Mặt cầu Thăng Long hư hỏng, chậm sửa

Mặt cầu Thăng Long hư hỏng, chậm sửa
TPO - Mặt cầu Thăng Long đang có vấn đề, mỗi lần xe tải lớn đi qua, vấp phải ổ gà rộng chừng 30 cm hoặc ụ bê tông nhựa dồn cục, lại nẩy lên rồi nện xuống nền cầu như búa máy, khiến cây cầu run lên từng cơn.
Mặt cầu Thăng Long hư hỏng, chậm sửa ảnh 1
Vết bê tông dồn cục lên trên cầu Thăng Long

Ngay tháng 5/2004, Tổng Công ty ĐSVN có văn thư gửi báo cáo Bộ GTVT, nêu tình trạng báo động của mặt cầu Thăng Long.

Theo đó, tháng 5/1998 Khu Quản lý đường bộ 2 sửa chữa phần bê tông át-phan đường ô tô trên dầm thép  bằng cách cào bóc đi một lớp 35 cm, sau đó thảm lại lớp mới đồng thời thay lò so đĩa của Liên Xô trước đây bằng cao su.

Sau 6 năm sử dụng, lớp bê tông át phan đã hư hỏng, bị nứt và bong tróc nặng phần lớn diện tích mặt cầu. Các lò so cao su được thay từ năm 1998 chỉ sau một thời gian đã thối mủn mất tác dụng, gây tiếng va đập lớn làm biến dạng bản thép khe co giãn và ảnh hưởng lớn môi trường dân cư, nhất là về ban đêm.

Tiếp đó, tháng 8/2004 Bộ Trưởng Bộ GTVT đã ra quyết định số 2418, giao nhiệm vụ cho Ban QLDA Đường bộ 2 làm chủ đầu tư và Viện Khoa học Công nghệ GTVT là đơn vị thực hiện, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long giai đoạn 2, thời hạn từ tháng 8 đến tháng 10/2004.

Cục Đường bộ VN sau khi kiểm tra cũng có văn bản gửi Bộ GTVT xác nhận: “..Toàn bộ lớp bê tông nhừa đã xuất hiện rất nhiều vết nứt dọc, cá biệt một số vị trí xuất hiện vết nứt rạn chân chim hoặc bong bật (trên diện rộng)...”, và kiến nghị: “Việc có dự án nghiên cứu sửa chữa triệt để là rất cần thiết...xin phép lấp dự án đầu tư sửa chữa mặt đường ôtô phần dàn thép cầu Thăng Long bằng nguòn vốn XDCB (như dự án sửa chữa trước đây).

Tháng 11/2004, Cục Giám định & QLCL CTGT có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ GTVT kết luận chính thức tình trạng kỹ thuật, chất lựong mặt cầu Thăng Long: “Năm 1998, xuất hiện những hư hỏng mặt đường ô tô phần dầm thép, Bộ GTVT đã đầu tư sữa chữa lần thứ nhất.

Sau hơn 6 năm sử dụng, đã xuất hiện rất nhiều vết nứt, chủ yếu là các vết nứt dọc phần bê tông nhựa mặt cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền vững của kết cấu dầm thép, nhất là phần bản trực hướng mặt cầu đường bộ....mặc dù khe co giãn đã được thay thế bằng khe co giãn cao su cứng độ đàn hồi cao, song hki xe chạy qua gây tiếng va đập lớn và không êm thuận".

Tháng 3/2005, Cục Giám đình &QLCL CTGT có tiếp văn thư trình lãnh đạo Bộ GTVT về hiện trạng mặt cầu ô tô cầu Thăng Long: “Toàn bộ lớp bê tông nhựa mặt cầu chính bị nứt theo phương dọc cầu, nhiều chỗ bị bong bật tạo những ổ gà lớn. Các khe co giãn (đã sửa chữa nhiều lần) đều bị bong bật, xe dịch vị trí, tạo sóng xung kích mạnh khi có tải trọng qua".

Như  vậy, ngay năm 2004 các đơn vị chức năng đều tham mưu, kiến nghị Bộ GTVT sớm có dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Song gần một năm nay, hồ sơ họp giao ban hàng tháng của Cục Đường bộ VN không thấy nói hoặc thông báo vấn đề sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Cần nói rõ, cầu Thăng long là cây cầu chính, lớn và quan trọng trong giao thông vận tải đường bộ và đường sắt của cả nước.

Trước nhịp độ phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh tế, xã hội và giao lưu hàng hoá, theo thống kê hiện có tới trên 20.000 lượt xe ôtô, trong đó nhiều xe siêu trường siêu trọng qua cầu mỗi ngày nên tốc độ hư hỏng và xuống cấp của mặt cầu Thăng Long là nhanh.

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ GTVT xem xét, có biện pháp hữu hiệu khắc phục và sửa chữa cho cầu Thăng Long.

MỚI - NÓNG