Minsk - Ngang tàng và hoài niệm

Tác giả bài viết trên một cung đường núi
Tác giả bài viết trên một cung đường núi
TP - Minsk mang hình bóng một thời xe XHCN, với cái vẻ ngang tàng đồng hành với một thú chơi mạnh mẽ và đầy hoài niệm.
Tác giả bài viết trên một cung đường núi
Tác giả bài viết trên một cung đường núi. Ảnh: Hội Minsk Hà Nội

" Min khù khờ" - gã đồng rừng lầm lũi đã trở lại phố thị với cái vẻ ngang tàng, còn đồng hành với một thú chơi mạnh mẽ và đầy hoài niệm.

Một thời lầm lũi

Một thời, Minsk là niềm tự hào của những gia đình có người đi Liên Xô, một chiếc xe Minsk đáng giá bằng cả ngôi nhà. Xuất phát từ nhà máy Motovero thuộc thành phố Minsk, thủ đô của Belarus, Minsk đến Việt Nam và hòa nhập với hàng loạt dòng xe nam thời thượng thập niên 80 cho đến đầu những năm 90 như Simson, MZ, ETZ…

Dáng vẻ lầm lũi, bền bỉ - Minsk được gọi bằng một cái tên thân thuộc là Min khù khờ (gọi tắt là Min khơ). Thời thế rồi qua. Lạc hậu, thô kệch và bất tiện, Minsk dần bị đẩy về các vùng nông thôn, miền núi, cửa khẩu với đúng chức năng ưu việt nhất của nhà sản xuất: sức tải và độ bám.

Minsk - Ngang tàng và hoài niệm ảnh 2

Với sức tải lên tới vài tấn, Minsk thành xe chuyên dụng chở hàng đúng nghĩa với những thùng cá, phản thịt lợn, thậm chí kiện hàng lậu “bắt thì vứt cả xe”. Ở đây, Minsk được gọi là “xe chở lợn”. Minsk được làm biến dạng đi cho phù hợp với hoàn cảnh.

Ngoài giá chở hàng to đùng sau yên, Minsk được trang bị một can nước với chiếc vòi luôn chảy thẳng xuống làm mát máy khi leo dốc. Những bộ phận như còi, xi-nhan, Công tơ mét được lược bỏ vì không cần thiết.

Đặc chủng như ở bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam), ngoài bình xăng được đập bẹp dí phần giáp với yên xe (theo lời dân sử dụng là để bảo vệ “của quý” của quý ông được an toàn khi xe nhảy chồm chồm trên những con đường đá hộc) thì bánh xe được bọc một lớp bánh xích như xe tăng. Đây là phát kiến của đám xe ôm khi muốn đưa người vượt qua những con đường lầy lội sát vực thẳm vào sâu trong bãi vàng.'

Năm 1990, Motovero có cải tiến Minsk đôi chút (gọi là Minsk tròn để phân biệt với Minsk máy to sản xuất từ 1989 đổ về trước) nhưng vẫn không mang lại thay đổi. Năm 1994, Minsk xuất xưởng dòng xe thể thao (Minsk cao) nhưng cũng không cứu vãn được sự suy sụp và đến năm 2003, Motovero buộc phải bán lại công nghệ cho Trung Quốc sản xuất. Và từ đây, ở Việt Nam, Minsk được lắp ráp tại Lê Chân – Hải Phòng nhưng tiêu thụ cũng rất kém. Minsk được bán với giá sắt vụn, rã nát dưới ánh mặt trời tại các bãi phá xe.

Những lão làng Minsk

Dáng vẻ nặng nề, thô kệch, tốc độ kém, chế độ pha nhớt thủ công bằng tay và hay hỏng vặt, thậm chí đồ thay thế ngày càng khan hiếm, Minsk hoàn toàn không phải là một phương tiện lưu thông tiện lợi.

Rồi một ngày, gã đồng rừng đã trở lại phố thị, sạch sẽ, ngang tàng và nhen lên trong mắt niềm tự hào của chủ nhân…

Đầu những năm 1999, những chiếc Min khơ đầu tiên tằng tằng trở lại đường phố Hà Nội. Vài người làm nghệ thuật muốn phá cách hay ai đó đi chỉ vì nó rẻ, dễ sửa chữa. Người sở hữu, tân trang, chăm chút và gây dựng cho sự trở lại của Minsk trong thế giới xe lúc đó là hai cái tên nổi tiếng trong giới Minsk cho tới tận bây giờ: Hùng Minsk và Cường Minsk. Trong giới chơi Minsk, hai lão làng này thuộc về “dòng thương mại” khi dùng Minsk để kinh doanh, cho Tây thuê du lịch với giá 20-30 USD/1 ngày hoặc bán với giá 300 USD/1 chiếc.

Minsk - Ngang tàng và hoài niệm ảnh 3

Cường Minsk được giới chơi xe kính nể vì sở hữu 250 chiếc Minsk tròn, 60 chiếc Minsk cao. Cường Minsk nổi tiếng tới mức khi Tây “ba lô” sang Việt Nam du lịch, việc đầu tiên họ search mạng tìm địa chỉ Cường Minsk (ở Lương Ngọc Quyến) để thuê xe chạy. Nhưng sau này, khi đổ tâm huyết cho Sidecar (Xít đờ ca), Cường Minsk đã thanh lý hàng loạt xe, chuyển sang cho Tây thuê cào cào và buôn Sidecar ra nước ngoài. Dân chơi xe thường đùa rằng, Cường Minsk chính là tác nhân khiến Việt Nam “chảy máu Sidecar”.

Năm 1999, giám đốc Motovero sang Việt Nam công tác, Dockely - một giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam đã tổ chức một đoàn đi hàng chục chiếc Minsk ra sân bay Nội Bài đón và tiện đó, thành lập Hội những người yêu Minsk ở Việt Nam.

Hội hầu hết là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, có Olympics Minsk - sinh hoạt định kỳ hằng năm tại các khu du lịch với những trò vượt chướng ngại vật, thi đi chậm…. Con số xe mỗi lần quy tụ lên tới 300 chiếc. Theo lời rỉ tai, Hùng Minsk, với con số sở hữu 250 chiếc Minsk (ít hơn Cường Minsk thời thịnh vượng), đứng sau tất cả những vụ này.

Hùng Minsk ngoài việc sở hữu nhiều xe còn là chủ nhân của chiếc Minsk cổ nguyên bản nhất Việt Nam được sản xuất năm 1976 được dựng trang trọng ở cửa hàng. Khang “ác ma” – một thành viên chơi xe cổ ở Hà Trung cũng có một chiếc Minsk được sản xuất từ năm 1972 nhưng không được giới chơi xe đánh giá cao bằng bởi ít nhiều nó không còn “gin” từng chi tiết.

Dòng chơi trở thành trào lưu sau này là dòng “mất tiền cho nó”. Có nghĩa là lùng mua một chiếc Minsk cũ (cao hay thấp tùy) rồi “tắm rửa, thay áo” theo ý mình. Người được coi là linh hồn cho sự trở lại với dòng xe Minsk là anh Lê Triều Dương với nickname DuGia khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng du lịch và chơi xe.

DuGia là một trong những nickname tham gia diễn đàn yêu thích xe Minsk trên TTVN (Trái tim Việt Nam online) đầu tiên thành lập năm 2003. Dân chơi xe Minsk có một câu nói truyền miệng, tương truyền là từ bạn thân của DuGia: “Ở nơi nào trên đất nước Việt Nam có đường đi thì Minsk của DuGia đều đã lăn bánh”.

Những chuyến đi bất tử, với chiếc Minsk mầu đỏ thửa chữ DuGia trên bình xăng đã khơi dậy thú xê dịch của đa phần giới trẻ. Những chuyến đi của mình được anh ghi lại bằng hình ảnh, chia sẻ bằng những bài viết, thậm chí tranh luận trên diễn đàn yêu Minsk từ những ngày đầu khiến nhiều người bắt đầu đam mê, hiểu, yêu thích và gắn bó với Minsk.

Thú xê dịch

Khởi đầu trào lưu là sự đam mê. Minsk mang đến hình bóng một thời xe XHCN, tiếng nổ tằng tằng và hình dáng cục mịch, nặng nề gợi sự hoang dại, kiêu hãnh đến sần sùi, không lẫn vào đám xe nhan nhản ngoài đường.

Tiếp bước truyền thống của Minsk, những chuyến đi quanh vùng núi phía Bắc là chuyện “phình phường”, xuyên Việt là chuyện “sắp xếp để đi nào”. Minsk đã đi là phải đi cung khó nhất, hiểm trở nhất. Gần như đó là tôn chỉ khi xuất hành. Minsk là bạn đồng hành của thú xê dịch, của những chuyến đi bất tử.

Minsk còn mang đến âm hưởng và cả sự thôi thúc cho thú xê dịch chảy trong huyết quản. Hơn nữa, việc hay hỏng vặt của Minsk cũng mang đến cho chủ nhân uy quyền của một kẻ chiến thắng khi bắt, chẩn bệnh và chữa “bất kỳ tử” trên các cung đường.

Bản chất của Minsk là những chuyến đi.

Ngay từ những ngày đầu manh nha thành lập hội Minsk Hà Nội, những chuyến đi ròng rã với Minsk đã được phản ánh trên diễn đàn. Hầu hết là những nơi hoang sơ, miền núi, những nơi lãng mạn cho đến những cung đường nguy hiểm khó khăn nhan nhản như Sa Pa, Hà Giang, Bản Giốc, Thung Nai, Sìn Hồ, Mã Pí Lèng, Du Già, Buôn Mê Thuột… và cả những chuyến xuyên Việt.

Minskee nổi lên là một kẻ độc hành tiên phong trong việc xuyên Việt. Vì tính chất công việc, anh chọn Minsk cho những chuyến đi của mình, 1 năm 2 chuyến đều đặn vào ra.

Đi, nhất thiết phải biết sửa chữa xe. Dây côn, dây ga, cuộn điện, IC, bộ đồ vá, sửa xe…. phải kè kè bên người. “Không gặp nạn với Minsk thì chưa nên người”, đó là câu đùa mà rất thật của dân chơi Minsk. Minsk là xe cũ hay hỏng vặt, giữa đường ăn vạ là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Ngoài chuyện học sửa, dân chơi Minsk thường có những chuyến chạy xe cuối tuần về Tề Lỗ (Vĩnh Phúc), Vác (Thường Tín) hay lang thang ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… để “nhặt đồ”. Đồ là phụ tùng xe tại những bãi phá xe Minsk, nhặt để tích trữ vì đồ ngày càng khan hiếm, khó kiếm và đắt đỏ.

Trước mỗi chuyến đi, những tay “amater” còn phải đến những nơi sửa Minsk uy tín như Ánh Minsk (Hải Dương), chú cháu Công Minsk, Phùng Minsk ở Km18 - Ngọc Hồi hoặc Trọng Minsk ở Thụy Khuê.

Công Minsk là thợ giỏi nhất của “tiền bối” Cường Minsk tách ra làm riêng, còn Trọng Minsk - người được giới chơi Minsk Hà Nội gọi là Docter Trọng thì vừa là người trong hội, vừa là thợ và gần như là bác sỹ của anh em trong nhóm.

Tuy chuẩn bị kỹ là vậy nhưng nhiều khi vẫn phải giữa đường alô cho các chiến hữu hay thợ chuyên dụng. Nản quá, ai đó nhiều khi muốn “đẩy nó xuống vực rồi bắt ôtô về nhà cho lành”. Nghĩ thế, vất vả thế nhưng đã mê, đố ai bỏ được.

Minsk rẻ bèo, bán sắt vụn 800 ngàn một con, gần 2 triệu là có một con tàm tạm. Gần 4 triệu là có một chiếc đi được và trên 5 triệu là những con đã được qua bàn tay gọt đẽo, đi “ngon lành cành đào”. “Rẻ nên nhiều người chơi”, đó là lời của Longminsk (Minsk_nha_que) – Đội trưởng đội Minsk Hà Nội tâm sự.

Thế nhưng “vì rẻ mà chơi nó thì không chơi được. Muốn chơi nó thì phải dành tâm huyết, đam mê và cả lòng kiên nhẫn mới thực sự cảm thấy gắn bó”. 7 năm chơi Minsk, sở hữu tới 4 chiếc xe cả Minsk cao lẫn thấp, ngần ấy năm lầm lụi tự học sửa, độ Minsk tại sân nhà với những cách thủ công đến phát sợ như sau này anh tâm sự và chứng kiến kẻ đến, người đi với Minsk, Long quá hiểu ai là kẻ đam mê, ai là kẻ a dua nhất thời.

Long đã từng thẳng tay viết trên diễn đàn: “Chơi Minsk có hai kiểu, một là sốc thuốc (tức bán xe gấp), hai là không bao giờ bỏ được”. 7 năm trời từ ngày thành lập Topic Những người yêu thích xe Minsk, nơi tụ họp này mới chỉ đạt đến tầng thứ 9 (mỗi tầng quy định 100 trang) nhưng đã tạo được 3 thế hệ chơi Minsk (Long là thế hệ thứ 2 sau những DuGia, GiangBe, Blueminsk, Minskee, Casanova…), tạo được thành hội Minsk Hà thành với hơn 30 người gắn bó, có đồng phục, có phân chia nhiệm vụ, có buổi họp hàng tuần và bắt đầu có những hoạt động cộng đồng, từ thiện sau những chuyến cùng nhau đi dọc mọi miền đất nước.

Bắt đầu có Hội những người yêu thích xe Minsk tại Sài Gòn, tách ra từ Topic khởi đầu ngày nào. Khởi điểm năm 2004 chỉ có 4 chiếc xe, khó khăn đến nỗi đồ thay thế toàn phải nhờ anh em ngoài Bắc cầm tay mang vào nhưng hiện đã lên tới 12 chiếc, đã dám có những chuyến xuyên Việt bằng Minsk ra Bắc giao lưu với đội Minsk Hà thành. Minsk có thành viên khắp mọi miền đất nước và đi đường chỉ nghe tiếng Minsk có thể vẫy tay chào, có thể hàn huyên như một người bạn lâu năm. Họ có điểm chung lớn, mê Minsk.

Những bóng hồng trên Minsk

Không chỉ những chàng trai muốn “cưới” một em Minsk về làm “vợ”. Minsk cũng có vài bóng hồng muốn rinh chàng về làm “chồng”. Ngồi sau Minsk, chạy thử một vài cung đường chưa đủ khiến một vài bóng hồng thỏa chí.

Bóng hồng bên Minsk
Bóng hồng bên Minsk.

Mỹ - cô gái dân Hàng Đường đã làm giới chơi xe kinh ngạc và thán phục khi thửa một chiếc Minsk tròn màu đen phả khói tít mù khắp phố phường Hà Nội. Chơi xe thực sự và còn biết sửa một vài bệnh lặt vặt như đàn ông, Mỹ chỉ dừng thú chơi Minsk của mình khi cưới chồng và nghe đồn đã ra nước ngoài sống. Chắc hẳn bên đó không có Minsk, nếu không chắc sẽ còn tin tức.

Sau Mỹ, hai cái tên như Trang và Dung cũng được nhắc tới với hình ảnh bóng hồng trên xe Minsk. Trang thì bố là dân chơi xe nên theo cũng chẳng có gì lạ, Dung là bạn cũng sắm một chú Minsk, sơn mầu hồng rất nữ tính nhưng rồi niềm đam mê cũng rơi rớt. Một thời gian sau, hai cô bán xe.

Thu Lý, tên thân mật của giới chơi Minsk là A Lỳ là cái tên mới xuất hiện trong giới chơi Minsk vài tháng gần đây với một chiếc sơn caro. Trắng trẻo, xinh xắn, học ngoại thương và hằng ngày mặc đồng phục văn phòng đến làm cho một công ty bất động sản. Lý hoàn toàn không gợi hình ảnh một cô gái mạnh mẽ trên chiếc Minsk.

Lý tâm sự rằng mình có máu xê dịch nhưng chỉ thích cầm lái, ghét ngồi sau. Rẻ, lạ, khỏe khoắn và có một người bạn cũng chơi Minsk là những yếu tố khi cô quyết định tậu một chiếc dành cho những chuyến đi chơi xa. Sắp tới, cô và một vài thành viên trong đội Minsk Hà Nội sẽ có chuyến đi xuyên Việt đầu tiên của mình.

Lý cười tươi khi hỏi những vấn đề thường gặp khi làm bạn với Minsk. Sửa chữa thì không thành vấn đề, lặt vặt thì tự, to hơn thì gọi bạn, nặng hơn thì kéo xe đến thợ. Khổ nhất là đi đâu về đến ngõ là phải tắt máy nếu không muốn bị chửi. Mới chơi Minsk vài tháng và đã 2 lần cô bị…ăn chửi vì khói xe. Đại ý là con gái con lứa, đi cái xe như giặc, mất nết….Lý bảo, đó là lần đầu tiên bị chửi te tua như thế nhưng đành chịu, trót mê Minsk rồi.

Hoàng Tuấn

Nghệ thuật độ xe Minsk

Trở lại thành thị, đôi giảm xóc với lực chịu hàng tấn được thay bằng đôi giảm xóc “ người tình trăm năm” Bonus cho êm ái. Các bộ phận được làm mới, sạch sẽ, dầu nhớt 2 thì pha lẫn xăng được thay thế bằng dầu cao cấp thơm không kém gì nước hoa để dù có “quạt chả” trên đường cũng không bị ăn chửi.

Minsk - Ngang tàng và hoài niệm ảnh 5

Và sau đó, Minsk sẽ được chủ nhân thay áo theo hai phương thức “độ xe”: Độ theo ý tưởng và độ về nguyên bản.

Độ nguyên bản là trung thành với nguyên mẫu của xe lúc ra đời 100%, “zin” tới từng con ốc vặn. Đây là phương thức độ vừa dễ vừa khó. Khó thường dành cho những con xe có đời cổ như Minsk 1976 của Hùng Minsk hay 1972 của Khang “ác ma” còn dễ là hầu hết những dòng xe Minsk đời sau chỉ nguyên bản ở mức tương đối, tức là không thay đổi kết cấu, dáng vẻ của xe. Phần này chiếm đa số những chiếc Minsk lưu hành hiện nay, hầu hết chỉ làm sạch, dọn sơn mới theo ý thích, thay chế cho đỡ ăn xăng nếu là Minsk tròn.

Độ theo ý tưởng là thay đổi toàn bộ kết cấu, hình hài xe. Thường dòng Minsk thể thao (Minsk cao) được độ lên theo kiểu cào cào. Một số chiếc Minsk tròn thường được độ theo kiểu BMV. Nhiều ý tưởng “không giống ai” cũng được thực thi với chiếc Minsk tròn như kiểu “cua luộc” (dáng vẻ xe và mầu giống hệt con …cua luộc) hay làm dị dạng bình xăng bằng búa và các mối hàn…

Độ xe
Độ xe.

Ngay từ những ngày đầu lập hội chơi Minsk, nickname GiangBe là người đầu tiên có chiếc Minsk độ mất hơn 1.000 USD. Chiếc Minsk được mô tả: “Giữ lại được toàn bộ ưu điểm, bản chất làm nên Minsk và loại bỏ hết những nhược điểm. Xe đi nhẹ như xe 4 kỳ”. Đây là sản phẩm của Thương “bưởi”, người được coi là thợ đầu tiên của dòng Minsk chơi không thương mại, dòng “mất tiền cho nó”.

Sau đó, hàng loạt chiếc Minsk cũng được nhào nặn theo mọi ý tưởng, được đưa lên mạng, bình phẩm, góp ý và tư vấn. Nhưng dù làm thế nào, 90% Minsk đều phải giữ được nét hoang dại, ngang tàng và đơn giản.

MỚI - NÓNG