Miền Trung lại gồng mình trước bão dữ

Miền Trung lại gồng mình trước bão dữ
TP - Dù chưa biết chính xác bão sẽ đổ bộ vào, nhưng ở TP Đà Nẵng, nơi vừa hứng chịu mắt bão Xangsane, việc chuẩn bị đối mặt với bão số 7 (Cimaron) đã “nóng” lên…
Miền Trung lại gồng mình trước bão dữ ảnh 1

Ngư dân Sơn Trà, Đà Nẵng đưa thuyền về nơi tránh bão (ảnh chụp chiều 30/10) 
                                                  Ảnh: Nam Cường

Chống bão đã thành ...“nghề”!

Ngay từ chiều Chủ nhật khi có thông tin về cơn bão xa Cimaron đang ở tận Philippines nhưng có thể đổ bộ vào miền Trung, người dân Đà Nẵng như lên cơn sốt.

Không ai bảo ai, tất cả hè nhau hối hả chèn chống nhà cửa, lèn bao cát lên mái nhà, kéo tàu thuyền vào bờ... Sau cuộc chiến với bão Xangsane vừa rồi, có thể nói với người dân Đà Nẵng, chống bão đã thành ... “nghề” !

Cho đến 14 giờ chiều qua, gần như tất cả những con thuyền loại vừa và nhỏ ở quận Sơn Trà đã được “xếp hàng” ngay ngắn bên lề đường ven biển Phạm Văn Đồng.

Cả người già, phụ nữ cũng tham gia kéo những chiếc tàu cuối cùng vào bờ. Bầu trời Đà Nẵng âm u, những con gió bắt đầu thổi mạnh từ biển Đông, như báo hiệu điềm dữ.

Chị Nguyễn Thị Sinh (tổ 3, phường Mân Thái), hớt hải: “Nghe tin báo bão lần này có thể mạnh như lần vừa rồi, ai nấy đều lo lắng. Nên phải chủ động phòng chống, không thể để nhà sập, tàu tan như lần trước”.

Nhà chị Sinh có hai thuyền, một đã bị sóng đánh tan trong cơn bão Xangsane, một còn nguyên vẹn, chuẩn bị ra khơi thì nghe tin báo bão. Chị Sinh nói: “Nếu muốn thuyền nguyên vẹn, chắc chắn lần này tui phải đưa nó lên bờ”.

Tại cảng cá Thuận Phước, nhiều chủ tàu cá cũng đang hối hả cột dây neo chặt hơn, liên kết một đội từ 3 – 5 tàu để tránh cuồng phong có thể mạnh hơn lần trước.

Ông Nguyễn Mậu, chủ một tàu đánh bắt xa bờ, lắc đầu ngao ngán: “Tàu tui chuẩn bị ra khơi, ai ngờ lại có bão, vừa phải tốn gần trăm triệu gia cố, sửa chữa sau bão số 6, giờ lại tránh bão số 7”.

Được biết, hiện còn 130 tàu thuyền lớn nhỏ còn đậu ven bờ biển TP Đà Nẵng cần phải di trú vào nơi an toàn.

Không khí chèn chống nhà cửa còn hối hả, gấp hơn bội phần. Tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, các mặt hàng như đinh, dây thép và bao bì đã có chiều hướng cung không đủ cầu.

Tại một cửa hàng trên đường Ông Ích Khiêm, hàng trăm người chen chúc mua các loại bao dùng để đổ cát chặn lên mái tôn. Trên bãi biển Phạm Văn Đồng, người dân đua nhau xúc cát bỏ vào bao.

TP biển Đà Nẵng chưa bao giờ tấp nập, khẩn trương một không khí phòng chống bão như vậy. Chị Nguyễn Thị Kim Nga (tổ 3, phường Mân Thái, quận Sơn Trà), lo lắng: “Lần này không  lo trước, sau bão, mấy mẹ con chỉ còn nước xuống gầm cầu mà ở”.

Nhà chị Nga bị tốc mái hoàn toàn sau cơn bão Xangsane, chị chỉ vừa chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền mua tôn lợp lại mái cách đây đúng 3 ngày. Màu tôn lạnh óng ánh còn mới nguyên lại bắt đầu xuất hiện những bao cát xanh đỏ đè nặng.

Miền Trung lại gồng mình trước bão dữ ảnh 2
Đưa thuyền vào nơi an toàn

Dùng xe bọc thép để chống bão và cứu hộ cứu nạn

Xác định của BĐBP Đà Nẵng cho biết hiện còn 93 tàu với 590 lao động đánh bắt xa bờ còn ở ngoài khơi. Vì chủ động thời gian và thông tin về hướng di chuyển nên Ban tác chiến thuộc BCH BĐBP Đà Nẵng sẽ liên lạc với tất cả các tàu, bắt buộc tìm nơi trú ẩn tại ven bờ nước ta.

Về vấn đề neo đậu tàu thuyền, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, cho biết: “Bắt đầu từ chiều 30/10, tất cả những tàu cá neo đậu từ cầu sông Hàn đến cầu Nguyễn Văn Trỗi phải di trú vào âu thuyền Thọ Quang. Thời gian di trú chậm nhất là 2 ngày”.

“Cũng trong thời gian này, tất cả những biện pháp phòng chống bão như chèn chống nhà cửa, nắm chắc thông tin, chuẩn bị dầu, lương thực, nước uống, thuốc... phải được các Sở, ban ngành hoàn tất” – Phó Chủ tịch Trần Phước Chính khẳng định. Rút kinh nghiệm từ bão số 6, phương châm phòng chống bão lần này là “4 tại chỗ”:

Lương thực, y tế, hậu cần và thông tin. “Muốn làm tốt điều này, sự phối hợp giữa các Sở ban ngành là rất quan trọng” - Ông Minh nói.

Bộ tư lệnh Quân khu V đã quyết định sẽ sử dụng một số xe bọc thép cho công tác phòng chống, cứu nạn cứu hộ trong bão nếu tình hình khẩn cấp.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã xuất ngân sách tạm ứng cho huyện Hòa Vang 100 triệu đồng, và 50 triệu đồng/quận cho 5 quận còn lại để đảm bảo lương thực nước uống cho dân.

UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo : Công tác phòng chống bão tại các địa phương phải gấp rút  triển khai, nhất là việc sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão vào, tránh tâm lý  chủ quan.

Quảng Ngãi : Còn hơn 800 tàu thuyền, 5.500 lao động trên biển

Miền Trung lại gồng mình trước bão dữ ảnh 3
Người dân dùng bao cát chặn trên mái nhà phòng bão

Sáng 30/10, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn, triển khai công tác phòng chống bão. Báo cáo của BĐBP tỉnh cho biết :

Tại các khu vực quần đảo  Trường Sa, Hoàng Sa, đảo Đài Loan, ngư trường các tỉnh phía Bắc và phía Nam, tàu thuyền của Quảng Ngãi có đến 842 chiếc, với 5.503 lao động đang đánh bắt cá. BĐBP tỉnh đã thông qua các phương tiện liên lạc trên biển, thông báo kêu gọi vào bờ, chủ động tìm nơi trú ẩn.

Các phương tiện ven bờ đi về trong ngày, đã được thông báo gọi vào bờ 607 phương tiện với 5.162 lao động.  BĐBP tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia chống bão, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. UBND tỉnh chỉ đạo:

Công tác phòng chống bão tại các địa phương phải gấp rút  triển khai, nhất là việc sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão vào, tránh tâm lý  chủ quan.

TT-Huế: Dự kiến di dời hơn 12.500 hộ dân

Từ chiều 29/10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức họp triển khai phương án ứng phó với bão Cimaron.

Hiện tại, hệ thống truyền thanh ở các huyện đang phát huy tối đa công suất thông tin đến người dân về cơn bão số 7. Chính quyền các phường xã đã lên kế hoạch, cắt cử cán bộ đến từng khu vực kêu gọi mọi người chủ động phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại nếu bão đổ bộ.

Kinh nghiệm từ bão số 6, mọi thông tin về cơn bão Cimaron đang được theo dõi sát sao để khi cần sẽ triển khai phương án di tản dân đến vùng an toàn một cách khẩn trương, dứt khoát.

Theo UBND tỉnh TT- Huế, số hộ dân cần di dời có thể còn lớn hơn trong bão số 6, dự kiến hơn 12.500 hộ, do nhiều nhà dân bị sập và tốc mái hiện vẫn chưa thể khắc phục xong.

Các vùng thấp trũng, sạt lở, cư dân vạn đò, ven biển, đầm phá như Thuận An, Phú Diên, Phú Thuận, Hải Dương, Vinh Hiền, Lăng Cô, Chân Mây, Lộc Thủy... đang được xác định là địa bàn xung yếu cần được đặc biệt chú ý, để tránh xảy ra tổn thất lớn về người.

UBND tỉnh TT-Huế đã phân bổ xong 60 bộ nhà bạt, 1.500 phao và áo cứu sinh, 50 bộ phao bè các loại... về cho các địa phương.

Cty Lương thực Bình Trị Thiên và các HTX mua bán trên địa bàn đã dự trữ 300 tấn gạo, 30 tấn mì tôm. Các huyện tiếp nhận xong 25 tấn gạo dự phòng cứu đói khi xảy ra bão.

Đến 16h chiều 30/10, thông tin từ UBND huyện Phú Vang cho biết, vẫn còn 1 tàu đánh cá chở gần 10 ngư dân xã Phú Hải chưa thể trở về đất liền.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chủ động di dời dân, tránh bão an toàn

TP - Tại công điện khẩn hôm qua (30/10), Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các Bộ (NN&PTNT, CN, TN&MT, CA…), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BCĐ PCLB Trung ương, UBQG TKCN… triển khai ngay các phương án đối phó cơn bão số 7 (Cimaron).

Công điện yêu cầu các đơn vị trên nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; đồng thời thông báo và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến của bão, có công hàm gửi các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện giúp đỡ các tàu thuyền và ngư dân ta tạm tránh, trú bão.

Đối với các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa: Phải chuẩn bị tốt nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khi bão xảy ra; có ngay phương án chủ động di dời, sơ tán dân ra khơi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão và những nơi có khả năng ngập sâu, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn…

Theo báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương, đến hết 30/10, các địa phương đã nắm vị trí hoạt động và sử dụng máy ICOM thông báo cho 11.225 phương tiện với hơn 96.000 ngư dân thuộc các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận biết vị trí cơn bão để chủ động phòng, tránh.

MỚI - NÓNG