Miền Trung mưa to, xả lũ phải đảm bảo an toàn cho hạ du

Tàu thuyền của ngư dân Vũng Tàu bị bão quật tan tành. ảnh: Ngô Tùng
Tàu thuyền của ngư dân Vũng Tàu bị bão quật tan tành. ảnh: Ngô Tùng
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 26/11, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9, các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Cùng đó, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông cũng gây mưa vừa đến mưa rất to từ đêm 26/11 đến đêm 27/11 tại Khánh Hòa (40-70mm/ngày); Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-120mm/ngày); Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-150mm/ngày).

Từ nay đến 28/11, các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa xuất hiện đợt lũ mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, các sông nhỏ lên trên BĐ3.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bắc Phú Yên nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị. Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, bão số 9 đã làm 1 người tử vong (TP HCM) do cây đổ; sập đổ hư hỏng trên 50 nhà; đánh chìm, hư hỏng 46 thuyền, gần 100 lòng bè nuôi trồng thủy sản bị chìm chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đến nay mưa lũ do bão cũng làm ngập 720 ha lúa, 380 ha hoa màu, trong đó nặng nhất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp ở miền Trung, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Cùng đó, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Hoài cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở hạ du các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. “Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h tại các hồ xung yếu; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó, tính toán phương án điều tiết phù hợp với tình hình thực tế”- ông Hoài nói.

l Trao đổi với Tiền Phong về tai nạn cây xanh ngã đè chết người tại TP HCM do ảnh hưởng của bão số 9 vào ngày 25/11, Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo luật sư Đức, hiện nay hầu hết cây xanh trên địa bàn TPHCM được giao về cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM chăm sóc, quản lý. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức nào bị thiệt hại do cây xanh ngã đổ thì có thể khởi kiện công ty này để yêu cầu bồi thường. “Điều 604 BLDS có quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”, luật sư Đức nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Đức, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù có thiệt hại xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 584 BLDS cũng có quy định, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.