Mất trộm tiền cưới, cô dâu chú rể bị nhà hàng "tạm giam"

Mất trộm tiền cưới, cô dâu chú rể bị nhà hàng "tạm giam"
Nhà hàng câu lạc bộ Gió Nam ở C13/1A, ấp 5, đại lộ Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã giữ trái phép 8 người cùng một đôi uyên ương ngay sau tiệc cưới với lý do chưa thanh toán tiền.

Chiều 9/7, hàng trăm khách đã dành thời gian quý báu đến chung vui với gia đình cô dâu chú rể Trần Thanh Sĩ và Lâm Yến Nhi. Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì "tai họa" đã ập đến với đôi uyên ương: toàn bộ tiền mừng cưới của họ bị biến mất một cách bất thường.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (em ruột của chú rể) tức tưởi nói: "Khoảng 19 giờ 40, khi lễ cưới bắt đầu, tôi cùng dì Hà Cẩm Loan (32 tuổi, ngụ ở Q.7, dì ruột của cô dâu) mang thùng tiền đến gặp ông Sáu (chủ nhà hàng) gửi.

Ông Sáu đã hướng dẫn dì Loan đến căn phòng cách nơi tổ chức lễ cưới không xa. Tôi, dì Loan cùng 3 người của nhà hàng (trong đó có một người mặc đồng phục màu đen) mang thùng tiền vào gửi. Tôi khóa cửa phòng và quay lại tiệc cưới để giao chìa khóa phòng cho cô dâu.

Sau tiệc cưới, khoảng 21 giờ 20, tôi cùng cô dâu đến mở phòng để lấy thùng tiền thì phát hiện thùng tiền bị mở tung, số tiền cưới bị lấy trộm gần hết, chỉ còn lại 4 bao thư trị giá 400.000 đồng".

Theo ước tính ban đầu, có khoảng 130 khách đến chung vui, nếu tính trung bình khoảng 200.000 đồng/phong thư thì số tiền bị mất trộm có thể lên đến 26 triệu đồng. Vụ việc được cấp báo cho chủ nhà hàng và gia đình cô dâu chú rể buộc nhà hàng phải bồi thường tiền bị mất trộm. Tuy nhiên, người đại diện nhà hàng đã phủ nhận trách nhiệm.

Chủ nhà hàng nhốt người

Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình hai họ vô cùng bối rối. Số tiền mừng cưới đối với đôi uyên ương trẻ này là một tài sản lớn. Họ chỉ trông chờ vào tiền mừng cưới để trả chi phí tổ chức lễ cưới nhưng bây giờ số tiền này đã không cánh mà bay.

Lẽ ra trong trường hợp này, chủ nhà hàng cho họ gia hạn để thanh toán sau nhưng lại buộc gia đình hai họ phải thanh toán xong tiền tiệc cưới còn lại (hơn 10 triệu đồng) mới được về.

Theo lời gia đình cô dâu, chú rể thì chủ nhà đã chỉ đạo nhân viên khóa cổng trước nhốt 8 người, trong đó có cô dâu chú rể, bên trong nhà hàng. Phải đến 3 giờ ngày 10.7, khi gia đình mang hộ khẩu, xe gắn máy đến giao cho chủ nhà hàng để thế chấp thì nhà hàng mới chịu thả người.

Giải thích về việc giữ người trái phép tại nhà hàng, ông Nguyễn Văn Chủng (tên gọi khác là Dũng, ngụ ở Q.7, quản lý nhà hàng) cho rằng: "Sau 23 giờ 30 là nhà hàng phải khóa cửa. Nhà hàng đã không cho những người liên quan, trong đó có cô dâu chú rể về được bởi vì chưa thanh toán tiền. Đến 3 giờ ngày 10.7, tôi đã viết giấy ghi nhận giữ lại hộ khẩu, xe gắn máy rồi cho mọi người về (!?)".

Người mặc đồng phục màu đen là ai?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình cô dâu chú rể cùng ông Dũng đã đến trình báo cho Công an xã Bình Hưng nhưng vụ việc được chuyển xuống công an ấp xử lý.

Tại chốt dân phòng ở ấp 5, một người tên Trần Văn Chiến (mặc thường phục) đã lập biên bản lấy lời khai. Sau đó, cơ quan công an đã đến hiện trường và ghi nhận: thùng tiền, đặt trên bàn gỗ, bị mở tung trong căn phòng có diện tích khoảng 12m2; ổ khóa cửa phòng bị phá; có 4 bao thư còn sót lại tại hiện trường...

Theo trình bày của ông Dũng, sau khi người thanh niên mặc đồng phục màu đen ôm thùng tiền đến quầy gửi thì ông Sáu đã hướng dẫn đến phòng thay đồ của cô dâu chú rễ để gửi. Nhưng do chìa khóa phòng này bị hư, gia đình cô dâu không chịu, nên ông Sáu đã đưa đến một phòng khác, cách nơi tổ chức cưới hơn 50m. Tại đây, người mặc đồng phục màu đen đã xin 2 bao giấy dán lên khe bỏ tiền của thùng tiền cưới và người này cùng dì Loan ký vào.

Như vậy, đến nay cả nhà hàng và gia đình cô dâu chú rể vẫn chưa biết người thanh niên mặc đồng phục màu đen là ai. Gia đình cô dâu chú rể cứ ngỡ người thanh niên này là nhân viên của nhà hàng, còn nhà hàng thì cứ ngỡ người thanh niên đó là người nhà của gia đình cô dâu chú rể (?!).

Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.