Miền Trung guồng sức chạy đua với bão

Miền Trung guồng sức chạy đua với bão
TP -Cơn bão số 14, tức siêu bão Haiyan đang đe dọa miền Trung và hướng dần lên phía Bắc. Trận đại cuồng phong được coi là “khủng khiếp nhất hành tinh”, đỉnh điểm giật đến cấp 17 chưa từng xảy ra trong lịch sử bão tố Việt Nam.

> 1.200 người Philippines chết, thi thể trôi dạt khắp nơi
> Xác nạn nhân siêu bão Hải Yến nằm la liệt ở Philippines

Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị và lực lượng tại chỗ kiểm tra bãi neo đậu tầu thuyện các ụ neo, dây cáp. Ảnh: Hoàng Anh
Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị và lực lượng tại chỗ kiểm tra bãi neo đậu tầu thuyện các ụ neo, dây cáp. Ảnh: Hoàng Anh.
 

Hai hôm trước, bão càn qua quần đảo Philippines, sức gió lên đến 314 km/h và giật đến 379 km/h. Nơi ấy bao cảnh đổ nát đau thương đang dần lộ ra…

Nhớ rạng sáng ngày 1/10/2006, siêu bão Xangsane đổ bộ trực diện vào Đà Nẵng. Bão vừa ngớt, gần 500 ca cấp cứu vì bão đổ về bệnh viện Đà Nẵng và các trung tâm y tế. 71 người dân miền Trung thiệt mạng. Với Xangsane, lần đầu tiên ngành dự báo khí tượng thuỷ văn Việt Nam có khái niệm bão cấp 13 và trên cấp 13. Giờ bão Haiyan giật đến cấp 17, nếu đâm thẳng vào đất liền như dự báo trước đó không biết sẽ huỷ diệt đến mức nào.

Mấy hôm nay không khí khẩn trương như thời chiến, cả nước hướng về miền Trung, những bản tin liên tục cập nhật trên mọi phương tiện. Chưa bao giờ miền Trung vào cuộc sơ tán khổng lồ như vậy, kể cả với siêu bão Xangsane. Người miền Trung guồng sức chạy đua với bão. Hàng vạn người ùa ra khắp các bãi biển lấy cát chặn giữ mái nhà.

Từng khuôn cửa, ô kính khắp các căn nhà từ mặt phố tới kiệt hẻm được “băng bó” kín mít bằng dây thép, dây cáp, ván gỗ cốp pha… Ở Quảng Nam, hai xã vùng biển Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên chỉ trong ngày hôm qua người dân đã đào trên 500 căn hầm dã chiến để tránh bão. Việc đào hầm tránh bão có sau bài học xương máu bão Xangsane. Những căn hầm khởi đầu từ Quảng Nam, lan ra nhiều vùng biển Quảng Ngãi, Bình Định...

Từ bao đời nay, miền Trung trở thành biểu tượng của đầy ám ảnh của thiên tai bão lũ. Của những nóc nhà chìm trôi trong đỉnh lũ dập dềnh vệt tang trắng. Miền Trung làm được một thì thiên tai cướp mất hai. Con người miền Trung kiên gan chống chọi với số phận và cả những cơn thịnh nộ của đất trời.

Nhưng giờ đây, trước biến thiên dữ dằn của khí hậu trái đất, “cảnh ngộ miền Trung” đã xuất hiện khắp mọi vùng miền. Kể cả những nơi không ngờ tới. Người dân bì bõm bơi lội trên những đường phố thủ đô hay Sài Gòn đô hội. Những trận lũ đổ ập về các đô thị ngày một nhiều. Một sự “chia sẻ” bất đắc dĩ và đáng buồn của người dân cả nước.

Ngày mai, bão có trực diện vào sâu đất liền miền Trung hay ập đến một vùng miền nào khác, cũng đều đem lại đau thương, mất mát cho từng làng xóm, từng phận dân nghèo. Cấp bão đến con số 17, có nghĩa một ngưỡng lịch sử nữa về thiên tai lại được xác lập. Một kỷ lục đầy lo sợ và không biết còn tiếp tục bị phá để đạt mốc mới. Khi sự tàn phá thiên nhiên và môi trường sống của con người còn chưa dừng lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG