Miền Trung lại ngập chìm trong mưa lũ

Miền Trung lại ngập chìm trong mưa lũ
TP - Nước lũ dâng nhanh ngay sau cơn lốc lớn tại nhiều xã của TT- Huế đã khiến cho hàng trăm gia đình lâm cảnh khốn đốn, nhiều người may mắn thoát nạn nhưng không còn nhà cửa để ở.
Miền Trung lại ngập chìm trong mưa lũ ảnh 1
Nước lũ dâng nhanh tại nhiều xã của tỉnh Thừa Thiên- Huế

Trong khi nhiều vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà vẫn còn ngập nặng do cơn lụt giữa tháng 10 gây ra, thì từ đêm 30 và ngày 31/10, TT-Huế lại gánh chịu thêm một trận lũ  lớn.

Nước lũ dâng nhanh ngay sau cơn lốc lớn tại nhiều xã đã khiến cho hàng trăm gia đình lâm cảnh khốn đốn, nhiều người may mắn thoát nạn nhưng không còn nhà cửa để ở.

Khi chúng tôi có mặt tại vùng lũ Quảng Thành (huyện Quảng Điền), 100% nhà cửa xã này đều bị ngập sâu trong lũ. Trước đó chưa đầy nửa tháng, trận lụt giữa tháng 10 đã nhấn chìm hàng chục héc ta rau màu của nông dân Quảng Thành (đây là vùng chuyên canh rau sạch lớn nhất tỉnh -PV), gây thiệt hại hơn nửa tỷ đồng.

Chưa kịp gượng dậy, trận lụt kèm theo lốc lớn xảy ra từ đêm 30/10 đã làm cho đời sống người dân thêm khốn đốn. Đây là địa phương có nhà cửa bị hủy hoại nhiều nhất trong cơn lốc chiều tối 30/10, với 64 căn nhà bị hư hỏng nặng.

Nhiều ngôi nhà bị gió lốc thổi bay mái, mang đi xa hàng trăm mét, chìm nghỉm trong nước lũ, người dân chưa thể tìm lại để tạm khôi phục nơi ở.

Không riêng gì Quảng Thành, chỉ sau một đêm gió lốc và lũ lớn, tỉnh TT-Huế đã có 176 ngôi nhà, 4 phòng học bị hư hỏng nặng, 2 người chết, 1 người bị mất tích, 26 người bị thương…

Đến chiều 31/10, do nước lũ rút xuống chậm nên vẫn còn trên 40 phường, xã, gần 20 tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, nội thị bị ngập sâu trong nước lũ. Gần 2.000 hộ dân (7.576 nhân khẩu) đi sơ tán từ sáng sớm 31/10 vẫn chưa trở về nhà.

Được biết, từ trận lụt này trở đi, UBND tỉnh TT-Huế cho phép tất cả học sinh chủ động nghỉ học mỗi khi mức nước lũ ở các sông vượt trên báo động 3 mà không cần phải đợi có thông báo của ngành giáo dục như mọi khi.

Ghi từ đỉnh lũ Quảng Nam

Lũ ập về Quảng Nam vào đêm 30/10, lên rất nhanh nên người dân hầu như không kịp trở tay, mất mát nhiều tài sản. Đến chiều tối ngày 31/10, thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc – Quảng Nam) vẫn bị cô lập vì bị lũ cắt ngang nhiều tuyến đường dài nhiều cây số. Đỉnh lũ sông Vu Gia đo được đến 16 giờ cùng ngày là 9,7 mét, chỉ còn thiếu 0,9 m nữa là đạt mức báo động 3.

Theo UBND huyện Đại Lộc, tuy không có nhà bị cuốn trôi, nhưng có tới gần 9.700 ngôi nhà bị ngập từ 1m. Toàn bộ các trường trong huyện đã cho học sinh nghỉ học.

2 em học sinh cấp 3 trường Đỗ Đăng Tuyển (xã Đại Phong) là Nguyễn Thị Bích Thuận và Lê Thị Sơn Trang (cùng SN 1990) đi học về đến nhà bạn dự sinh nhật, bị nước xiết cuốn chưa tìm được xác từ tối 30/10.   

Tiếp tục đi theo tuyến đường Hội An - Vĩnh Điện, Vĩnh Điện - Ái Nghĩa nhưng cũng bị kẹt vì nước ngập sâu, CSGT đã phải chặn đường không cho lưu thông đề phòng nguy hiểm.       

Thông tin ban đầu của tỉnh Quảng Nam cho biết: Đã có hơn 60 xã, phường với nhiều ngàn hộ dân bị ngập sâu từ 1-2m. Lũ quét đã xảy ra tại nhiều huyện miền núi, gây sạt lở nhiều điểm; nhiều địa phương đã bị cô lập như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, thị xã Hội An, Đại Lộc, Tây Giang, Đông Giang.

Thông  tin liên lạc lên huyện Phước Sơn không thực hiện được vì tuyến cáp quang đã bị đứt. Mất điện tại Nam và Bắc Trà My đến nay chưa khắc phục được.

Điều được xem là hiếm tại Quảng Nam lâu nay, là từ 3-5 giờ sáng 31/10,  giông sét mạnh đã xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại đáng kể, làm hệ thống dịch vụ hạ tầng và nhiều bộ khuếch đại tín hiệu của trung tâm truyền hình cáp Quảng Nam bị cháy trụi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Tính đến chiều 31/10, Quảng Nam đã có 2 người chết và 4 mất tích. Ngoài 2 học sinh mất tích ở xã Đại Phong, còn 2 trường hợp mất tích là chị Hồ Thị Ngà (31 tuổi) và chị Hồ Thị Đức  (29 tuổi), cùng trú thôn Tư A, Phước Thành, Phước Sơn, đi làm rẫy bị lũ cuốn trôi lúc 11 giờ ngày 30/10, chưa tìm thấy xác.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Sâm, (49 tuổi), thôn Dương Lâm, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, bị lũ cuốn trôi khi qua suối Sụn ngày 30/10. Và cháu Nguyễn Đăng Mẫn (3 tuổi), trú thôn Triều Châu,  Duy Sơn, Duy Xuyên, do chạy tìm mẹ đang dắt trâu tránh lũ, bị ngã xuống nước, chết đêm 30/10.     

Quảng Bình: 2.000 ngôi nhà bị ngập

Miền Trung lại ngập chìm trong mưa lũ ảnh 2
Người dân vùng lũ Quảng Nam vẫn phải liều lĩnh đi lại như thế này

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở Quảng Bình có mưa to trên diện rộng. Lượng mưa đo được phổ biến từ 200 - trên 300mm. Sông Kiến Giang (Lệ Thủy) lúc 14 giờ (31/10/2007) mực nước lên đến 2,74m, trên báo động 3. Hiện tại 5 xã vùng giữa của huyện này đã có 2.000 nhà dân bị ngập từ  0,5 - trên 1 m.

Ngay tại thôn Bình Minh (Dương Thủy) một cơn lốc xoáy bất ngờ tràn qua bốc tung 8 mái nhà của người dân nơi đây. Còn tại thôn Nghinh Lộc (Hoa Thủy) một bé trai 2 tuổi là Nguyễn Văn Hưng rơi xuống nước và chết đuối.

Theo ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện thì ngay chiều 31/10 huyện đã có công điện chỉ đạo cho học sinh tất cả các trường trên địa bàn nghỉ học.

Huyện cũng yêu cầu các trường có phương án đưa học sinh về nhà an toàn hoặc tổ chức cho học sinh nghỉ lại chờ nước rút. Chính quyền các xã có ngầm khe suối chảy xiết cắt cử người thường xuyên túc trực.

Hiện tại, các tuyến đường liên thôn liên xã bị nước ngập chia cắt hoàn toàn. Đây là trận ngập lụt thứ 3 chỉ trong vòng 1 tháng tại huyện lúa này. Theo dự báo thì nước đang lên đến đỉnh và có dấu hiệu rút dần. 

Quảng Ngãi: Nhiều tuyến đường miền núi liên tục bị sạt lở

6 huyện miền núi do liên tục có mưa lớn nên bị sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường liên xã. Nhiều tuyến tỉnh lộ đi các huyện miền núi bị xói lở, bong nhựa đường nhiều đoạn, tạo ra những ổ gà. Trong ngày 31/10, các huyện đã chỉ đạo các xã vận động đồng bào khắc phục.

Trên các đường liên huyện, Cty Quản lý công trình giao thông tỉnh đã cho phương tiện san ủi thông tuyến và san lấp những điểm xói lở. Hệ thống điện thắp sáng 6/9 xã của Tây Trà cũng đã khôi phục xong.

Sáng 31/10, một số ngư dân ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), đã phát hiện thi thể anh Lê Văn Quang, cán bộ thủy nông của Cty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 29/10 (TP đã đưa tin). Anh Quang được đưa về nhà để an táng.     

Quảng Trị: 5 người chết, bị thương

Từ 11 giờ đêm 30/10 đến 3 giờ sáng ngày 31/10, trên địa bàn Quảng Trị có mưa to và nhiều cơn lốc xoáy lớn làm 130 ngôi nhà tốc mái. Tại huyện Triệu Phong lốc xoáy đi qua xã Triệu Long, Triệu Hòa làm 82 nhà tốc mái, 2 người ở xã Triệu Hòa bị thương.

Ở huyện Hải Lăng lốc đi qua các xã Hải Thiện, Hải Hòa, Hải Phú làm 49 nhà tốc mái và 2 người ở xã Hải Hòa bị thương.

Lũ lớn ở huyện Đakrông đã làm ông Trần Long, 39 tuổi, ở thôn Na Nậm, xã Triệu Nguyên bị chết vào trưa 30/10 khi cứu hai học sinh bị rơi xuống suối trên đường đi học về. 

 Mưa lũ cũng làm cho hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong bị ngập nặng, hàng ngàn nhà dân lần thứ 3 trong tháng bị ngập từ 0,3 đến 0,8 m. 

MỚI - NÓNG