Mất rừng, công ty lâm nghiệp kêu cứu

Dân biến đất rừng thành đồi trọc.
Dân biến đất rừng thành đồi trọc.
TP - Cuộc “đụng độ” giữa hàng chục hộ dân ngang nhiên lấn chiếm đất rừng ở An Khê với Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn từ nhiều năm nay vẫn chưa có điểm dừng. Bức bí quá, Cty đành tính chuyện đệ đơn vượt cấp xin Tỉnh ủy 2 tỉnh Gia Lai - Bình Định giải cứu.

Từ năm 2001, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Cty Sông Kôn) được UBND tỉnh Bình Định giao hơn 800 ha đất vùng giáp ranh giữa 2 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai) quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.

Công ty đã tiến hành trồng trên 437 ha rừng tại vùng giáp ranh 3 xã: Cửu An, Xuân An, Tú An của thị xã An Khê và đền bù, hỗ trợ tiền khai hoang cho người dân gần 350 triệu đồng. Nhưng từ năm 2008 đến nay, hàng trăm hộ dân ở An Khê đã ngang nhiên lấn chiếm đất và sẵn sàng “hỗn chiến” với người của công ty khi bị ngăn cản.

Phang rựa, cuốc vào người bảo vệ rừng


Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn cho biết: “Trong hơn 400 ha đất mà công ty đã trồng rừng và quản lý thì có gần 300 ha bị người dân lấn chiếm đất để trồng hoa màu và cây lâm nghiệp. Hàng trăm hộ dân lấn chiếm đất đã có hành vi phá hoại như: nhổ, chặt bỏ và phun thuốc lên cây trồng của công ty, gây thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng tiền chi phí trồng rừng, giống, nhân công…”.

Theo ông Cường, người dân không chỉ phá hoại mà còn liều lĩnh tấn công, dùng rựa kề cổ công nhân để hăm dọa. Cụ thể, năm 2013 khi Công ty tiến hành khai thác 128 ha rừng trồng ở khu vực Nước Poon (thuộc tiểu khu 210B, xã Vĩnh Thạnh) thì bị người dân ở xã Tú An, Xuân An vào ngăn cản, chặt phá cây trồng, chiếm 27 ha đất. Thậm chí họ còn đốt cả Trạm quản lý bảo vệ rừng và đánh người gây thương tích. Vụ việc quá nghiêm trọng nên được đưa ra tòa, 5 cá nhân đã lãnh án từ 18-27 tháng tù, trong đó 3 người được hưởng án treo. Nhưng đâu lại vào đó, người dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm.

Các khu vực khác như: Soi Gà (tiểu khu 217-210B) cũng bị lấn chiếm hơn 95 ha, Hòn Chò – Hòn Mun (tiểu khu 226, xã Vĩnh Thuận) bị lấn chiếm hơn 113 ha. Cao điểm, nhiều vụ người dân tụ tập từ 60-100 người dùng dao rựa, cuốc, rải đinh và một số hung khí để chống tấn công khi bị ngăn cản, khiến nhiều công nhân lo sợ. Gần đây, vào các ngày 19, 20 và 23/7, hàng chục người dân lại tụ tập ở các tiểu khu 226, 210B… để nhổ, chặt phá rừng trồng.

Công ty kêu cứu!

Từ khi có tranh chấp đến nay, Cty Sông Kôn liên tục gửi báo cáo về tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng của công ty đến 2 huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê nhờ can thiệp. Đến năm 2013, 2 địa phương này cùng bắt tay với nhau xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm đất rừng tại Cty Sông Kôn. Hễ tổ công tác ngừng kiểm tra thực địa thì những đối tượng phá rừng lập tức quay lại. 

“Do các cơ quan chưa xử lý kiên quyết dẫn đến các hộ dân lấn chiếm ngày càng đông và có những hành vi manh động hơn. Công ty trồng rừng đến đâu thì bị chặt phá trồng mì, bắp… đến đó mà vẫn không xử lý được. Việc người dân ở hai nơi nên khó giải quyết, An Khê thì chỉ xuống Vĩnh Thạnh, còn ở Vĩnh Thạnh thì chỉ ngược lên. Tới đây, nếu không được thì tôi phải báo cáo lên Tỉnh ủy 2 tỉnh nhờ can thiệp”, ông Cường nói.

Có mặt tại tiểu khu 226, ông Nguyễn Văn Chính - thôn An Điền Bắc 2 (dân xã Cửu An, thị xã An Khê) cho biết: gia đình ông đang thuê người làm trồng mì tại khoảng đất lấn chiếm của công ty. “Trước đây, đất này là của cha vợ tôi, khi công ty trồng rừng thì chúng tôi giao đất. Nay công ty thu hoạch xong, chúng tôi không có đất sản xuất nên đòi lại”.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa cho hay, đất bà đang trồng mì là đất mà gia đình đã canh tác từ lâu. “Năm 2005, Cty Sông Kôn chi trả tiền nói là để trồng rừng đầu nguồn nên chúng tôi đồng ý, nay biết công ty trồng rừng để sản xuất thì chúng tôi lấy lại”.

Theo ý kiến của các xã Cửu An, Xuân An, Song An thì phần lớn các hộ dân mới tách hộ, thiếu đất sản xuất nên đi lấn chiếm đất. Tuy nhiên, một số hộ có đất đầy đủ nhưng vẫn lấn chiếm như: hộ bà Kiều có 4,8ha, ông Hoàng 3,7ha, ông Thạch (ở xã Xuân An) 1,7ha. Mới đây, để ổn định sản xuất cho người dân, UBND xã Cửu An đã kiến nghị lên cấp trên thu hồi 40 ha đất của Lâm trường Bắc An Khê giao cho địa phương quản lý, cấp cho người dân thực sự thiếu đất.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các xã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đất và số hộ lấn chiếm để có biện pháp xử lý cụ thể. Trước mắt là vận động, tuyên truyền người dân không lấn chiếm đất trái phép. Còn việc cấp đất cho hộ nghèo đã có quy định cụ thể, nhiều hộ lợi dụng việc thiếu đất để đi lấn chiếm đất thì cần phải xử lý nghiêm. Về mặt pháp luật cả hình sự lẫn hành chính thì người dân vi phạm ở địa bàn nào thì địa phương đó xử lý.

MỚI - NÓNG