Miền Trung: Hàng chục tàu chìm, mất liên lạc

Tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn neo đậu tránh bão tại âu tránh bão xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chiều 16-7
Tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn neo đậu tránh bão tại âu tránh bão xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chiều 16-7
TP - Có ít nhất 4 tàu cá bị chìm; lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được một số ngư dân do sóng to, gió lớn. Hàng chục tàu khác mất liên lạc hoàn toàn.
Tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn neo đậu tránh bão tại âu tránh bão xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chiều 16-7
Tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn neo đậu tránh bão tại âu tránh bão xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn chiều 16-7 . Ảnh: Hoàng Lam

Chiều tối 16-7, Văn phòng trực Ban PCLB&TKCN Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của bão số 1 đã có 4 tàu cá của ngư dân Phạm Thơ, Nguyễn Văn Trung (Bình Châu, Bình Sơn), Nguyễn Ngọc Tiến và Võ Văn Tân (Lý Sơn) bị chìm sáng ngày 16-7 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trên tàu có 58 lao động.

BCH Biên phòng Quảng Ngãi đang kêu gọi các tàu trú ẩn gần khu vực tàu chìm đến tham gia ứng cứu số ngư dân gặp nạn trên biển, nhưng do sóng lớn nên vẫn còn một số lao động chưa được cứu hộ. Ngoài ra còn có 11 tàu của ngư dân Bình Châu, Bình Đông (Bình Sơn) và Lý Sơn trên đường từ quần đảo Hoàng Sa chạy vào đất liền nhưng chiều tối 16-7 thì mất liên lạc.

Tin từ BCH PCLB &TKCN Đà Nẵng cho biết, lúc 10 giờ 30 ngày 15–7, tàu cá ĐNa 0732 đang trên đường chạy tránh bão số 1, đến vị trí có tọa độ 16,230 bắc – 108,570 đông, cách Đà Nẵng khoảng 47 hải lý, thuyền viên Ngô Văn Hường đã bị rơi xuống biển. Hiện tàu đánh cá ĐNa 0732 cùng các tàu bạn ĐNa 90149, ĐNa 90029, ĐNa 90026, ĐNa 90289 và ĐN 90169 vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm ngư dân này.

Đến ngày qua các tàu thuyền, ngư dân Đà Nẵng đang trên biển đều ở trong khu vực an toàn. Trong đó có 1 tàu (27 lao động) ở khu vực quần đảo Trường Sa, 121 tàu (1.300 lao động) đánh bắt gần bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và 1 tàu (6 lao động) ở vùng biển Thanh Hóa.

Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Cục Quản lý đê điều và PCLB) cho biết: Sáng 15-7, trên đường vào tránh bão tàu cá QNa 3933 TS do ông Lê Văn Tùng (Quảng Nam) làm thuyền trưởng với 8 lao động đã tông vào mũi đá nhà đèn Sơn Trà (Đà Nẵng). Rất may, thuyền viên trên tàu đều an toàn và tàu này được hai tàu khác lai dắt đưa ra khỏi bãi đá, hiện trú tại khu vực bãi Bắc mũi Nghê (Sơn Trà).

Theo báo cáo nhanh từ trung tâm, tính đến sáng 16–7, tất cả các địa phương ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi triển khai các phương án ứng phó với các tình huống ảnh hưởng của cơn bão số 1, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, đến nay hầu hết đều trong khu vực an toàn.

Tin từ BCH Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi có 1.360 tàu thuyền với 9.627 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 33 tàu (426 lao động) đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa - vùng có nguy cơ bão Conson đi qua đang được các trạm biên phòng hướng dẫn tìm nơi trú ẩn.

Sáng 16-7, BĐBP tỉnh TT- Huế đã bắn pháo hiệu ở nhiều điểm và liên lạc, kêu gọi hơn 1.730 tàu thuyền trên toàn địa bàn vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn do ảnh hưởng từ cơn bão số 1.

Đến chiều cùng ngày, toàn bộ phương tiện đánh cá trên biển của TT- Huế đã quay vào bờ, một số thuyền do đánh bắt ở các vùng biển xa nên chạy vào tránh bão tại các bến thuyền của Đà Nẵng.

Hôm qua, 4.300 tàu thuyền của Nghệ An đã vào nơi trú ẩn an toàn. “Đến tối 16-7, có khoảng 100 tàu thuyền chưa cập bờ. Tỉnh chỉ thị cho các huyện thị ven biển kêu gọi ngư dân trên biển nhanh chóng vào đất liền tránh bão!”, ông Nguyễn Đình Chi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết.

Tại huyện Quỳnh Lưu, nơi tập trung 2.400 tàu thuyền (1.500 đánh bắt xa bờ) đến 20 giờ tối qua hầu hết đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Theo số liệu từ chi cục phòng chống lụt bão Quảng Bình, đến 20 giờ ngày 16-7, Quảng Bình đã kêu gọi được 3.790 chiếc tàu cá với hơn 17.500 ngư dân vào nơi tránh, trú bão an toàn. Hiện còn 332 chiếc và 2.470 ngư dân đã liên lạc được và đang trên đường vào bờ. Có 15 chiếc không liên lạc được.

Hiện Chi cục Phòng chống lụt bão, bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để liên lạc được với số tàu còn lại nói trên và chuẩn bị phương án cứu hộ trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Thanh Hóa: Đối phó với bão ở cả miền núi và vùng biển

Để chủ động đối phó với bão Conson, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công tác chuẩn bị, phương án đối phó ở trên tất cả các khu vực miền núi, đồng bằng, ven biển của tỉnh.

Đến cuối ngày 16-7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.956 tàu thuyền/23.835 lao động đã vào bến neo đậu an toàn; 680 tàu thuyền/4.445 lao động đang hoạt động trên biển hoặc đã vào tránh trú ẩn ở các khu vực: đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong số đó, hiện còn 2 tàu thuyền của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn chưa liên lạc được.

Thông tin từ thị xã Sầm Sơn cho biết, chiều 16-7, tàu của ông Nguyễn Văn Quý (xã Quảng Tiến) bị chết máy cách đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 30 hải lý, song đang được các thuyền bạn kéo vào.

Đối với các huyện miền núi, cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân sinh sống ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cảnh báo và sẵn sàng sơ tán người và tài sản…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.