Miền Trung hứng bão đầu mùa

Chiều 14/9, bão chưa vào, tàu cá QNa 90208 của ông Trần Công Tăng (trú tại xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam) đã bị gió lớn đánh chìm trên sông Trường Giang, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Chiều 14/9, bão chưa vào, tàu cá QNa 90208 của ông Trần Công Tăng (trú tại xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam) đã bị gió lớn đánh chìm trên sông Trường Giang, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Mặc dù là cơn bão không lớn, song lượng mưa xối xả kèm theo gió lớn chiều qua (14/9) khiến Đà Nẵng, Quảng Ngãi quay cuồng. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng, cây cối gãy đổ la liệt. Thông tin ban đầu cho thấy, dù rất cố gắng kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh, song đã có những tai nạn trên biển xảy ra…

Nhiều tàu thuyền gặp nạn

Đến chiều tối 14/9, tàu QNa 90208 công suất 200 CV của ông Trần Công Tăng (trú tại xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam) vẫn chưa thể trục vớt lên khỏi sông Trường Giang sau khi bị gió lớn đánh chìm. Tàu tạm thời được nối dây để neo chằng không để nước sông cuốn trôi, chờ bão qua để tiếp tục trục vớt. Trước đó, khoảng 6h sáng 14/9, khi đang neo đậu tại khu vực Cửa Lở (thuộc địa phận thôn 5 xã Tam Hòa) tàu bị gió quật, giật chìm. Mặc dù đã được 3 tàu cá khác cùng hơn 20 ngư dân và 4 thợ lặn tiến hành trục vớt nhưng đã không thành. Thiệt hại bước đầu ước tính hơn 2 tỷ đồng.

Trưa qua (14/9), Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải KV 2 (Da Nang MRCC) đã cứu nạn thành công tàu QB 92021 bị nạn lúc 7h sáng cùng ngày. Theo Da Nang MRCC, ông Phan Ngọc Liên, chủ tàu cá báo trên tàu có 6 thuyền viên, vị trí của tàu cách Đà Nẵng khoảng 27 hải lý về phía đông bắc. Do bão số 3 đang tiến gần về Đà Nẵng, mưa giông mạnh, gió lớn, tàu có nguy cơ chìm nên đã yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Cũng sáng qua, gia đình chủ tàu ĐNa 31724 trực tiếp đến Da Nang MRCC báo tin tàu bị hỏng máy thả trôi, gió lớn, có nguy cơ chìm, trên tàu có 3 thuyền viên, yêu cầu cứu nạn khẩn cấp.

Trước đó, Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho hay, trong ngày 13/9, nhiều tàu thuyền gặp nạn. Cụ thể, tàu HD 1597 thi công nạo vét cửa sông Gianh bị mắc cạn và chìm, trên tàu có 4 lao động.  Đến 12 giờ cùng ngày, tàu CBCS của Hải đội 2 đã tiếp cận và cứu vớt được 4 thuyền viên, và đang trên đường đưa vào bờ, tàu HD 1597 đã chìm hoàn toàn.  Tàu QB 92780 (chủ tàu Lê Văn Chung, ở Đức Trạch, Bố Trạch) bị mắc cạn ở bờ nam Nhật Lệ lúc 9 giờ, các thuyền viên đã vào bờ an toàn. Tại Bình Định, báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, tàu BĐ 91052 (của ông Phạm Thanh Trưởng, trú Quy Nhơn) lúc 11 giờ ngày 13/9 bị hỏng máy thả trôi khi cách Nha Trang 103 hải lý, trên tàu có 13 lao động. Tàu đã liên lạc được với tàu cùng tổ đội, nhưng do vùng bị nạn hiện nay có sóng, gió cấp 5 nên dự kiến đến chiều 14/9 mới tiếp cận được. Tàu cá BĐ 40831 có thuyền viên là Phạm Văn Nghĩa mất tích lúc 22 giờ ngày 11/9, hiện tàu BĐ 40831 vẫn tiếp tục tìm kiếm.  Ba thuyền viên của tàu cá BĐ 91012, cũng bị mất tích hiện vẫn chưa thể tìm kiếm do thời tiết xấu.

Căng sức

Tối qua, ghi nhận của CTV Tiền Phong tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho hay, mưa to kèm theo gió bão cấp 6 -7 đã khiến tuyến giao thông đi lại nối đất liền với đảo Lý Sơn và tuyến đảo Lớn và đảo Bé phải tạm ngưng hoạt động. Ngư dân chủ động chèo chống, giằng néo tàu thuyền. Lý Sơn dự kiến sẽ là một trong những nơi đầu tiên bão đổ bộ. Huyện Lý Sơn  chỉ đạo Nghiệp đoàn nghề cá 2 xã An Vĩnh và An Hải phối hợp với BĐBP sử dụng hệ thống thông tin liên lạc Icom kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn, đồng thời kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền và các chủ bè lồng nuôi tôm vào neo đậu an toàn

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, từ chiều qua, toàn bộ học sinh được nghỉ học.  Sở GD&ĐT Quảng Nam yêu cầu các đơn vị trường học tiến hành chằng chống trường lớp, ngắt các thiết bị điện, di chuyển tài liệu, sách vở, các phương tiện thiết bị học tập đến nơi an toàn tránh ẩm ướt, hư hỏng. Hiệu trưởng các trường trực tiếp rà soát số học sinh qua sông, qua đò để theo dõi, phối hợp với lực lượng chức năng đưa đón học sinh về nhà an toàn.

Tại huyện Duy Xuyên, chính quyền di dời gần 200 hộ với hơn 640 nhân khẩu tại vùng nguy cơ sạt lở, nước chảy xiết và vùng trũng thấp. Đối với khu vực sạt lở ở biển Cửa Đại, UBND thành phố Hội An đã cho sơ tán khách du lịch tới nơi an toàn.

Bác sĩ Trần Cúc, Phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Sở đã bố trí 900 cơ số thuốc để sẵn sàng cung ứng cho các đơn vị y tế các quận, huyện khi có yêu cầu bổ sung. Ngoài ra, để kịp thời cấp cứu các trường hợp bị nạn, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác trực báo tại các trạm y tế 24/24 theo tinh thần trực bốn cấp gồm: trực chỉ huy, trực chuyên môn, trực khoa, trực phòng. Mỗi trạm y tế các quận, huyện được bố trí  từ 1-2 đơn vị kíp trực, mỗi đơn vị từ 5-7 người. Sở Y tế cũng đã dự trữ nước sạch nhằm sẵn sàng ứng cứu cho các vùng bị ngập lụt, nước nhiễm bẩn; kịp thời có biện pháp chống ô nhiễm môi trường sau khi lũ lụt đi qua.

Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho hay, đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó với bão. Theo đó, toàn Vùng tổ chức trực theo dõi diễn biến của bão 24/24 giờ. Các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão.

Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Trên bờ, Vùng chuẩn bị 8 xuồng cao tốc, 9 xuồng cao su, 9 xe tải, 2 xe cẩu, 4 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng di dời và ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra. Bộ Tư lệnh Vùng 3 cử hơn 60 cán bộ chiến sĩ  cùng các phương tiện của Trung đoàn 351, Tiểu đoàn 355 và Trung tâm Huấn luyện Vùng tham gia chằng chống nhà cửa cho các gia đình chính sách trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và kéo các phương tiện tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu tại khu vực Suối Đá, Thọ An vào bờ tránh bão an toàn.

Nguy cơ sạt lở, lũ quét ở miền Trung, Tây Nguyên

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, tối 14/9, bão số 3 đã đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, với cấp gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Sau khi vào đất liền, bão suy yếu dần, thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt-Lào vào sáng nay (15/9).

Do mưa lớn, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Các địa phương trên có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng.

* Do ảnh hưởng của bão số 3, trên vùng biển Quảng Bình đã có hai chiếc tàu bị gặp nạn khi trên đường vào bờ tránh trú bão. Lực lượng cứu hộ của Biên phòng Quảng Bình đã có mặt kịp thời và đưa được các thuyền viên vào bờ an toàn.

Theo Văn phòng Ban PCLB&TKCN Quảng Bình, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa to đến rất to liên tục trong hai ngày qua. Tuy nhiên, do hạn hán lâu ngày nên mực nước ở các sông lên chậm, đang nằm dưới mức báo động 1. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình cũng đã lên các phương án ứng phó với cơn bão số 3, trong đó đặc biệt chú trọng đến lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

* Chủ động phòng chống cơn bão số 3, Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị ngày 14/9 đã kêu gọi toàn bộ 2.282 tàu thuyền vào bờ, trong đó có 38 tàu với 263 người ngoại tỉnh được kêu gọi vào neo đậu an toàn trên địa bàn tỉnh. Hiện vẫn còn 24 tàu thuyền với 166 người đang hoạt động trên vùng biển.

* Ngày 14/9, hàng loạt chuyến bay đi/đến miền Trung và Tây Nguyên phải chuyển hướng và hủy chuyến. Trong đó, hãng Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific có 2 chuyến bay từ TPHCM và Hải Phòng đến Buôn Ma Thuột phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất; một số chuyến khác phải thay đổi giờ bay do ảnh hưởng dây chuyền. Hãng Vietnam Airlines không khai thác các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng từ 14 đến 17 giờ ngày 14/9 và hủy 4 chuyến bay đến/đi Buôn Ma Thuột và 2 chuyến bay đến/đi Chu Lai từ Hà Nội và TPHCM. Các chuyến bay của Vietjet đi và đến Huế, Đà Nẵng và Chu Lai cũng buộc phải hủy.

Nam Khánh-Hoàng Nam-H.Thành-Sỹ Lực

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.