Miền Trung vật lộn trong mưa lũ

Miền Trung vật lộn trong mưa lũ
TP - Đã có ít nhất 8 người chết và mất tích do mưa lũ, hàng chục ngàn ngôi nhà ngập lụt, giao thông tê liệt…

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại miền Trung
> Ngập lụt nặng khắp miền Trung

Quảng Bình: 4 người chết và mất tích

Đó là thống kê của Ban chỉ huy PCLB và TKCN Quảng Bình, tính đến 16 giờ chiều 17-10; 8 người khác bị thương, gần 50.000 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, hơn 32.000 ngôi bị ngập sâu trên 1m và nhiều nhà bị tốc mái. Đã có hơn 12.000 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Nước lũ cũng đã làm mất trắng hơn 10.000 ha hoa màu, gần 400 ha nuôi trồng thủy sản và nhiều vật nuôi bị chết. Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt, sạt lở gây ách tắc giao thông…

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã cử các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo nhân dân chủ động đối phó với lũ lụt. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công thương, Cty Cổ phần lương thực Bình Trị Thiên chuẩn bị một cơ số mì tôm lương thực, nước uống để cứu trợ người dân vùng lũ khi có yêu cầu. Trong sáng 17-10, Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình xuất 500 thùng mì tôm để cứu trợ cho người dân ở vùng rốn lũ xã Tân Hóa (Minh Hóa).

Nước ngập tận mái nhà ở rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình)
Nước ngập tận mái nhà ở rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình).

Quảng Trị: 2 người chết, 14.000 nhà dân chìm trong lũ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCBL Quảng Trị chiều 17-10, đợt lũ này toàn tỉnh có hơn 14.000 ngôi nhà bị ngập sâu. Hai người bị lũ cuốn chết là chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, quê Quảng Bình) đi hái cà phê thuê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thì bị lũ cuốn trôi lúc 11 giờ ngày 16-10, xác đã tìm thấy lúc 14 giờ cùng ngày, và anh Trương Công Minh, 17 tuổi, ở xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng bị nước lũ cuốn trên đường về khi đi ứng cứu đập Miếu Bà, xác đã tìm thấy tối 16-10.

Ảnh: N.H
Ảnh: N.H.

Quảng Nam: Nhiều hộ dân sống trên nóc nhà

Xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) từ tối 16-10 nước lũ dâng nhanh gây ngập toàn bộ thôn 6 với 120 hộ, bị chia cắt 2 ngày nay. Nhiều nhà nước ngập cao phải dỡ mái ngói lên ở trên nóc nhà. Chiều 16-10, một học sinh lớp 9 (thôn 5) đi học về bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được cứu sống. Vào khoảng 1 giờ sáng 17-10, lũ quét tràn về làm đoạn đường ĐT 617 (thôn 10) sạt lở nặng, ách tắc giao thông.

Tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang… mưa lớn cũng gây ngập một số tuyến đường. Tại huyện Nông Sơn từ sáng qua có gần 30 ngôi nhà bị ngập. Nước lũ dâng cao gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Tuyến đường ĐT 611 Quế Lộc đi Quế Trung nước ngập từ 1- 2m, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn. Tại huyện Đại Lộc, nước sông Vu Gia, sông Côn đạt mức báo động 2. Tuyến đường ĐT 609 đi xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng bị ngập sâu trong nước, người dân phải đi đò với giá đắt đỏ. Riêng tại xã Đại Lãnh, có 15 hộ dân với 40 khẩu tại thôn Tân An chìm sâu trong nước từ 2 - 5 m trong suốt 3 ngày qua… Trưa cùng ngày, tại khu vực cầu ông Sẵn, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, chính quyền xã và người dân địa phương kịp thời cứu 3 người bị nước lũ cuốn trôi.

Đà Nẵng: Dân vùng dự án khốn đốn, một học sinh mất tích

Mưa lớn kéo dài cùng tình trạng “bao vây” của các dự án, khiến hàng chục hộ dân quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) bị ngập sâu 1 - 1,5m. Đến chiều qua, khu vực tổ 2, thôn Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) nhiều ngôi nhà trong cảnh ngập sâu. Theo các hộ dân, nước có màu đen sì, hôi thối từ hệ thống nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh chảy vào nên nguy cơ mắc các bệnh, ô nhiễm là rất lớn. Nhiều hộ dân cho rằng, nguyên nhân chính là bởi hàng loạt dự án Quan Nam - Thủy Tú, Golden Hills đang triển khai trên địa bàn đổ đất cát “vây làng”, lấp hệ thống kênh thoát nước.

Cùng ngày, BQL cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án cải tạo sông Phú Lộc phải đập hệ thống bê tông chắn ngang miệng cửa xả thoát nước (tổ 14, phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê) để đảm bảo lưu thông. Trước đó, tối 16-10, hai máy bơm được huy động tại tổ 14 để bơm nước ra sông Phú Lộc cứu úng các hộ dân này dù khu vực ngập chỉ cách sông vài mét và ngay sát cửa xả.

Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình cứu trợ vùng lũ Ảnh: HN
Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình cứu trợ vùng lũ Ảnh: HN.

Đáng chú ý, chiều 17-10, hai em Nguyễn Văn Quang và Hồ Quyền (lớp 5, trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh) đạp xe chở nhau đi học. Xe trượt bánh khiến Quang rớt xuống kênh, Quyền liền nhảy xuống cứu nhưng do kênh sâu, nước lớn cả 2 em đều bị dòng nước cuốn trôi. Ông Phan Thanh (một người dân ở tổ 100 phường Hòa Minh) nghe tiếng kêu cứu nhanh chóng nhảy xuống, cứu được em Quyền thoát chết. Tới 17 giờ chiều, thi thể em Quang vẫn chưa được tìm thấy.

TT- Huế: Hơn 10.000 nhà dân bị ngập, một người chết

Trong hai ngày 16 và 17-10, do mưa lũ gây chia cắt nhiều điểm, hơn 10 đoàn tàu lửa với trên 2.000 hành khách đã bị mắc kẹt tại các ga dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và TT-Huế. Theo đánh giá từ bộ phận chỉ huy chạy tàu ga Huế, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ăn uống đối với hành khách trên các đoàn tàu kẹt lũ được bảo đảm. Đến 15 giờ 30 chiều 17-10, giao thông đường sắt qua địa bàn TT- Huế mới bắt đầu thông tuyến.

Đến chiều 17-10, đoạn đường sắt qua Phò Trạch (Phong Điền, TT-Huế) vẫn còn ngập sâu trong lũ Ảnh: Ngọc Văn
Đến chiều 17-10, đoạn đường sắt qua Phò Trạch (Phong Điền, TT-Huế) vẫn còn ngập sâu trong lũ Ảnh: Ngọc Văn.

Tối cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, mưa lớn ở mức từ 300 - 600mm trong hơn 3 ngày qua kết hợp triều cường hạ du đã gây ngập hơn 10.100 ngôi nhà dân. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng là Quảng Điền với 3.425 nhà ngập, Phong Điền 1.240 nhà, TP Huế 2.820 nhà, thị xã Hương Thủy 1.806 nhà… Trước nguy cơ vỡ đập hồ Thọ Sơn, UBND huyện Hương Trà chỉ đạo di dời gần 100 dân xã Hương Hồ ra khỏi vùng nguy hiểm. Mưa lũ làm 1 người dân tử nạn (do lật ghe), 2 trường hợp khác bị thương nặng do té ngã khi di dời tránh lũ tại các huyện Phong Điền và Quảng Điền. Hàng trăm trường học trên địa bàn phải đóng cửa trong ngày 17-10.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".