Miền Tây kiệt lũ

Đồng ruộng khô cằn
Đồng ruộng khô cằn
TP - Nước sông Mekong đang xuống thấp khiến hạ nguồn ĐBSCL trở nên khó khăn. Bởi nhiều năm trước, thời điểm này lũ tràn ngập đồng ruộng, cũng là lúc người dân vào vụ đánh bắt thủy sản. Nhưng bây giờ đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ.

Những ngày này, đi dọc các tỉnh đầu nguồn biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ bắt gặp cảnh đồng ruộng khô cằn, nhiều tuyến kênh cạn trơ đáy.

Sinh kế bị đe dọa

Khu vực biên giới xã Phú Hội (An Phú, An Giang) giáp Campuchia xung quanh là đồng ruộng mênh mông đã thu hoạch xong vụ mùa. Ghe, xuồng nằm chỏng chơ trên bãi bồi, những chiếc dớn bắt cá cách mặt nước cả mét. Ông chủ dớn than thở: “Năm nay lũ không về, đồng ruộng cạn khô nên đặt dưới sông kiếm cá ăn. Nhưng có hôm mực nước thấp hơn cả dớn thì lấy gì có cá”.

Ông Đặng Văn Vệ, 68 tuổi ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội (An Phú) chuẩn bị dàn lưới dài hơn 1.000m mới toanh đợi lũ về giăng nhưng đến nay dưới vẫn còn nằm im trong tủ. "Hằng năm, sau mùng 5 tháng 5 âm lịch là nước bắt đầu lên, nhưng năm nay đã trễ hơn 1 tháng mà nước vẫn không thấy đâu. Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ chưa năm nào thấy tình trạng nước về muộn như năm nay, mùa lũ mà đồng ruộng khô cằn như tháng hạn (tháng 2 -3 âm lịch)", ông Vệ nói.

Cùng ấp, gia đình bà Nguyễn Thị Thương đang cặm cụi làm lọp cua. Bà Thương cho biết, sống nghề này mấy chục năm nhưng chưa khi nào tình trạng nước kiệt như năm nay.

Để chuẩn bị cho mùa lũ năm nay, bà Thương đầu tư gần 500 lọp cua với chi phí gần 20 triệu đồng. "Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao nhưng đầu tư mấy chục triệu mà không đặt được nên cảm thấy lo”, bà Thương bảo.

Rời tỉnh An Giang, chạy dọc theo các xã biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc ghe nằm chỏng trơ bên hông nhà, một số đã mục nát vì không sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hiếu ở xã Thới Hậu B (Hồng Ngự, Đồng Tháp) bảo: “Trước đây, xóm này toàn làm nghề giăng câu, thả lưới nhưng giờ chỉ còn vài nhà. Lũ không về, phần lớn hàng xóm đã kéo nhau lên Bình Dương làm thuê”.

Chủ động ứng phó

Theo thông báo của Ủy hội sông Mekong, nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Đoạn từ Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan, đến Luang Prabang, Vientiane (Lào) và Neak Luong (Campuchia), mực nước sông đều đang ở dưới mức thấp kỷ lục của năm 1992.

Ở Chiang Saen, mực nước sông hiện tại là 2,1 m, thấp hơn 3,02m so với mức trung bình cùng kỳ trong suốt 57 năm qua (từ 1961-2018) và thấp hơn 0,75m so với mức nước tối thiểu từng đo được trong 57 năm đó. Bên cạnh đó, mực nước Mekong ở vùng Tam Giác Vàng (Lào, Thái, Myanmar) ngày 19/7 đang ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973 .

Trong khi, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dao động từ báo động 1 đến báo động 2, xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, hiện mực nước sông Mekong thấp là do lượng mưa đầu mùa rất ít, cộng với các đập thuỷ điện trên thượng nguồn tích nước. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10, diễn biến về lũ có thể sẽ thay đổi khi có mưa nhiều ở thượng và trung Lào, cộng với các đập thủy điện Lào đã tích đầy.

Hạn mặn gay gắt vào đầu năm sau

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân mực nước thấp đầu tiên là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay và El Nino sẽ còn kéo dài đến 1-2 tháng nữa, nên lượng mưa sẽ còn thấp. “Hiện nay chúng ta đang trong năm khô hạn, các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm”, chuyên gia Thiện nói. Ông lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai.     

Theo ông Thiện, nếu tình hình này tiếp diễn thì ảnh hưởng lớn tới ĐBSCL, cụ thể khoảng tháng 3 năm sau, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.

Về lâu dài, ông Thiện cho rằng, cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. “Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược. Như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu”, ông Thiện nói.

Miền Tây kiệt lũ ảnh 1 Ông Phạm Văn Được bên dàn lọp đem bán

"Hằng năm, sau mùng 5 tháng 5 âm lịch là nước bắt đầu lên, nhưng năm nay đã trễ hơn 1 tháng mà nước vẫn không thấy đâu. Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ chưa năm nào thấy tình trạng nước về muộn như năm nay, mùa lũ mà đồng ruộng khô cằn như tháng hạn (tháng 2 -3 âm lịch)". Ông Nguyễn Văn Vệ

MỚI - NÓNG