Miền Trung thiệt hại nặng do mưa to

Miền Trung thiệt hại nặng do mưa to
TP - Đợt áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) những ngày qua (2 - 4/9) khiến nhiều tỉnh, thành miền Trung bị thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích hoa màu, đường sá bị ngập nặng, tàu thuyền bị nhấn chìm.

Theo báo cáo của văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng ATNĐ gây mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 200 – 250mm, nhiều địa bàn ở phía nam tỉnh có lượng mưa rất lớn như Hải Sơn (Hải Lăng - gần 500mm), Hải Tân (hơn 500mm).

Đặc biệt, mưa trong vòng chục tiếng đồng hồ kéo dài đến trưa hôm qua khiến địa bàn các huyện miền núi và đồng bằng phía nam tỉnh xảy ra đợt mưa với cường suất đặc biệt lớn.

Mực nước sông Ô Lâu – Thác Ma đang dâng cao rất nhanh, cường suất lớn nhất trong một giờ (7 - 8 giờ ngày 4/9).

Lúc 9 giờ sáng qua mực nước trên sông Ô Lâu đang ở mức trên báo động 2, mực nước trên các sông khác hiện đang ở mức dưới báo động 1.

Ông Lê Đa Sơn – chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ huy cho biết, nhiều đoạn đê bao trên địa bàn huyện Hải Lăng, như tại xã Hải Thọ, Hải Thanh,... nước tràn qua từ 0,2 - 0,5m với chiều dài 2.000m.

Tại xã Hải Trường, nước tràn qua đập Biền Quan 0,5m, đặc biệt tại xã Hải Hòa bị vỡ hai cống, tại xã Hải Chánh bị vỡ hai đoạn đê (đê Ông Vây và đê Nhà Ngói). Đồng thời hơn 2.200 ha (chiếm gần 35 phần trăm diện tích gieo cấy nông nghiệp) bị ngập lụt hoàn toàn khi đang vào vụ thu hoạch.

T.T - Huế: Lũ lên nhanh

Hàng nghìn tàu thuyền vẫn đang hoạt động trên biển

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên, vẫn còn hàng nghìn tàu thuyền và lao động đang hoạt động trên biển, chưa tìm nơi trú tránh an toàn.

Tính đến trưa qua, Đà Nẵng còn 210 tàu với hơn 1.400 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có ba tàu với 77 lao động đang hoạt động ở vùng biển Trường Sa.

Tại Phú Yên, khu vực từ 12độ N trở xuống phía Nam có 120 tàu với hơn 1.100 lao động, khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có 112 tàu với 464 lao động.

Bình Định có hơn 9.200 tàu đang hoạt động trên biển. Quảng Ngãi có hơn 1.100 tàu với gần 9.400 lao động hoạt động trên biển đang tìm nơi trú tránh.

Tại Quảng Nam có 97 tàu với gần 1.800 lao động hoạt động trên biển. Hiện vẫn chưa liên lạc được với các tàu khu vực 13 – 16 độN (67 tàu với hơn 1.600 lao động).

Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh T.T - Huế cho biết, đến cuối giờ chiều hôm qua, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh. Trên sông Hương tại Kim Long lên mức 3,5m, trên báo động 3 là 0,5m, trên sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 3,5m, trên báo động 2 là 0,5m.

Mực nước trên sông Ô Lâu tại Phong Bình có khả năng lên trên báo động 3 là 0,46m (1,64m). Trong khi đó, lượng mưa tại các trạm đo Kim Long, Thượng Nhật trên sông Tả Trạch, Khe Tre (Nam Đông), Phong Mỹ trên sông Ô Lâu đang ở mức cao, tình hình mưa to đến rất to vẫn diễn ra trên diện rộng.

Theo ông Hồ Đăng Vang – phó trưởng ban, ngành chức năng kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức neo đậu an toàn, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi.

Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, đến sáng qua còn năm phương tiện với 31 lao động của xã Vinh Thanh (Phú Vang) chưa vào bờ.

Hiện hơn 2.600 diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch đang đứng trước nguy cơ bị ngập úng cao. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 ha bị nhấn chìm không thể thu hoạch.

Đà Nẵng: Sập nhà, đường thành sông, nhiều bè cá bị cuốn trôi

Miền Trung thiệt hại nặng do mưa to ảnh 1
Ngôi nhà bà Lương bị đổ sáng qua khi đang thi công do mưa lớn

Do ảnh hưởng bởi trận mưa liên tục, kéo dài ngay thời điểm đang thi công, khoảng 9 giờ sáng qua, căn nhà của bà Lương (237 Huỳnh Ngọc Huệ - quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã bị đổ sập trong khi đang tiến hành đổ bê tông trần tầng hai, khiến một người bị thương nặng.

Theo bà Lương, mưa làm hệ thống giàn giáo đỡ bị ảnh hưởng nên không chịu được sức nặng của việc đơn vị thi công đổ bê tông, nên kéo đổ cả hệ thống cốt thép...

Lượng mưa lớn khiến hàng loạt tuyến đường chính trên địa bàn thành phố đều bị ngập nặng, như đường Nguyễn Văn Linh, Quang Trung, Nguyễn Lương Bằng... với mức ngập phổ biến hơn 0,5m, thậm chí có nơi ngập gần 1m gây ách tắc giao thông.

Tại quận Cẩm Lệ, một đoạn dài trên quốc lộ 14B bị ngập nặng gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền, đến 8 giờ ngày 4/9 nước rút dần thì giao thông mới trở lại bình thường. 200 hộ dân thuộc xã Hòa Thọ Đồng và Hòa Phát nước ngập đến 70cm.

Trung tá Trần Ngọc Hữu – Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Biên phòng TP Đà Nẵng cho hay, tính đến ngày qua, nước sông từ thượng nguồn tiếp tục đổ về mạnh do mưa to, làm nhiều bè cá nuôi của các hộ dân khu vực phía Nam sông cầu Cẩm Lệ bị đứt dây, trôi dạt, lực lượng biên phòng phải huy động hai xuồng cao tốc, một tổ công tác và hơn chục cán bộ chiến sĩ mới kịp thời tìm kiếm, cứu kéo về neo giữ an toàn.

Quảng Nam: Đường sạt lở, hoa màu ngập úng

Lượng mưa phổ biến tại Quảng Nam từ 150 – 300mm. Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó trưởng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, thông báo, gần 1.500 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng. Nặng nhất là huyện Thăng Bình (600ha), Phú Ninh (400 ha), Tam Kỳ (200ha)...

Đặc biệt, một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Cầu Vũng Chè trên tuyến đường 611 (huyện Quế Sơn) đang thi công bị nước lũ cuốn trôi đường tránh, làm gián đoạn giao thông từ huyện Quế Sơn xuống Hương An.

Ngoài ra, do mưa quá lớn, một số tuyến đường nội thị TP Tam Kỳ bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Quảng Ngãi: Hai tàu chìm, hai người mất tích

Do ảnh hưởng ATNĐ, một số tàu thuyền của ngư dân ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã cho phương tiện chạy lên cửa Sa Cần trú ATNĐ.

Trên đường đến khu vực đê chắn sóng – cảng Dung Quất, tàu QNg 55318 TS do ông Ao Xuân Tiến chủ tàu (SN 1967) bị sóng đánh chìm. Trên tàu còn có thuyền viên Ao Xuân Viễn (SN 1988). Cả hai được cứu kịp thời.

Cùng thời gian này, tàu QNG 50791 TS do ông Trịnh Thanh Đào (SN 1958) làm chủ tàu, cùng đi có Võ Trường Thành (SN 1972), ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải đang trên đường đến cửa Sa Cần trú bão cũng bị sóng cuốn trôi. Đến 16 giờ chiều ngày 4/9 vẫn chưa liên lạc được.

Ngoài ra, tàu QNg 95140TS của ông Võ Hải bị hỏng được tàu QNg 95139TS của ông Phạm Trung Kiên, tàu QNg 95538 TS của ông Trương Tây và năm phương tiện khác ở xã Bình Châu (Bình Sơn) kéo về, hiện cách đảo Hoàng Sa hơn 200 hải lý về hướng Đông Bắc, dự kiến một hai ngày tới sẽ về đến Sa Kỳ.

Xã Bình Hải, huyện Bình Sơn có 270 tàu thuyền. Hiện còn 64 tàu thuyền đang neo đậu tại bãi ngang ven biển của xã, nguy cơ bị sóng đánh chìm rất lớn nếu xảy ra gió bão mạnh. Lực lượng biên phòng đang vận động bà con ngư dân đưa tất cả số tàu thuyền này đến cửa Sa Cần trú bão.

Cũng sáng 4/9, một cơn dông sét kèm theo gió lốc đi ngang qua xóm Bàu, thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh làm tốc mái và hư hỏng ba căn nhà dân. Trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Xí có năm người phần lớn là trẻ em bị thương nhẹ, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh chăm sóc.

Mưa lớn, nhiều trường học đóng cửa

Miền Trung thiệt hại nặng do mưa to ảnh 2
Ô tô cũng chào thua
Sáng qua, nhiều trường học trên địa bàn phải đóng cửa vì mưa to biến nhiều đường thành sông.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, hai ngày qua, mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng như Lê Duẩn, Phan Thanh, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Yên Bái, Hải Phòng biến thành sông. Nhiều đoạn đường nước ngập lên tới gần một mét.

Xe cộ chết máy hàng loạt khi cố gắng lưu thông trên các tuyến đường này. Không ít khu dân cư ở những vùng trũng bị ngập nước nhiều giờ liền.

Đến sáng 4/9, nước tại các tuyến đường vẫn còn ngập úng. Tuyến đường Phan Thanh do hệ thống thoát nước xuống cấp nên đến 9 giờ sáng nước vẫn chưa rút, dù trời đã ngừng mưa.

Khu vực chợ Cồn, nước ngập sâu gần nửa mét khiến việc buôn bán ở đây bị ngưng trệ. Khu vực dân cư tổ 15, 16, 17 phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) nước mưa ứ đọng khiến nhiều nhà dân và khu phòng trọ ngập nước từ 1 giờ sáng.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.