Miền Trung trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Miền Trung trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát
TP - Hàng nghìn hộ dân các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đang tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu thốn lương thực và nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau những ngày bão lụt hoành hành.
Miền Trung trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát ảnh 1
Bùn đất, rác rưởi ứ đọng sau bão lũ dễ trở thành nguồn bệnh đối với người dân tại các xã huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Ảnh: Nam Cường

Đến 6/10, đường vào các xã Đại Hiệp, Đại An, Đại Cường, Đại Hoà... của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn ngập ngụa trong bụi và bùn đất. Mùi hôi bốc lên từ những ruộng lúa, ruộng màu bị ngập trong những ngày bão lũ xộc vào các khu dân cư.

Hầu hết các thôn, xóm trong xã Đại An, bùn non ứ đọng dày cả nửa mét trên những con đường liên thôn, cuộc sống sinh hoạt, giao thông của người dân hết sức khó khăn. Hệ thống nước sạch chưa đáp ứng trở lại, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng, trong khi các khu vực này bị bùn đất bám đầy, nước không khỏi bị ô nhiễm.

Thống kê chưa đầy đủ tại 6 huyện vùng đông của tỉnh Quảng Nam cho thấy nhiều bệnh dịch đã bùng phát; hiện đã có hơn 4 ngàn người bị cảm cúm, 330 ca tiêu chảy, hơn 1 ngàn ca mắt đỏ, 10 ngàn ca nước ăn chân.

Tại Duy Xuyên, có 2 trường hợp nghi sốt xuất huyết, đang được theo dõi. Trong khi đó, tại trường Dân tộc nội trú huyện Nam Giang, có 10 học sinh bị nghi là nhiễm cúm A/H1N1, đang được cách ly điều trị.   

Y sĩ Lê Tấn Mười, Phó trưởng trạm y tế xã Đại An cho biết: Những ngày qua, lực lượng y tế trạm tăng cường xuống các thôn xóm, tuyên truyền người dân nêu cao ý thức phòng chống dịch những ngày sau bão lũ, cung cấp các hóa chất, phèn chua để khử trùng tại các khu vệ sinh, giếng nước, nhưng không xuể vì hầu hết các hộ dân đang trong tình trạng bùn ứ đọng nặng.

Theo ông Mười, bùn non và nguồn nước giếng ô nhiễm đang tiềm ẩn mầm bệnh tiêu chảy, bệnh mắt đỏ cùng các bệnh về tiêu hóa. Hiện đã có gần 30 người bị mắc bệnh trong và sau những ngày bão lũ, trong khi trạm y tế xã nhân lực ít, cơ sở bị thiệt hại do bão lũ.

Tại xã Đại Cường, người dân vẫn đang đối mặt với nước lũ ứ đọng, cộng với rác thải từ thượng nguồn đổ về, thậm chí cả xác súc vật chết, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng trên các lưu vực sông. Theo trạm y tế xã Đại Cường, nếu tình trạng kéo dài, dễ phát sinh các loại bọ gậy, ruồi muỗi, các dịch bệnh tiêu chảy, ghẻ lở, cảm sốt.

Ông Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi  phía Bắc Quảng Nam (Đại Lộc,  Quảng Nam) cho biết: Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho 400 - 500 bệnh nhân, có chiều hướng gia tăng so với những ngày trước lụt bão.

Đặc biệt, tình trạng bệnh lý các bệnh nhân thường nặng hơn, tập trung vào các chấn thương nặng đến nghiêm trọng do bão lũ gây ra, và các bệnh nấm kẽ chân, viêm chân, bệnh mắt đỏ, tiêu hóa... Chỉ riêng xã Đại Minh đã có khoảng 700 bệnh nhân bị mắc bệnh viêm nhiễm tay chân.

“Do các hộ dân còn đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt tại gia đình nên số lượng đến khám, chữa bệnh chưa gia tăng đột biến. Tuy nhiên, tình trạng bùn đất, nước ứ đọng, bụi bặm khiến các bệnh về mắt, tiêu hóa có nguy cơ tăng cao trong những ngày tới” - Ông Mười nhận định.

Miền Trung trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát ảnh 2
Nước giếng sau lũ không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Nguyễn Huy 

Tăng cường phòng, dập dịch

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, bão lũ đã làm gần 73.000 giếng nước của các hộ dân bị ngập, ứ đọng bùn đất, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên...

Chưa đầy một tuần sau bão lũ, số người mắc bệnh đã tăng lên hơn 30.000 người, trong đó, bệnh tiêu chảy 335, ca bệnh mắt đỏ hơn 1.300 ca, khoảng 23.000 người bị nước ăn chân, cùng gần 4.200 người dân bị cảm cúm...

Ông Võ Quang Lợi – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngay sau những ngày bão lũ, lực lượng cán bộ, bác sĩ tại trung tâm kịp thời chuyển phát 84 cơ số thuốc phân bổ trực tiếp xuống các tuyến huyện và các cơ sở y tế. Hiện việc khử trùng nguồn nước đạt 60 phần trăm khối lượng cần thiết.

“Do sức đề kháng của người dân giảm vì phải chống chọi với bão lũ nên việc lây nhiễm cúm A/H1N1 rất có thể sẽ tăng nhanh. Cùng với đó, việc phát sinh ruồi muỗi tại các điểm ngập úng, ô nhiễm, sẽ khiến số người bị sốt xuất huyết gia tăng, đáng chú ý nhất là tại các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, TP Hội An, vốn là những ổ dịch về sốt xuất huyết trước đây” - Ông Lợi nhận định. 

MỚI - NÓNG