Mất giấy phép lái xe phải thi lại: Thể hiện sự yếu kém trong quản lý

Bộ GTVT vừa đề xuất tất cả người mất bằng lái phải thi lại
Bộ GTVT vừa đề xuất tất cả người mất bằng lái phải thi lại
TP - Các luật sư và chuyên gia cho rằng, đề xuất người mất giấy phép lái xe (GPLX) muốn cấp mới phải thi lại của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thể hiện sự yếu kém, thiếu phối hợp trong công tác quản lý của các cơ quan liên quan. Đặc biệt, giải pháp này sẽ không giúp ích gì cho mục tiêu giảm tai nạn giao thông, tăng ý thức người dân chấp hành pháp luật, mà lại làm khó người dân.

Tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra đề xuất, mất GPLX phải thi lại, thay vì được cấp lại. Đề xuất này ngay lập tức gây phản ứng dữ dội từ dư luận.  

Trên thực tế, quy định này đã có. Điều 36, Thông tư 12/2017 về đào tạo, sát hạch GPLX của Bộ GTVT quy định: Người có GPLX bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên (không bị thu giữ, xử phạt)... sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, phải sát hạch lại lý thuyết (nếu GPLX quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm); phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành (nếu GPLX quá hạn từ 1 năm trở lên).

Sau đó, vào cuối năm 2018, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi thông tư trên, theo hướng siết chặt hơn. Theo đó, nếu mất lần thứ nhất mà GPLX quá hạn từ 3 tháng trở lên sẽ phải thi lại lý thuyết hoặc cả lý thuyết và thực hành (như Thông tư 12). Bộ GTVT bổ sung trường hợp mất từ lần thứ hai trở lên bắt buộc phải thi lại cả lý thuyết và thực hành (không phân biệt GPLX bị mất còn hay hết hạn). 

Theo Thông tư 12, chỉ cấp đổi (không phải sát hạch lại) với trường hợp GPLX bị mất vẫn còn hạn hoặc quá hạn không quá 3 tháng. Dự thảo sửa đổi quy định chỉ cấp đổi với trường hợp mất lần 1 và GPLX còn hạn hoặc quá hạn không quá 3 tháng.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT) cho rằng, thực tế có trường hợp khai báo mất giả để làm thêm 2-3 GPLX, với mục đích, khi bị xử phạt hoặc “treo bằng” sẽ bỏ và dùng bằng khác để tiếp tục lái xe. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy chỉ cá biệt, đa số người khai báo mất thật, và phải được cấp lại. Không thể dùng các trường hợp cá biệt để xử lý với tất cả trường hợp. “Điều đó không hợp lý. Nếu quy định đã có cần sửa đổi”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện công nghệ thông tin đã rất phát triển, có rất nhiều cách quản lý GPLX đã cấp, nếu ứng dụng công nghệ sẽ phát hiện ngay bằng thật hay giả, còn hiệu lực hay đã bị hủy... Việc có người sử dụng bằng cũ (đã hủy và cấp đổi) vì cơ quan quản lý không phát hiện ra, đó là sơ hở, sự phối hợp chưa tốt giữa ngành giao thông và công an. “Chỉ cần liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông và công an tốt, tài xế nào sử dụng bằng đã hủy, cảnh sát giao thông sẽ phát hiện ngay. Các bên phối hợp chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm, yếu kém, không quản lý được lại đẩy trách nhiệm về người dân, bắt dân phải chịu thì không chấp nhận được, quá phi lý”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, không nước nào làm như vậy và việc này cũng không giúp ích cho việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, quy định trước đây, với trường hợp cấp đổi GPLX bị mất, thời hạn cấp đổi là 1 tháng. Đây là thời gian để cơ quan cấp GPLX thu nhận thông tin từ các lực lượng chức năng xem bằng đó có phải bị thu giữ vì vi phạm, hay mất thật, sau đó mới cấp lại. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trước, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thời hạn cấp đổi GPLX giảm còn vài ngày, với số giấy phép mới trùng với giấy phép cũ. “Việc mất giấy tờ cá nhân là điều không ai mong muốn, nên phải giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện cho những người đó. Nên đề xuất mất GPLX phải thi lại cần cân nhắc kỹ, sửa đổi để đáp ứng nhiều mục tiêu”, ông Quyền nói.

Yếu kém trong quản lý

Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, GPLX chỉ chứng nhận việc một người đã vượt qua kỳ sát hạch và đủ điều kiện điều khiển xe cơ giới. Trên thực tế, nhiều người lái xe lâu năm vô tình mất GPLX, giờ bắt họ thi lại, không hiểu để làm gì. “Nếu mất bằng phải thi lại thì cần sửa đổi theo hướng bỏ đi, thay vì siết lại”, luật sư Hưng nói.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Hà Nội) đánh giá, không thể chỉ vì vài người vi phạm, lợi dụng kẽ hở để lách luật mà đưa quy định “không giống ai” vào áp dụng. Theo luật sư này, lý do ông Thể đưa ra cho đề xuất là không thuyết phục, vì quản lý GPLX là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Cũng không phải vì mất GPLX nên tai nạn nhiều hơn. Đáng ra, Bộ GTVT phải có hệ thống để xác minh được việc người dân khai báo mất GPLX là thật hay giả, rồi cấp lại. Khi cấp mới phải có biện pháp để hủy bằng cũ. “Trên mỗi GPLX đều có seri. Chỉ cần dùng thiết bị đọc các mã đó và lấy dữ liệu về các thiết bị cầm tay, cảnh sát giao thông sẽ biết ngay bằng đó còn hiệu lực hay đã bị hủy. Nên lý do Bộ trưởng Thể đưa ra thiếu thuyết phục, thể hiện sự yếu kém của Bộ trong quản lý GPLX. Anh không quản được, không liên thông dữ liệu, lại đổ trách nhiệm lên đầu người khác”, luật sư Ứng nói.

Theo các chuyên gia trên, ngoài ứng dụng công nghệ, liên thông dữ liệu quản lý giữa ngành giao thông và công an, có thể tăng mức phạt với lỗi sử dụng GPLX đã hết hiệu lực, đã đổi. Thậm chí, có thể bổ sung nếu dùng GPLX đã hết hiệu lực có thể cấm điều khiển xe 2-3 năm, sau đó phải thi mới được cấp lại. Việc này chỉ cần Chính phủ quy định ở các nghị định xử phạt hành chính. 

Không thể đẩy trách nhiệm quản lý nhà nước cho dân

Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, đề xuất của ngành GTVT là chưa hợp lý. Theo ông Sơn, mất bằng lái xe do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, người dân gặp sự cố bất ngờ dẫn đến mất, thất lạc, cháy, hư hỏng thì không thể bắt người dân đi thi lại.

“Đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại là hoàn toàn không hợp lý. Việc này đẩy trách nhiệm quản lý Nhà nước sang trách nhiệm của người dân. Nếu muốn tránh tình trạng lợi dụng, xin thêm bằng lái xe thì trước hết Bộ GTVT cần tập trung chấn chỉnh lại nội bộ. Trong đó, quan trọng nhất là siết chặt quản lý công chức, viên chức làm việc tại các trung tâm thi tuyển, sát hạch lái xe và các đơn vị cấp, quản lý GPLX để chống tiêu cực, chống làm bậy. Khi đó, việc thi tuyển cấp mới và quản lý GPLX sẽ chặt chẽ hơn, chất lượng tài xế sẽ tốt hơn”, ông Sơn nói.

TS Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, đối với những tài xế lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng lái xe thì rõ ràng cần có giải pháp yêu cầu người này thi lại bằng lái. Hoặc những trường hợp dù có bằng lái xe nhưng do gặp biến cố, không đủ điều kiện về sức khỏe, trí nhớ để lái xe thì cũng cần thu hồi GPLX của người đó. Ông Sơn nêu quan điểm đồng tình với đề xuất truy trách nhiệm chủ phương tiện khi để lái xe quá sức quả tải, vi phạm thời gian lao động và sử dụng ma túy dẫn đến gây tai nạn nghiêm trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, sau khi Bộ trưởng GTVT nêu đề xuất tất cả các trường hợp mất bằng lái phải thi lại, Hiệp hội vận tải Việt Nam đã có một buổi gặp gỡ trao đổi. Trong đó, đa số ý kiến không đồng tình với đề xuất trên. Nguyễn Hoàn

MỚI - NÓNG