Mất đất, voi quậy người dân

Mất đất, voi quậy người dân
TP - Trong khi đề án bảo tồn voi rừng ở Đồng Nai vẫn đang nằm trên giấy thì xung đột giữa voi và người trong thời gian qua ở Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng. Đàn voi rừng thường xuyên ra phá hoại hoa màu, tài sản của người dân. Đã có người dân thiệt mạng do voi và đàn voi cũng đã rơi rụng dần khi bị thuốc, bắn chết.

> Thú rừng tràn về phá hoại hoa màu
> Voi rừng liên tục phá hoa màu

Ông Nguyễn Văn Tính ở ấp 2 xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) kể lại chuyện bị đàn voi đến phá hoa màu, nhà cửa đêm giao thừa vừa qua: Khoảng 5 giờ chiều, khi các hộ dân đang chuẩn bị mâm cơm cuối năm thì đàn voi rừng kéo ra, đi đầu là voi ngà lệch nặng khoảng 5 tấn, theo sau là 4 con voi khác tiến vào các rẫy trồng mía, xoài.

Chúng ăn ít, giẫm đạp nhiều. Xót của, người dân kéo ra ngăn chặn bằng cách đốt lửa, đập gõ thùng, rắc muối ớt… nhưng chẳng mấy phát huy tác dụng với đàn voi đã dạn người.

Đến giờ giao thừa, người dân đã mệt mỏi, nhưng đàn voi trở nên hung dữ hơn, quay sang tấn công người. Và người dân chỉ còn cách bỏ chạy. Không chỉ giẫm đạp hoa màu, đàn voi còn làm hư hại một vài nhà dân.

Đàn voi tinh quái

Đến gần sáng, sau khi quậy tơi bời, đàn voi mới rút vào rừng, trên đường về đàn voi ghé vào trạm kiểm lâm Suối Cốt quật ngã mấy thùng phuy chứa nước. Các kiểm lâm viên ở đây kể lại, đã quá quen với việc voi viếng thăm, nhưng lần này mấy “ông” đến xông đất ngay sau giờ giao thừa.

Mặc cho voi phá bên ngoài, các nhân viên cố thủ bên trong. Voi không vào nhà được do nền gạch trơn.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, trong đêm giao thừa đã có 30 hộ dân bị voi rừng tấn công, làm hư hại nhiều diện tích hoa màu, cây cối. Ông Đặng Vơn Nhơn, trưởng ấp 2, xã Phú Lý nói, đến nay đã có hàng trăm hộ dân ở đây bị thiệt hại hoa màu do voi gây ra.

Người nông dân với đám mía bị voi dẫm nát
Người nông dân với đám mía bị voi dẫm nát.

Rời xã Phú Lý, theo lộ trình của đàn voi rừng, chúng tôi đến lâm trường 1, 2 và 3 (Cty Lâm nghiệp La Ngà) thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.

Thống kê của xã này cho thấy có khoảng 90 hộ dân bị thiệt hại hoa màu do đàn voi phá trong thời gian qua. Dẫn chúng tôi ra rẫy mía vừa thu hoạch xong còn loang lổ dấu chân voi, ông Trần Sinh kể, trồng được 1ha mía, gần đến ngày thu hoạch thì trong một đêm đàn voi ra giẫm đạp, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Người dân cho biết, đàn voi rất tinh, chúng biết mùa nào, ở khu vực nào có thức ăn gì. Mỗi đêm chúng di chuyển hàng chục km. Mới đầu hôm phá bên Phú Lý, nửa đêm chúng đã có mặt ở xã Thanh Sơn.

Chị Hoàng Thị Mai ở xã Thanh Sơn kể: “Đang mùa thu hoạch hạt điều, nhà ở xa rẫy nhưng đợi đến gần trưa tôi mới dám vào rẫy nhặt điều, vừa làm vừa canh chừng voi chứ mùa này “ông” cứ nhằm rẫy điều mà đến”.

Xoài của nông dân bị voi giật rụng, giẫm phá
Xoài của nông dân bị voi giật rụng, giẫm phá.

Ông Ngô Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Khu vực người dân canh tác trước đây vốn là rừng- nơi cư ngụ của đàn voi, nên voi vẫn thường qua lại kiếm ăn, vì vậy trong khi chờ nhà nước có biện pháp bảo tồn voi, xã khuyên người dân trồng những loại cây không phải là thức ăn cho voi.

Đỉnh điểm của xung đột voi và người đã xảy ra. Ngày 7-11-2012, em Nguyễn Trần Vũ, 16 tuổi ngụ tại xã Thanh Sơn cùng hai người bạn là Trịnh Hoàng Đông, Nguyễn Văn Thơm đi vào khu vực suối Đá Bạc, thuộc lâm trường 1, Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà câu cá.

Trên đường đi, ba người gặp voi ngà lệch và bị voi tấn công. Thơm và Đông bỏ xe chạy thoát vào rừng, còn Vũ bị voi quật ngã, dùng ngà đâm thủng bụng và làm chấn thương vùng đầu.

Sau khi voi bỏ đi, Vũ được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết ngay sau đó. Về phía đàn voi, trong 3 năm qua cũng đã rơi rụng dần khi có 7 con bị trúng thuốc độc, bị bắn chết.

Hàng rào điện tử

Để ngăn ngừa, hạn chế xung đột voi - người và bảo tồn đàn voi, UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm thời cấp vốn xây dựng hệ thống hàng rào điện tử (HRĐT) trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) nằm trên xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu có kinh phí trên 8,9 tỷ đồng.

Hàng rào điện tử dùng nguồn điện thế từ 800 - 1000 V/10mA chỉ gây giật, không làm chết động vật và người. Dọc hàng rào điện còn gắn biển báo nguy hiểm và một số cửa ra vào để lực lượng kiểm lâm và người dân có thể đi lại được. Hệ thống điện sẽ được thiết kế làm 9 trạm, sử dụng pin năng lượng mặt trời với bộ kích điện từ bình 12V. Nguồn điện này sẽ chạy qua các dây kẽm bố trí cách mặt đất 70cm đến 2,5m.

Theo thiết kế, hàng rào điện tử với tuyến cố định dài 20km và tuyến di động 10km được xây dựng qua phần đất của 186 hộ dân.

Dự án đã được phê duyệt, nhưng người dân liên tục gửi đơn “kiện” voi đòi bồi thường thiệt hại. Khi Nhà nước có phương án bảo vệ voi và người thì vẫn còn 20 hộ dân chưa đồng ý với nhiều lý do khiến dự án đang bị chậm tiến độ thực hiện.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn cho rằng, HRĐT là công trình phục vụ lợi ích cho người dân của xã Phú Lý và Mã Đà để hạn chế tình trạng voi vào phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng người dân.

Trước khi triển khai dự án, Khu bảo tồn đã tham khảo nhiều tài liệu liên quan, đồng thời tham vấn ý kiến của các tổ chức và chuyên gia đầu ngành về bảo tồn voi trong và ngoài nước.

Theo ông Mùi, Khu bảo tồn có diện tích hơn 100.000ha nhưng đàn voi ở đây đang đứng trước nhiều mối đe dọa do vùng phân bố bị thu hẹp, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn, các hồ nước và điểm muối khoáng bị con người xâm lấn… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột giữa voi với người.

Hình thành HRĐT bảo vệ voi là cần thiết, mặc dù thực tế HRĐT chỉ giảm thiểu sự xâm hại của đàn voi chứ không thể ngăn cản được chúng hoàn toàn. Tuy nhiên, một khi có HRĐT, việc voi ra ngoài nương rẫy sẽ giảm dần.

Mặt khác, HRĐT có phát huy tốt hay không, rất cần sự đồng thuận và hợp tác của người dân địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ công trình. Voi được bảo vệ, môi trường sống của chúng sẽ tốt hơn và sự phát triển bầy đàn thuận lợi. Cuộc sống người dân cũng an toàn hơn.

Nhiều gia đình ở xã Phú Lý chưa đồng ý cho xây dựng trên đất của họ và cũng không đồng ý cùng quản lý, bảo vệ hàng rào, đòi giá bồi thường cao hơn... Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự ở xã Phú Lý rất phức tạp, khu vực xây dựng HRĐT có rất nhiều thanh thiếu niên nghiện hút, tình trạng trộm cắp xảy ra thường xuyên.

Nếu xây dựng hàng rào trên đoạn đường xa khu dân cư sẽ dễ xảy ra hiện tượng trộm cắp trang thiết bị, gây sự cố mất điện và như vậy hàng rào sẽ mất tác dụng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
TPO - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Nguyễn Thị Kết, 102 tuổi, ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) vẫn vô cùng khỏe mạnh, ngồi xe máy đi hàng chục cây số, tập thể dục hít đất mỗi ngày, chinh phục được tòa nhà cao nhất Việt Nam. Cụ vẫn nhớ được hết tên cùng tính cách của toàn bộ con, cháu trong gia đình.
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.