Mê tín chết người nơi ổ dịch

Vợ chồng Hồ Văn Thiên - Hồ Thị Mái có con gái 2 tuổi bị bệnh nhưng không đưa đi viện mà để ở nhà, tổ chức cúng bái. Ảnh: Nguyễn Thành
Vợ chồng Hồ Văn Thiên - Hồ Thị Mái có con gái 2 tuổi bị bệnh nhưng không đưa đi viện mà để ở nhà, tổ chức cúng bái. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ông Hồ Văn Tý cõng con đứng đầu làng nhìn về phía đồi - nơi thi thể bệnh nhân Hồ Văn Quý vừa được chôn, ánh mắt đầy vẻ sợ hãi. Ông Tý cũng bảo đau rát cổ nhưng chỉ uống thuốc tại nhà, không thích đi viện. Hàng xóm có con bệnh nặng cũng không đưa đi viện mà vay tiền mua trâu 20 triệu đồng, tổ chức đâm trâu, cúng bái ầm ĩ.

 dịch bạch hầu bùng phát khiến người dân Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) hoang mang, cuộc sống xáo trộn. Kể từ tháng 5, ít nhất 6 người chết với triệu chứng bạch hầu, 10 người khác nhiễm bệnh.

Ốm đau thì cúng bái

Trưa 16/7, chiếc xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn chở 6 bệnh nhân, trong đó có 1 trường hợp dương tính với bạch hầu, về đến xã Phước Lộc trong sự vui mừng xen lẫn lo sợ của người dân và chính quyền. Về đến nơi, tất thảy đều được phát thuốc, phát khẩu trang rồi mới được về nhà. Chiều hôm trước, cả 6 người dù đang được chữa trị tại Trung tâm Y tế huyện với giường chiếu sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhưng tất thảy nằng nặc đòi về vì cho rằng mình đã khỏi bệnh. Trung tâm Y tế huyện đành phải để 6 người xuất viện với điều kiện họ phải cam kết uống thuốc đều đặn.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, lắc đầu: “Không cho về họ cũng sẽ tìm cách trốn viện. Người dân quen với nương rẫy, núi rừng rồi, xa là nhớ. Bệnh viện cũng đành bó tay”. Ông Toàn cho biết, sau cái chết của chị Hồ Thị Nây ngày 7/7 sau khi cổ họng sưng vù, đau rát và nhiều người khác có triệu chứng tương tự, người dân địa phương bắt đầu hoang mang. Chính quyền báo cáo huyện, Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sàng lọc, phát hiện nhiều người cùng mắc bệnh. Nhưng người dân không chịu ra trạm y tế xã điều trị. Khi cả Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch huyện đích thân vào vận động, hơn chục người mới đồng ý ra trạm, 6 trường hợp được đưa xuống huyện. Riêng 2 ca nặng là Hồ Thị Viên và Hồ Văn Quý được chuyển xuống bệnh viện tỉnh, nhưng họ tử vong sau đó. Ngày hai thi thể được đưa về thôn, dân làng lo sợ và có quan niệm lạc hậu, nên nhất quyết không cho xe cứu thương chạy qua, buộc cán bộ xã phải khiêng xác đi đường vòng về nhà bệnh nhân.

“Sợ gì. Chết đứa này còn đứa khác. Mười đứa mà. Lo gì”.

 Chị Hồ Thị Trái - một người dân Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Nam mà cả nhà đang có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu

Lo sợ nhưng thay vì đi khám, uống thuốc, nhiều nhà tổ chức cúng bái ầm ĩ, có trường hợp con nguy kịch, nhưng gia đình nhất quyết không chịu đưa đi khám chữa bệnh. Chính quyền vào vận động, nói hết lời nhưng cũng đành bất lực; phương án phát thuốc chữa trị tại nhà được đưa ra. “Người dân mê tín lắm, dù chính quyền đã nỗ lực vận động nhưng không dễ gì xóa bỏ. Vì mê tín nên khi đau ốm, người dân tổ chức cúng bái trước, 10 ngày sau không khỏi bệnh mới chịu ra trạm xá. Dân uống thuốc thì uống nhưng không bao giờ cho tiêm, kể cả tiêm phòng. Họ sợ tiêm lắm. Nhiều trường hợp chết oan là vì thế”, ông Toàn nói.

Hiên nhà vợ chồng Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Mái rải đầy đất bột. Đó là dấu hiệu mà chủ nhà đánh dấu không cho người ngoài vào. Hỏi chuyện, vợ chồng Thiên - Mái khua tay đuổi ra sân. Trên tay chị Mái, cháu Hồ Thị Đẩy (2 tuổi) trông lờ đờ, yếu ớt bú mẹ. Các y bác sĩ cho hay, cháu Đẩy mắc bệnh đã gần 10 ngày. Các y bác sĩ vào khám, phát hiện Đẩy bị bệnh nặng, yêu cầu đưa ra bệnh viện huyện chữa trị, nhưng bố mẹ cháu nhất quyết không cho. Cán bộ huyện, xã vào vận động, anh Thiên cũng kiên quyết không đồng ý. Cán bộ làm căng, anh này rút dao chỉ mặt và bảo rằng, nếu đưa con ra khỏi nhà thì phải đâm chết con trước đã. Hỏi Thiên lý do không đưa con đi khám, chữa bệnh, anh này chỉ tay qua nhà bên cạnh nói: “Con Viên xuống bệnh viện tỉnh đó, rồi cũng chết kìa. Đi làm chi. Cúng là khỏi”. Cách đây 4 ngày, vợ chồng Thiên vay mượn mua con trâu giá 20 triệu đồng, tổ chức đâm trâu, cúng bái ầm ĩ.

Ông Toàn cho biết, ngay cả hiện tại, khi ổ dịch bạch hầu đã được cơ quan chức năng khẳng định bùng phát, có người chết, nhiều cư dân vẫn không chịu uống thuốc điều trị và phòng ngừa. Các y bác sĩ phải cấp phát thuốc tận tay người dân đều đặn ngày 2 lần. Cấp thuốc đồng thời cấp nước, rồi bác sĩ yêu cầu người dân uống ngay trước mặt, không cho mang về nhà, sợ người dân vứt đi. “Chăm họ như chăm con, thế mà nhiều người vẫn không chịu uống, buộc phải dỗ dành. Sữa cũng vậy, giờ phải phát từng hộp, không dám phát cả thùng cho họ, sợ rằng con ốm đau không được uống, cha say rượu về lại uống sạch”, ông Toàn nói.

Phát thuốc tại nhà thì uống

Trước khi vào thôn 8A và 8B - nơi ổ dịch bùng phát, ông Toàn cẩn thận nhắc nhở phóng viên đeo khẩu trang. Từ ngày có dịch bệnh, cán bộ xã ra vào hai thôn này cũng đeo khẩu trang cẩn thận, áo quần được phun khử trùng sau khi ra về. Thôn 8A và thôn 8B nằm liền kề nhau giữa bát ngát núi rừng Phước Lộc có 45 hộ với 128 nhân khẩu, 100% là hộ nghèo. Hai thôn được tái định cư từ cuối năm 2014. Nơi ở cũ cách đó mấy trăm mét, nhưng vì trong thôn liên tiếp có người chết, người dân cho rằng “đất xấu” nên đòi di dời. Xã và huyện buộc phải đầu tư hơn 600 triệu đồng, hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để di dời.

Người dân vừa được các y bác sĩ “cưỡng chế” việc uống thuốc phòng ngừa. Đón khách lạ là những ánh mắt đầy sợ hãi của những em bé lem luốc bùn đất và những khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Hỏi bệnh, người dân ai cũng nói đều đau cổ, ho và rát họng. Hồ Văn Đạt (15 tuổi) và Hồ Văn Thêm (16 tuổi) đang cùng mấy anh em khác ngồi đánh bài ở nhà cuối thôn 8B. Đạt và Thêm được xác định nhiễm bệnh nặng, nhưng không chịu đi điều trị nên được cấp phát thuốc uống tại nhà. Cả hai đeo khẩu trang vừa đánh bài vừa ôm cổ la vì đau rát cổ họng. Xung quanh, nhiều người ngồi xem đánh bài. Ngồi bên Đạt là Hồ Văn Vỹ có cùng triệu chứng nhưng nhẹ hơn. Hỏi Vỹ sao không đeo khẩu trang, Vỹ quất mạnh lá bài xuống đất rồi đáp: “Nó bị nặng thì đeo. Mình bị nhẹ mà. Mắc chi đeo”. Những lá bài trên tay Vỹ, Đạt giống như tính mạng của dân làng bây giờ, thắng thua lúc nào không ai biết.

Căn nhà của vợ chồng Hồ Văn Vói và Hồ Thị Trái trống trơn, con cái nheo nhóc. Cả nhà đều có cùng triệu chứng. Riêng hai người con trai, Báo và Trường, bị nặng, ho ra máu, nhưng họ nhất quyết không chịu ra bệnh viện, trạm xá để chữa trị. Y bác sĩ cấp phát thuốc và nước tận tay thì uống, không thì thôi. Hỏi chị Trái không sợ con chết à, chị nhìn chồng rồi cười, đáp tỉnh queo: “Sợ gì. Chết đứa này còn đứa khác. Mười đứa mà. Lo gì”.

Nguồn bệnh đến từ bãi vàng?

Đầu hai thôn 8A và 8B cách không xa con suối Nước Xuyên nước đen sền sệt, đặc quánh bốc mùi hôi thối. Dân làng bảo đó là do việc khai thác vàng trái phép ở phía thượng nguồn. Chất thải có cả chất độc cyanua trộn lẫn trong đó nên dân làng không dám động đến nước suối. Họ không dám cho trâu bò uống nước này vì nếu không chúng sẽ chết.

Mê tín chết người nơi ổ dịch ảnh 1

Đạt và Vỹ ngồi đánh bài, xung quanh có cả người lớn, trẻ em đứng xem. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Nguyễn Chí Trung (66 tuổi) từ Hội An lên thôn 8B mở quán buôn bán đã 24 năm qua. Từ ngày có dịch, lo sợ nhiễm bệnh, ông đưa 8 người, gồm vợ, con, cháu về Hội An, mình ông ở lại, hằng ngày uống thuốc phòng ngừa. Ông Trung từng là phu vàng, lăn lộn khắp các bãi vàng trong vùng. Ông Trung nói rằng, cách thôn không xa là các bãi vàng của Cty Vàng Nghĩa Chánh và dày đặc hầm lò khai thác vàng trái phép tại bãi số 7, số 8. Ông Trung nghi ngờ người dân 2 thôn này đang bị nhiễm độc mà nguồn gốc xuất phát từ các bãi vàng. Theo ông Trung, từ tháng 5 đến nay, ở hai thôn có 6 người chết sau khi có cùng triệu chứng đau rát, sưng phù cổ; tất cả đều giống một vụ nhiễm độc tại bãi vàng số 7 vào năm 1997 mà ông từng chứng kiến. Ông Trung kể rằng, dạo đó có 4 phu vàng nơi ông làm việc chui vào hầm đào vàng, sau đó cả 4 người sưng vù cổ, đau rát rồi tử vong.

Chủ tịch xã Phước Lộc nói rằng, trên địa bàn hiện có 2 Cty vàng được phép khai thác vàng và khoảng 20 điểm khai thác trái phép; xã thường xuyên tổ chức truy quét. Tuy nhiên, các bãi này ở rất xa 2 thôn nơi bùng phát ổ dịch và người dân dùng nguồn nước đảm bảo, không dùng nước sông suối. Theo lãnh đạo xã, để khẳng định nguyên nhân, cần có kết luận cụ thể của cơ quan chuyên môn; giờ chỉ biết tập trung chữa trị, phòng  bệnh bạch hầu.  

Cách ly khu vực có ổ dịch bạch hầu

Ngày 16/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận, từ ngày 30/6, tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) ghi nhận ổ dịch bạch hầu. Hiện toàn bộ khu vực này đã bị cách ly, hạn chế người ra, vào.

Bệnh nhân có biểu hiện sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh. Viện Pasteur Nha Trang cử đoàn công tác tới hỗ trợ ngành y tế địa phương. Trước đó Sở Y tế Quảng Nam đã chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp bao vây khống chế dịch, cử đội chống dịch cơ động của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đến cắm chốt, cùng chính quyền xã và trạm Y tế xã Phước Lộc đến từng nhà dân để điều tra, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.

Kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 30/6 đến 15/7 ghi nhận 13 trường hợp sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng ở độ tuổi từ 1- 45 tuổi, trong đó từ ngày 7-12/7/2015 ghi nhận 3 trường hợp tử vong, 10 người có biểu hiện sức khỏe đã ổn định trong tình trạng hồi phục. Các trường hợp bệnh tập trung tại 2 thôn 8A và 8B hầu hết có quan hệ gần gũi gia đình hoặc có tiếp xúc gần có tiền sử không tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Toàn bộ khu vực thôn 8A, 8B được cách ly, hạn chế người ra, vào vùng dịch.

Bộ Y tế đã lập kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Đồng thời, chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang và ngành y tế tỉnh Quảng Nam sớm xử lý triệt để ổ dịch bạch hầu.               

 Thái Hà

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.