hành sửa chữa, cải tạo mặt cầu Thăng Long sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần”- Ông Thể cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều đoạn trên mặt cầu Thăng Long dù mới được đầu tư sửa chữa thảm lại với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng tiếp tục bị biến dạng lồi lõm tạo thành các vết nứt kéo dài. Có nhiều vết chạy dọc, có vết vòng hình cánh cung, nhiều đoạn bị lõm xuống khiến mặt cầu không còn bằng phẳng. Đặc biệt, phương tiện giao thông qua đây thường đi với tốc độ cao sẽ rất nguy hiểm.

Với việc xuất hiện nhiều vết nứt mới, có nghĩa các biện pháp trám vá dường như chỉ che được phần nổi của sự cố nứt mặt cầu Thăng Long. Theo chủ đầu tư, do hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân của sự cố nên nguồn kinh phí trám vá lại các vết nứt trên mặt cầu này trước mắt vẫn phải do đơn vị thi công ứng ra.

“Khi nào có kết luận nguyên nhân gây nứt mặt cầu thì mới quy trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu hay tư vấn thiết kế” - Ông Thể cho biết thêm. Đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận thực tế đã xuất hiện nhiều vết nứt mới.

Trước đó, ngày 23-3, Viện KHCN Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), đã công bố nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bê-tông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn dẫn tới bê-tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn vừa không đủ nhiệt độ để bám dính ở lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế.

Tuy nhiên, công bố này khiến nhà thầu và dư luận không đồng tình, nên Bộ GTVT đã mời chuyên gia nước ngoài thẩm định nguyên nhân, đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo nhận định của một số chuyên gia về cầu đường, việc mặt cầu Thăng Long ngày càng xuất hiện các vết nứt, điều này có thể là dấu hiệu của thiết kế và vật liệu không tốt, dẫn đến một bộ phận lớp mặt cầu bị mất lực dính bám.

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 91 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 74 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 10-2009, hoàn thành tháng 12-2009. Tuy nhiên, đến tháng 2-2010, tức 2 tháng sau ngày hoàn thành, đã có hiện tượng nứt trên bề mặt cầu và giờ đây lại tiếp tục xuất hiện vết nứt mới. 
MỚI - NÓNG