Mặt trận Liên Việt và đóng góp to lớn của nhân dân cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những "chú ngựa sắt" vận chuyển hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
Những "chú ngựa sắt" vận chuyển hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
Sau Chiến thắng Biên Giới 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới-giai đoạn tổng phản công.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra của cách mạng nước ta lúc đó là thực hiện cho được “Một dân tộc, một mặt trận” để phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc cho công cuộc kháng chiến, Mặt trận Liên Việt đã ra đời trên cơ sở thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) tại Đại hội toàn quốc thống nhất hai mặt trận vào ngày 7/3/1951 ở tỉnh Tuyên Quang.

Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhiệm vụ của Mặt trận Liên Việt là đoàn kết các tầng lớp nhân dân, lấy công-nông làm nền tảng để kháng chiến, kiến quốc; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa kháng chiến, vừa cải thiện dân sinh; kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn; gắn kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới; vận động tất cả các ngành, các giới nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, “… tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”.

Trên mặt trận đối ngoại, mặc dầu trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là điều kiện tài chính, Mặt trận Liên Việt đã chủ động và tích cực tham gia các hội nghị quốc tế, qua đó có điều kiện tiếp xúc với đại diện nhân dân thế giới, các tổ chức dân chủ, nhất là các đoàn thể dân chủ, hòa bình và tiến bộ Pháp, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.

Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử Tướng Henri Navarre làm Tư lệnh lực lượng Pháp ở Đông Dương. Sau nửa năm nghiên cứu thực tế tình hình chiến tranh ở Đông Dương, Navarre quyết định xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để ngăn chặn chi viện của Việt Nam cho cuộc đấu tranh giải phóng ở Lào và nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng theo mô hình "con nhím", bao gồm 49 cứ điểm, thuộc 8 cụm cứ điểm, theo kinh nghiệm của Pháp khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Sơn La) năm 1952 với 30 cứ điểm và 15.000 quân cùng 6 đại đội pháo binh.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được triển khai vào ngày 20/11/1953, sau 3 tháng thực hiện đã có một lượng lượng hùng hậu và hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự vững mạnh: 17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm (24 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội cối 120mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội xe tăng (18 chiếc), 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, 420 máy bay từ Hải Phòng và Hà Nội tiếp tế mỗi ngày 200 chuyến. Số lượng đạn pháo các loại dự trữ là 110.000 quả. Tổng lượng quân khi đông nhất là 16.200 binh lính.

Lực lượng của ta gồm 11 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn công binh, 48 pháo 105mm và 75mm, 16 súng cối 120mm và 24 pháo cao xạ 37mm, với tổng số đạn dự trữ là 20.700 quả. Tổng lực lượng tham gia chiến đấu là 45.000 bộ đội.

Với lợi thế về vũ khí, quân tinh nhuệ và hạ tầng mạnh, Pháp cho rằng, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là "một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá". Tuy nhiên, việc chọn thung lũng Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm cũng bộc lộ những hạn chế rất căn bản:

Toàn bộ lực lượng địch nằm ở thung lũng lòng chảo, trong khi ta có thể bố trí lực lượng ở các đồi núi xung quanh, tạo lợi thế rất lớn cho pháo binh của ta vô hiệu hóa sân bay, cắt đường tiếp tế, tiêu diệt các cứ điểm và pháo binh của Pháp, hỗ trợ bộ binh tấn công.

Do tiếp tế chỉ bằng đường không nên khi sân bay bị tấn công, máy bay bị cao xạ xua đuổi, tiêu diệt thì không tiếp tế được nước, thức ăn, thuốc men, đạn dược, quân lính; không thể đưa thương binh ra khỏi chiến hào về Hà Nội, Hải Phòng.

Quân Pháp không tính đến khả năng quân đội ta đã phát triển lực lượng pháo binh nhanh và đưa được pháo vào Điện Biên Phủ trong điểu kiện địa hình vô cùng khó khăn. Chúng ta đã đưa vào Chiến dịch Điện Biên Phủ 64 khẩu pháo mặt đất các loại, hơn số lượng pháo của Pháp là 48 khẩu. Chỉ sau hai ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu (13-3-1954), hỏa lực pháo binh mạnh mẽ của ta đã tiêu diệt nhiều sĩ quan chỉ huy và binh lính, tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ, Đại tá Charles Pirots đã tự sát bằng lựu đạn tại hầm chỉ huy.

Quân Pháp cũng không hiểu được vì sao, trong điều kiện xa xôi và địa hình hiểm trở của Điện Biên Phủ, chúng ta vẫn nuôi được 45.000 quân ăn no, đánh thắng khi không có máy bay, ô tô để tiếp tế cho mặt trận.

Bước vào chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, nhân dân khắp nơi trên cả nước, đặc biệt là vùng kháng chiến và các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, khu III, Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn chồng chất, đóng góp 23.055 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn thức ăn khô, 62,7 tấn đường, 266 tấn muối và huy động 261.453 dân công đóng góp 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 7000 xe cút-kít, 325 xe ngựa, 1.800 xe trâu, bò, 914 ngựa thồ và 11.800 chiếc thuyền để phục vụ chiến dịch; động viên con em hăng hái gia nhập các đoàn quân ra trận bằng tinh thần chiến đấu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"

Như vậy, bình quân cứ 1 chiến sĩ bộ đội ra trận thì có gần 6 người dân công, thanh niên xung phong hỗ trợ, phục vụ; cứ 3 chiến sĩ bộ đội thì có 2 xe đạp thồ, xe cút-kít hay xe trâu, bò, xe ngựa; và cứ 4 chiến sĩ có 1 thuyền của dân phục vụ việc tiếp tế thực phẩm.

Thanh Hóa được xem là "kho người, kho của" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ tiến gần đến ngày thắng lợi, đòi hỏi sự cung cấp lương thực ngày càng khẩn trương và càng nhiều. Giữa tháng 4/1954, Thanh Hóa được giao nhiệm vụ trong vòng 20 ngày phải huy động 2000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối. Để có số lượng lương thực trên, nhân dân Thanh Hóa đã tình nguyện ăn ngô non, khoai lang để dành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Những đóng góp to lớn của Thanh Hóa đã hòa chung vào sự đóng góp của nhân dân cả nước, làm rạng danh Thanh Hóa như lời ngợi khen của Hồ Chủ tịch: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, song trước hết, nó là kết quả và sự thể hiện cao độ của chủ nghĩa yêu nước, ý chí kiên cường, sự sáng tạo và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận Liên Việt.

Nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ phải kể đến sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng, miền trong cả nước để chia lửa cùng Điện Biên Phủ. Từ khu V, Nam Bộ, chiến trường Lào, Cam-pu-chia, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ miền ngược tới miền xuôi, ở đồng bằng cũng như trong các đô thị lớn đã diễn ra sự phối hợp đấu tranh võ trang, chính trị hợp pháp, nửa hợp pháp với sự tham gia của đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi.

Cùng với cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân ta là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, nhân dân Pháp. Điện Biên Phủ thực sự trở thành tâm điểm, quy tụ mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ ở trong nước và trên thế giới. Lần đầu tiên trong thực tế đã hình thành một mặt trận chung của những người yêu hòa bình và công lý ủng hộ việc chống cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.

Để có được thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 4000 chiến sĩ đã hy sinh, hơn 10.000 bộ đội bị thương, 792 người mất tích. Trên 3 nghĩa trang ở Điện Biên Phủ có 3.976 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó 3.972 chưa biết tên.

Những chiến sĩ Điện Biên và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Điện Biên ngày ấy đang còn sống giờ đều đã trên dưới 80 tuổi. Bác Nguyễn Cảnh, một cán bộ Liên Việt ngày ấy hiện nay đã 90 tuổi. Tại cuộc giao lưu giữa 60 cựu chiến binh Điện Biên Phủ và cựu thanh niên xung phong kháng chiến chống Pháp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra ngày 4/5/2014, một chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã nói: "Các cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ đang xếp hàng bên kia sườn dốc của cuộc đời. Song, chúng tôi sẽ làm tất cả đến ngày ra đi về với Bác Hồ, để tinh thần Điện Biên Phủ vẫn sống mãi với các thế hệ nối tiếp."

Vâng, xin trân trọng cảm ơn các cụ-những thanh niên của thế hệ Điện Biên Phủ anh hùng. Những người làm công tác mặt trận và dân vận hiện nay sẽ tiếp nối truyền thống của các cụ và của Mặt trận Liên Việt ngày ấy, để non sông Việt Nam mãi trường tồn, người dân Việt Nam ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ViệtNam

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG