Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn về y đức:

Mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết...

TP - “Có khám chữa bệnh là có thể xảy ra biến chứng, thậm chí gây tử vong. Nền y học đôi khi cũng bất lực về điều này. Thậm chí mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Những vấn đề về y đức cũng sẽ tồn tại, không thể ngăn chặn mà chỉ tìm cách hạn chế bớt. Còn làm thì còn sai sót”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn chiều 1/4

Chiều 1/4, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt vấn đề “Xem lại lịch sử ngành y, anh em trong ngành y chắc hẳn sẽ thấy rất hổ thẹn với cha ông đã dày công vun đắp y đức khi để xảy ra vụ nhân bản kết quả xét nghiệm, ném xác phi tang ở TMV Cát Tường...”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định y đức là vấn đề bức xúc từ buổi bình minh của lịch sử y học. “Có khám chữa bệnh là có thể xảy ra biến chứng, thậm chí gây tử vong. Nền y học đôi khi cũng bất lực về điều này. Thậm chí mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Những vấn đề về y đức cũng sẽ tồn tại, không thể ngăn chặn mà chỉ tìm cách hạn chế bớt. Còn làm thì còn sai sót”, Bộ trưởng Tiến lý giải.

Bà Tiến khẳng định, Bộ Y tế đã thực hiện hết chức năng của mình như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giáo dục về y đức.

Tuy nhiên bà Tiến thừa nhận vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho người bệnh và bức xúc trong xã hội.

“Chúng tôi xử lý nghiêm khắc tất cả những sai sót, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người vi phạm. Như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức đã ra tòa. Trường hợp tiêm vắc xin viêm gan B chúng tôi sẽ phối hợp với công an Quảng Trị để xử lý. Còn các trường hợp khác chúng tôi đều họp hội đồng để xử lý hoặc cho nghỉ việc, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, để nâng cao y đức cho các bác sĩ trẻ, Bộ Y tế đã cho thành lập Bộ môn Y đức trong các trường đại học, cao đẳng y dược.

ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) băn khoăn kết quả, hiệu quả của đường dây nóng phản ứng tiêu cực trong ngành y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, trong 5 tháng qua, ngành nhận 6.700 cuộc gọi phản ánh qua đường dây nóng và tất cả các cuộc gọi đều được ghi nhận, phân loại đầy đủ. Về kết quả xử lý thông tin qua đường dây nóng, hiện cao nhất là quyết định cho nghỉ việc và nhẹ nhất là cảnh cáo.

“Đường dây nóng giúp người dân giải tỏa bức xúc và nhiều việc bà con phản ánh là đúng. Đó là những thành công bước đầu. Sắp tới chúng tôi kết hợp với Viettel để có tổng đài tự động ghi tâm tự động lại toàn bộ các cuộc gọi qua đường dây nóng để phân tích, xử lý”, Bộ trưởng Tiến cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị người dân ngoài việc phản ánh thông tin tiêu cực cũng cần phản ánh những tấm gương, ca ngợi cán bộ y tế hết sức tận tụy từ tuyến huyện tới trung ương để Bộ kịp thời khen thưởng, động viên.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng “tham tiền hơn là ham cứu người”. “Người làm ngành y phải có đạo đức, không có đạo đức mà làm ngành y thì vô cùng nguy hiểm. Không cứ giàu là có đức, không cứ có máy móc, thiết bị tốt là có đức mà phải có nền giáo dục tốt. Tuy nhiên để nâng cao y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì một mình Bộ Y tế không thể giải quyết được mà phải có nỗ lực của các ngành khác”, Chủ tịch Quốc hội nói.

MỚI - NÓNG