Mất đất vì sa tặc

Mất đất vì sa tặc
TP - Khoảng 70 ha đất canh tác của xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) rơi tõm xuống sông, và nguy cơ mất thêm hàng chục hécta đất mỗi năm sẽ là hiện thực nếu việc khai thác cát trên dòng sông Krông Ana tiếp tục được thả nổi.
Mất đất vì sa tặc ảnh 1
Cán bộ xã Buôn Chóa cho biết đất nông nghiệp tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát sát bờ sông gây ra

Trong căn nhà ọp ẹp, ông Sầm Phượng Sinh buồn bã nhìn ra bờ sông: “Ngày trước tôi có nhiều đất nhất nhì Buôn Chóa. Nhưng bốn hécta đất của tôi đã bị tàu hút cát hút cho hổng chân, đổ ầm xuống sông”.

Cạnh nhà ông Sinh, chúng tôi gặp ông Trần Quang Hòa. Trong số ba hécta đất khai phá được bên sông của ông Hòa, 2,5 ha bị sạt xuống sông. Ông Hòa cũng không dám trồng trọt gì trên năm sào đất còn lại, bởi số đất đó cũng sẽ bị dòng nước cuốn trôi trong nay mai.

Ông Chu Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa, cho biết, chỉ một đoạn sông chưa đầy 10km đi qua địa bàn xã Buôn Chóa nhưng có đến hơn 30 tàu hút cát làm việc suốt ngày đêm. Các tàu này tranh thủ lúc đêm tối, sục vòi sát bờ hút cát, khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân trắng tay vì mất đất.

Để bảo vệ đất canh tác, người Buôn Chóa nhiều phen ném đá xuống tàu, ngăn cản công nhân hút cát. Công nhân hút cát quá đông, tàu chở cát lại kiên cố và chạy nhanh, nên người dân không thể ngăn cản được họ.

Ông Chu Văn Khoa nói: “Thấy sa tặc ngang nhiên hủy hoại bờ sông, chúng tôi cho xã đội, công an xã trang bị súng và thuyền để đi kiểm tra dọc bờ sông. Nhưng lực lượng của chúng tôi chưa kịp kiểm tra tàu của sa tặc đã bị chúng hô hào đồng bọn bủa vây, cướp cả thuyền, cả súng và bắt người dong lên bờ phía bên kia. Ở bên đó, lực lượng của chúng tôi bị Công an xã Ea Na và Công an huyện Krông Ana (tỉnh Đăk Lăk) lập biên bản thu toàn bộ công cụ hỗ trợ gồm hai khẩu súng, hai dùi cui và một còng số 8.

Xã bất lực, kêu cứu lên chính quyền cấp huyện và tỉnh. Nhưng hai cấp này cũng không giải quyết được gì bởi các doanh nghiệp khai thác cát chủ yếu thuộc tỉnh bạn Đăk Lăk quản lý.

Cần công bằng

Ông Chu Văn Khoa tâm sự, khai thác cát là cần thiết. Dọc sông Krông Ana có rất nhiều công trình lớn được xây dựng như năm nhà máy thủy điện, hai khu công nghiệp; cùng với nhu cầu xây dựng ngày một tăng của nhân dân hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Người dân Buôn Chóa ý thức được điều đó nên sẵn sàng nhường lại mảnh đất màu mỡ ven sông để việc khai thác cát được thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Khoa, các cơ quan chức năng hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông cần ngồi lại bàn bạc, đưa ra quy hoạch tổng thể về những đoạn sông được phép khai thác cát để giảm bớt thiệt hại cho người dân ven bờ.

Hơn nữa, khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát, cơ quan chức năng cần đưa ra điều khoản ràng buộc họ với trách nhiệm bồi thường cho người dân có đất đai bị sạt lở do hành động khai thác cát  gây ra. Chứ như hiện tại, việc khai thác cát chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, còn người dân bị mất đất thì vô cùng thiệt thòi, trắng tay.

MỚI - NÓNG