Miền Bắc lũ quét, miền Nam khô hạn

Miền Bắc lũ quét, miền Nam khô hạn
TP - Trận lũ ngày 17/7 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc... Tại Bắc Kạn đã có 8 người chết. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam nhiều nơi khô hạn kéo dài.
Miền Bắc lũ quét, miền Nam khô hạn ảnh 1

Khu dân cư Xưởng Trúc (Bắc Kạn) bị ngập hơn 1 mét             Ảnh: Thế Bình

Trận lũ lớn đêm 16/7 và ngày 17/7 làm cả tỉnh Bắc Kạn bàng hoàng. Nước lũ sông Cầu trên địa bàn huyện Chợ Đồn, thị xã Bắc Kạn và Sông Năng trên địa bàn huyện Ba Bể lên nhanh chưa từng thấy trong vòng gần 20 năm qua.

Cuối ngày 18/7, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bắc Kạn cho biết đã có 8 người chết và mất tích. Các đường giao thông từ trung tâm tỉnh về các huyện: Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn… bị sạt lở nghiêm trọng, ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Quốc lộ 3 và Quốc lộ 3B, có nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng vẫn chưa được khắc phục xong. Hệ thống thông tin liên lạc các xã phía bắc huyện Ba Bể bị cắt đứt. Báo cáo nhanh của UBND huyện Ba Bể cho biết, lũ đã gây thiệt hại toàn bộ 16 xã, làm mất tích 3 người, cuốn trôi 90 ngôi nhà, hàng trăm héc-ta lúa màu bị hỏng, hàng trăm héc-ta đất ven sông suối bị cát vùi lấp; theo thống kê ban đầu, toàn huyện bị thiệt hại tới 6,3 tỷ đồng.

 8 giáo viên vừa dự lớp tập huấn hè tại xã Cao Thượng (Ba Bể) trở về bằng xuồng thì gặp nạn trên Sông Năng. Khởi hành lúc 15 giờ 30 phút, chiếc xuồng sắt do tài công Lường Văn Cương điều khiển chở theo 8 giáo viên và 1 cán bộ huyện Pác Nặm an toàn.

Chiếc xuồng định mệnh di chuyển vào đến giữa động Puông thì chết máy do rác quấn vào “chân vịt”, chiếc xuồng bị nước ép dạt vào bờ đá và lật, 7 người bám vào bờ đá leo lên động thoát hiểm trong gang tấc, còn 3 người là Hoàng Văn Tạo, Hiệu trưởng trường tiểu học Cao Thượng và cùng hai giáo  viên là Triệu Thị Liên và Triệu Thị Lý bị dòng nước xiết nhấn chìm.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, UBND huyện Ba Bể đã tổ chức cứu trợ, thăm hỏi các gia đình nạn nhân mỗi hộ 2.000.000 đồng, đồng thời ban hành công điện khẩn cấp nghiêm cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên đường thủy, tổ chức các đội cứu hộ khắc phục hậu quả do cơn lũ gây ra.

Tại Cao Bằng, mưa to trên diện rộng, liên tục nhiều giờ đã gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, làm tắc nghẽn giao thông. Theo thống kê của các huyện Thạch An, Hạ Lang, Phụng Hòa, Trà Lĩnh, thị trấn Đông Khê... mưa lớn đã làm ngập úng hàng trăm ha lúa và hoa màu, nhiều đoạn đường bị sạt lở, nhiều ngôi nhà bị nước cuốn trôi.

Mưa lớn, kèm theo gió lốc đã khiến cho tình hình thời tiết ở đây càng trở nên phức tạp. Đến hết ngày 18/7, mực nước sông Bằng đang có xu hướng dịch chuyển lên mức báo động 3.

Tại Tuyên Quang, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh, nước sông Lô dâng lên mức báo động 3 đã gây ngập úng 1.000 ha lúa mùa sớm mới cấy và hàng trăm ha hoa màu. UBND tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương thông báo cho dân biết vùng có khả năng bị ngập để chủ động sơ tán; áp dụng các phương án phòng chống lũ quét, ách tắc giao thông...

Tại Lai Châu, mưa to đã làm ngập nhiều đoạn đường tại thị xã Lai Châu. Nước ngập vào nhiều nhà dân, hàng trăm mét khối đất đồi bị lở, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Trong khi các tỉnh miền Bắc đang gồng mình chống lũ quét thì các tỉnh miền Nam đang lâm vào tình trạng khô hạn kéo dài. Tại Nghệ An, khô hạn cục bộ kéo dài đã làm cho hàng trăm ha lúa hè thu có nguy cơ mất trắng. Tại Quảng Nam, hiện có trên 1.000 ha lúa hè thu bị khô hạn. Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên đến trên 39 độ C đã làm cho trên 1.000 ha lúa hè thu ở Thừa Thiên Huế bị hạn nặng có nguy cơ bị mất trắng.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, từ ngày 15/7 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã không có mưa trong nhiều ngày, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Nhiều khu vực đang được báo động đỏ như: Khu vực Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi); khu vực Hoài Nhơn, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Hoài Ân (Bình Định); khu vực Cam Ranh, Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Nếu cháy rừng xảy ra, hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh. Khu vực Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa); khu vực Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước (Ninh Thuận) đang ở cấp IV, cấp nguy hiểm. Ban chỉ đạo TW PCCCR yêu cầu UBND các cấp, các chủ rừng có tên trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. 

MỚI - NÓNG