Miền Tây, đêm nằm nghe đất lở

Miền Tây, đêm nằm nghe đất lở
TP - Người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ xây cất nhà “trên bến, dưới thuyền” tiện lợi sinh hoạt và làm ăn. Đó là vùng đất yếu, “Thủy thần” rình rập tính mạng và tài sản dân cư ven sông!

Ông Nguyễn Văn Bé sống nghề đóng đáy trên sông Cửa Lớn thuộc xã Hàng Vịnh (Năm Căn, Cà Mau) cho biết: “Nạn lở đất ven sông như cơm bữa, nhất là vào đầu mùa mưa. Đó là thời điểm nước ròng sát, mưa lớn, đất nứt rồi đổ sập xuống sông. Cách nhận biết là xuất hiện vết nứt, cây héo lá. Đêm nằm ngủ phải để ý và dọn đồ đạc, cho trẻ con, người già lên trên”.

Vụ sạt lở đất làm ngôi nhà, trại tôm giống tụt xuống sông Cái Lớn hơn 30 m, vào ngày 15/7/2007 đã cướp đi sinh mạng 4 cháu nhỏ. Ông Nguyễn Văn Bình, là ông ngoại của 4 cháu xấu số cảnh báo: “Tôi sang lại trại tôm giống, xây cất chắc chắn cho con gái quản lý. Thật ra, con cháu tôi không có kinh nghiệm, hiểu biết nạn sạt lở đất. Nếu để ý sẽ thấy lá cây héo, có vết nứt đất. Nhất là trước khi sạt lở, cây cối, nhà cửa sẽ chuyển động phải mau chạy thoát thân!”. 

Chi cục Thủy lợi Cà Mau thống kê được 29 vụ sạt lở đất ven sông, cửa biển ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi…Riêng địa bàn huyện Năm Căn có 5 khu vực có nguy cơ sạt lở là xã Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Tam Giang, Lâm Hải và thị trấn Năm Căn với tổng chiều dài 15km.

Huyện Đầm Dơi vừa giáp với thủy triều biển Đông, vừa chịu ảnh hưởng thủy triều biển Tây đã xuất hiện 12 khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở khu vực họp chợ, đông dân cư như Tân Tiến, thị trấn Đầm Dơi, Thanh Tùng, Cái Keo, Chà Là… với tổng chiều dài trên 30 km.

Những năm gần đây, tình trạng lở đất liên tục xảy ra ở huyện Giá Rai, Đông Hải (Bạc Liêu) với hàng ngàn ngôi nhà có nguy cơ vùi xuống nước. Dọc theo kinh xáng Cà Mau- Bạc Liêu là đoạn Quốc lộ 1A cũng xuất hiện những điểm sạt lở, gây cản trở giao thông.

Thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) có đến hàng trăm hộ dân đêm ngủ không ngon giấc. Ông Nguyễn Văn Thiên, ở khu vực 2, thị trấn Gành Hào cho biết: “Hơn chục năm làm ăn sinh sống tại thị trấn Gành Hào thì có đến 2 lần mất nhà cửa, tài sản vì lở đất”.

Những người dân ở thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) nhớ lại, mỗi năm có vài vụ lở đất. Bà Trần Kim Vân- một người dân mua bán hàng thủy sản cửa biển Gành Hào nhớ lại: “Gia đình tôi có ít nhất là 3 lần bị mất nhà, mất tài sản vì sạt lở đất. Năm ngoái, có 10 căn nhà “ùm” xuống sông, không còn thấy nóc. Nạn lở đất cửa sông này thường xuyên nhưng phải bám đất vì chuyện làm ăn”.

Sợ nhưng vẫn phải bám

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) nhận định: Nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông là do công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng xây dựng lấn ra quá nhiều mép sông. Việc xây dựng nhà cửa, công trình chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trên nền đất yếu, không đủ điều kiện ổn định lâu dài.

Những điểm sạt lở làm hư hại công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cho thấy thực trạng đáng lo ngại. Đoạn quốc lộ 1A Bạc Liêu- Cà Mau bị sạt lở mố cầu ở huyện Giá Rai, Hòa Bình là do vị trí xây dựng cầu mới dịch chuyển ra sát mé kinh xáng Cà Mau- Bạc Liêu. Cách đây 3 năm, hàng trăm mét bờ kè Cảng Năm Căn (Cà Mau) lặn xuống sông Cái Lớn lúc nửa đêm là do quá tải bờ sông.

Những điểm sạt lở thường xuyên là khu dân cư tập trung như chợ búa, ngã ba sông thuận lợi kinh doanh mua bán. Các địa phương vùng miền Tây Nam bộ bị ảnh hưởng chế độ bán nhật triều biển Đông có biên độ thủy triều lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, mức độ sạt lở càng nghiêm trọng hơn.

Những dự án xây dựng cụm dân cư để di dời dân cư ven sông, ven biển của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đều triển khai chậm. Nhưng những dự án này không thể thu hút những hộ kinh doanh mua bán ven sông, gần cửa biển. Bởi họ cần chỗ làm ăn để nuôi sống hơn là đến nơi ở mới mà bế tắc chuyện làm ăn.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau khuyến cáo: “Sạt lở ven sông là do tác động quá sức chịu đựng của vùng đất yếu. Việc trồng cây ven sông để giữ đất, chống xói mòn, hạn chế sạt lở là rất cần thiết.

Tâm lý sinh hoạt, tập quán làm ăn ven sông rạch trở thành nét văn hóa miền Tây Nam Bộ. Muốn ổn định đời sống dân cư ven sông phải bảo vệ bờ sông, hạn chế những tác động quá mức chịu đựng”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.