Bức bí tại các cửa ngõ TPHCM - Bài cuối:

Mở đường, làm hầm chui giải quyết kẹt xe

Cầu vượt thép được TPHCM kỳ vọng nhiều nhưng giải quyết không hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ.
Cầu vượt thép được TPHCM kỳ vọng nhiều nhưng giải quyết không hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ.
TP - Làm gì để khơi thông các cửa ngõ? Liệu các dự án cầu đường, hầm chui trị giá trăm tỷ, nghìn tỷ, những giải pháp chống kẹt xe cấp bách mà Sở GTVT TPHCM đang triển khai có đem lại hiệu quả mong muốn?

“Thông” QL13 bằng 2.000 tỷ đồng

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã cho phân làn QL13 từ 4 lên 6 làn xe, mỗi chiều tăng thêm một làn xe hỗn hợp. Sau một thời gian ngắn, giải pháp này không hiệu quả vì làn xe có tăng nhưng mặt đường không nở ra. Đại diện Sở GTVT ngày 14/7 cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chấp thuận phương án tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại của dự án cầu đường Bình Triệu 2 với kinh phí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí giao thông để hoàn vốn tại hai trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 và 2. Việc thu phí dự kiến là gần 24 năm. Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), trước mắt, để giảm ùn tắc trên QL 13, Sở dự kiến xây dựng 2 cầu tạm bên cạnh cầu Ông Dầu cho xe máy lưu thông. Về lâu dài, TPHCM sẽ di dời Bến xe Miền Đông về địa điểm mới gần khu du lịch Suối Tiên giáp ranh tỉnh Bình Dương với kinh phí đầu tư 1.900 tỷ đồng.

TPHCM di dời 55 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành nhưng lại để hầu hết các trường giữ lại cơ sở cũ trong nội thành dẫn đến tình trạng sinh viên sáng đi học ở ngoại thành, chiều quay về nội thành, tần suất “dao động con lắc” dày và dài hơn làm giao thông tại các cửa ngõ ùn tắc trầm trọng hơn”.       

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết rất phấn khởi sau khi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo mở rộng QL13 kết nối với đại lộ Bình Dương. “Bao nhiêu năm nay, cửa ngõ nối Bình Dương qua QL 13 bị kẹt nghiêm trọng.

Nếu được “khơi thông” chắc chắn việc đi lại, giao thương hàng hóa giữa Bình Dương qua TPHCM và các tỉnh sẽ thuận lợi rất nhiều. Bình Dương đã làm nhiều tuyến đường đi các tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn và đang mở rộng Tỉnh lộ 743 ra cầu vượt Sóng Thần kết nối với TPHCM.

Quan điểm của Bình Dương là phải mở hết cỡ hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối với các vùng, đặc biệt là TPHCM”, ông Liêm nói, đồng thời cho biết sắp tới, Bình Dương sẽ bàn với TPHCM và Đồng Nai để phát triển liên kết vùng, kết nối giao thông.

Ông Ngô Hải Đường cho biết tại cửa ngõ phía Đông, đường song hành xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc và từ Đại học Quốc gia TPHCM đến ngã ba Tân Vạn được thi công lại với tổng kinh phí hơn 3.822 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẽ khởi công xây dựng đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với kinh phí đầu tư ước tính là 869 tỷ đồng.

“Nếu hoàn thành 2 tuyến đường song hành xa lộ Hà Nội, hạn chế xe máy, ô tô con lưu thông vào trong đường song hành, đồng thời đẩy nhanh tiến độ một số dự án như nút giao thông ngã tư Thủ Đức và Bình Thái thì tình trạng ùn tắc cơ bản giải quyết xong”, ông Đường nói.

Thêm cầu, hầm chui

Theo ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT, TPHCM đã hoàn thành công trình cầu Phú Hữu trên tuyến đường Vành đai 2 và vừa cho khởi công xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) trên đường Vành đai 2 để xoá điểm “đen” về ùn tắc giao thông. Sở GTVT cũng đang hoàn tất các thủ tục xây dựng nhánh cầu nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông -Tây) trên địa bàn quận 1 và 5 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường trong khu vực, nhất là giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ và Dương Bá Trạc với tổng kinh phí xây dựng 170 tỷ đồng.

Tại cửa ngõ Tây Bắc, để giải quyết ùn tắc, Sở GTVT đã duyệt dự án “Đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) giải tỏa áp lực quá tải tại cửa ngõ này. Công trình gồm hai hầm chui có tổng chiều dài 850m, trong đó phần hầm kín dài 125m/hầm, rộng 9m với hai làn xe.

Ngoài ra, TPHCM cho cải tạo các nhánh rẽ nhằm tạo thuận lợi cho các hướng xe lưu thông đi thẳng qua hầm chui hướng lên cầu vượt An Sương. Công trình có kinh phí đầu tư 514 tỷ đồng. Trong khi đó, để giảm áp cho khu Nam Sài Gòn, Sở GTVT cho biết đang đưa nhiều dự án kết nối đô thị vệ tinh với trung tâm thành phố vào danh sách các dự án đầu tư cấp bách như: Xây dựng thêm nhánh cầu Nguyễn Tri Phương nối Q.8 với Q.5; xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (nối huyện Nhà Bè với Q.7)…

Chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TPHCM, cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân chính gây kẹt xe ở từng cửa ngõ để đưa ra các phương án giải quyết dứt điểm. Dẫn chứng từ ông Hòa cho thấy từ năm 2013, các cầu vượt thép Hàng Xanh, Cộng Hòa, Nguyễn Tri Phương, Thủ Đức… xây dựng đã khắc phục được tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các cửa ngõ nhưng không bao lâu thì kẹt xe tái xuất. “Cầu vượt thép chỉ là giải pháp tình thế, mang tính cục bộ nên cần có giải pháp căn cơ hơn”- ông Hòa nói, đồng thời hiến kế: Ùn tắc tại cửa ngõ tây bắc, khu vực An Sương, Trung Chánh là do khu công nghiệp Tân Bình. Nếu di dời hoặc chuyển cổng khu công nghiệp sang hướng khác  tình hình sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Tại cửa ngõ phía đông, tình trạng ùn tắc giao thông ở trục đường từ Hàng Xanh đến đường Phạm Văn Đồng sẽ được cải thiện nếu đầu tư xây dựng hai cầu từ đường Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội sang bán đảo Thanh Đa để giảm mật độ lưu thông.  “Việc chẩn đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc rất quan trọng, nếu không chúng ta cứ loay hoay mãi với việc cấm, phạt, hạn chế xe cá nhân, tăng phí mà bản thân những người đề xuất cũng thấy không khả thi”, ông Hòa nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.