Miền Trung ứng phó Bão số 5: Lên phương án sơ tán nửa triệu người

Tàu thuyền neo đậu, trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành
Tàu thuyền neo đậu, trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ngày 16/9, tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 khả năng đổ bộ vào miền Trung (trọng tâm là từ Quảng Bình đến Đà Nẵng) chiều 18/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương lên phương án sơ tán hơn nửa triệu người trong vùng ảnh hưởng của bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 15/9, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão- cơn bão số 5 (tên quốc tế là Noul). Đến 16 giờ ngày 16/9, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía Đông Nam, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó có khả năng mạnh thêm.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão số 5 có xu hướng di chuyển lệch về phía Tây. Khi di chuyển vào gần bờ, tâm bão tuy ở phía ngoài nhưng mưa, gió của bão đã ảnh hưởng vào phía trong.

Dự báo, khả năng trưa và chiều 18/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền của khu vực Trung Trung Bộ (Hà Tĩnh - Quảng Ngãi), trọng tâm là khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Khi đổ bộ vào bờ bão số 5 có thể đạt cường độ cấp 11 - 12, giật cấp 13. Mức độ rủi ro do bão đạt cấp độ 4 (thuộc cấp độ rủi ro thiên tai Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó).

Theo ông Khiêm, bão sẽ gây mưa lớn, tập trung ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Từ chiều 17/9 đến đêm 18/9, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa 50-150 mm/đợt. Nguy cơ lũ quét sạt lở đất và ngập úng đô thị rất cao.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ cũng cho biết, công tác lên phương án ứng phó đang được khần trương thực hiện. Trong đó, các phương tiện hiện đại như máy bay, lực lượng quân sự cũng được huy động để sẵn sàng ứng phó với bão số 5.

Theo chuyên gia, thời điểm bão đổ bộ vào đất liền đúng lúc thủy triều cao nhất trong ngày, nên đây là yếu tố có thể gây sự tàn phá lớn. Ngoài tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu cũng nằm trong diện nguy cơ cao. Một số hồ chứa ở Thanh Hóa và Nghệ An đã tích nước ở mức cao, cần kiểm tra, theo dõi sát sao để có phương án đảm bảo an toàn.

Theo dự kiến, với bão mạnh cấp 10, giật cấp 13, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã xây dựng phương án sơ tán trên 107.000 hộ với hơn nửa triệu dân. Các địa phương, tuỳ tình hình thực tế có thể chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đặc biệt có thể là phải kích hoạt tin nhắn cảnh báo cho các thuê bao trong vùng người dân bị ảnh hưởng.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bão số 5 có cường độ rất mạnh với mức rủi ro lên tới mức cao nhất (cấp 4), nên không được chủ quan, nếu chủ quan sẽ gây thiệt hại nặng nề như cơn bão số 12 ở Khánh Hòa trước đó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.