Miền Trung: Mưa lớn, tám người chết và bị thương

Miền Trung: Mưa lớn, tám người chết và bị thương
TP - Mưa lớn do áp thấp nhiệt đới liên tục những ngày qua khiến các tỉnh thành miền Trung bị thiệt hại nặng về tài sản, khiến tám người chết và bị thương.

>> Miền Trung thiệt hại nặng do mưa to

Miền Trung: Mưa lớn, tám người chết và bị thương ảnh 1
Ngập lớn gây đảo lộn sinh hoạt, giao thông tại Đà Nẵng  - Ảnh: Nguyễn Huy

Ghi nhận từ Ban Chỉ huy PCLB TT-Huế, toàn tỉnh có hai người bị thiệt mạng do lũ là Nguyễn Văn Rin (gần hai tuổi), trú thôn Triều Sơn Đông, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà) và cụ ông Phan Cảnh Sử (76 tuổi, trú xã Quảng An, huyện Quảng Điền). Xác hai nạn nhân đã được tìm thấy hôm qua.

Trong ngày 5/9, hơn 10.000 học sinh tại TT-Huế không thể đến trường dự khai giảng năm học mới theo kế hoạch. UBND tỉnh và ngành giáo dục các địa phương quyết định dời ngày khai giảng vào thứ Hai tuần sau, do lo ngại mưa lũ gây nguy hiểm tính mạng học sinh tựu trường.

Chiều 4/9, UBND Quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cũng xác nhận em Cao Văn Vinh (16 tuổi, phường Hòa Phát) - học sinh lớp 10 của trường THPT Nguyễn Công Trứ (Đà Nẵng) thiệt mạng do sẩy chân rơi xuống hố trong lúc lội nước ngập.

Tại Tịnh Hòa, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã có năm trường hợp bị thương nặng do sét đánh, ba nhà bị sập, 73 nhà ở huyện Minh Long (Quảng Ngãi) bị tốc mái, bốn tàu bị chìm và mất tích, một ca bin bị chìm cùng hàng nghìn hécta lúa, hoa màu bị ngập úng, gây thiệt hại nặng.

Chiều 5/9, nhiều tuyến giao thông đường bộ tại huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền (TT - Huế) vẫn còn ách tắc do lũ rút chậm. Các sự cố vỡ đập, sạt lở công trình thủy lợi tại Phong Hiền, Phong Xuân, Điền Hải, Nam Đông vẫn chưa khắc phục xong.

Chín điểm sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 14 từ Quốc lộ 1A đi Nam Đông cơ bản được khắc phục, bảo đảm thông tuyến từ đồng bằng với huyện miền núi này.

Miền Trung: Mưa lớn, tám người chết và bị thương ảnh 2

Nông dân vũng trũng Thủy Dương (huyện Hương Thủy, TT - Huế) tìm mọi cách hong lúa ngập lũ chiều 5/9 - Ảnh: Ngọc Văn

Tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, thành phố Huế, hàng nghìn nông dân bất chấp lũ lớn nguy hiểm, tranh thủ lúc mưa ngớt tìm cách xuống đồng gặt lúa và hong sấy số thóc tấn đã gặt đập nhưng bị kẹt lũ không tìm được chỗ phơi. Đến chiều 5/9, hơn 1.000 ha lúa chín rộ còn ngập trong lũ, nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Tỉnh Quảng Trị cũng có 4.301 ha lúa, 800 ha rau màu bị ngập; hai công tại xã Hải Hòa và hai đoạn đê ở xã Hải Chánh bị vỡ.

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam cũng xảy ra thêm một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản do mưa lớn. Trong đó, hơn 1.400 ha lúa Quảng Nam bị ngập úng. Trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 1.100 ha lúa, hoa màu bị ngập và hơn 60 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Theo ông Lê Minh Nhật – Phó Giám đốc Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tính đến sáng qua, lượng mưa tại các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã giảm đáng kể. Tổng lượng mưa phổ biến từ 30-80mm, một số nơi trên 80mm như Trà Khúc (Quảng Ngãi) 88mm, An Chỉ (Quảng Ngãi) 103mm, Ái Nghĩa (Quảng Nam) 96mm, Hội An (Quảng Nam) 81mm.

Lũ trên các sông trong khu vực hầu hết đã ở dưới mức báo động 1, chỉ có hai sông có mức lũ dưới báo động 2 là sông Bồ tại Phú Ốc (2,89m, dưới báo động 2 là 0,11m) và sông Hương tại Kim Long (1,17m, dưới báo động 2 là 0,33m)...

Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, hiện các địa phương từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa còn trên 6.000 tàu đánh cá của ngư dân với gần 39.000 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có nhiều tàu thuyền vẫn đang trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.