Mở rộng Hà Nội: Nông thôn hóa đô thị?

Mở rộng Hà Nội: Nông thôn hóa đô thị?
Những ngày này, câu chuyện mở rộng địa giới Hà Nội đang nóng lên trên nhiều diễn đàn, kéo theo vô số băn khoăn...

Quyết định mở rộng thủ đô Hà Nội bằng cách sáp nhập toàn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã được Hội đồng nhân dân các nơi thông qua.

Ngày 23/5 tới, Quốc hội sẽ ra nghị quyết phê chuẩn. Theo đó, trái tim của cả nước sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu, cùng 29 đơn vị hành chính cấp quận - huyện, 575 đơn vị hành chính cấp xã - phường - thị trấn.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập chuyện mở rộng Hà Nội ở góc độ văn hóa. Gần đây, dư luận đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ mai một bản sắc, về sự nhếch nhác của kiến trúc đô thị, về sự thiếu vắng vai trò nhạc trưởng (tức kiến trúc sư trưởng).

Song, nếu xem xét thấu đáo chuyện mở rộng Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa thì không thể chỉ dừng lại ở những mối bận tâm ấy.

Chúng tôi đã trao đổi với một trong những nhà khoa học xã hội đầu ngành của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc và Nhân học Việt Nam - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - nguyên Phó viện trưởng Viện Dân tộc học).

Câu chuyện chuyển dịch văn hóa

Trong câu chuyện mở rộng Hà Nội, dư luận lo ngại về sự va chạm văn hóa, sự phai nhạt bản sắc, còn với ông thì sao?

Mở rộng Hà Nội: Nông thôn hóa đô thị? ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Văn Huy  - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mở rộng Hà Nội là vấn đề rất phức tạp. Nên hay không đều cần được bàn thảo kỹ. Theo tôi, điều đáng lo ngại nhất khi mở rộng Hà Nội không phải sự phai nhạt bản sắc văn hóa vùng miền.

Vì nếu người dân vẫn ở ngay chính vùng quê mình đang sinh sống thì sinh hoạt văn hóa vẫn ở đấy, phong tục hội hè vẫn ở đấy, mất đi đâu được.

Sáp nhập chỉ càng tạo thêm đa dạng văn hóa. Trước đây, tỉnh Hà Tây vốn là Hà Đông và Sơn Tây.

Tỉnh Hà Nội cũ thời Pháp chỉ gói trọn trong nội thành Hà Nội bây giờ. Làng hoa Ngọc Hà ngày xưa nằm trong ranh giới tỉnh Hà Đông.

Thế nhưng, khi làng hoa Ngọc Hà sáp nhập vào Hà Nội và Hà Nội được mở rộng như ngày nay, tất cả những yếu tố vùng miền đó lại tạo thành nét văn hóa riêng của thủ đô trên cái nền chung của văn hóa Việt.

Nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động không nhỏ theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực đến văn hóa. Và thực tế đã chứng minh là chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Không phải không có cơ sở khi người ta lo ngại rằng làng lên phố sẽ mất đi nét sinh hoạt, lối sống...?

Theo tôi, khi chưa có chuyện sáp nhập, sự mất mát, pha tạp bản sắc văn hóa cũng đã diễn ra rồi. Nó là cả một câu chuyện dài khác, mà nguyên nhân chính không phải sự sáp nhập hành chính.

Nếu suy xét bình tĩnh, sẽ thấy lịch sử Hà Nội vốn là nơi tụ cư của dân tứ xứ. Các phường, hội về thực chất là sự tập hợp dân theo nghề nghiệp. Ngay khu phố cổ Hà Nội mà ta đang kêu gọi bảo tồn cũng có phải của người Hà Nội gốc đâu.

Văn hóa Hà Nội là thứ văn hóa chấp nhập và dung hòa, để rồi biến thành cái của mình một cách uyển chuyển, linh hoạt. Cái gọi là thanh lịch Hà Nội chẳng qua cũng là do hòa hợp, chấp nhận mà thành.

Người dân tứ xứ tiếp xúc với văn hóa Hà Nội thì trở thành người Hà Nội lúc nào không biết. Ở địa - môi trường ấy, địa - văn hóa ấy, người ta sẽ vận hành theo một cỗ máy tự nhiên - đó là cơ chế trao truyền văn hóa. Vậy theo tôi, phải biến văn hóa thành động năng phát triển, chứ đừng lo những cái lo kiểu nho sĩ.

Bản sắc văn hóa phải được xem xét trong sự vận động, chứ không phải một cái gì bất biến, hay được coi là hằng số như một số người quan niệm.

Trong lý thuyết dân tộc học, có 5 tiêu chí để xác định thành phần tộc người, đó là: ngôn ngữ, lãnh thổ, cơ sở kinh tế, đặc trưng sinh hoạt văn hóa tộc người và ý thức tự giác tộc người. Vậy, khi các cư dân Mường (Hòa Bình) sáp nhập với cư dân Hà Nội, trên cơ sở kinh tế chung, lãnh thổ chung thì ý thức tự giác tộc người có mất đi?

Ngay giữa lòng Hà Nội cũng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, vậy mà họ vẫn ý thức mình thuộc về một tộc người nhất định dù bị tách biệt khỏi môi trường tộc người của mình.

Còn nữa. Tại sao phải sợ mất quê hương, bản quán khi đâu có ai xóa sổ không gian văn hóa đó. Ngày xưa, Ninh Hiệp, Đình Bảng (Bắc Ninh) sáp nhập vào Hà Nội mà bản sắc của người dân làng Ninh Hiệp, làng Đình Bảng có mất đi đâu.

Điều đáng lo nhất về văn hóa - xã hội

Theo ông, điều gì đáng lo nhất trong khía cạnh văn hóa - xã hội trong chuyện sáp nhập này?

Điều quan trọng là nhà lãnh đạo phải quản lý sao cho tốt thì sự sáp nhập mới khiến Hà Nội phát triển. Đáng lo ngại nhất hiện nay là vấn đề tâm lý, là văn hóa quản lý.

Ở người Việt, óc địa phương, bè phái cục bộ quá lớn. Với một đơn vị hành chính rộng lớn thì tình hình sẽ càng trở nên phức tạp. Thực tế lịch sử đã cho chúng ta những bài học phải trả giá đắt.

Những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, việc sáp nhập giữa Hải Dương - Hưng Yên đã không giúp hai tỉnh này phát triển mà còn làm yếu đi, là vì óc địa phương, cục bộ, đến khi tách tỉnh thì lại phát triển được. Trong chuyện mở rộng Hà Nội, phải lường trước mối nguy này.

Cũng xét ở khía cạnh văn hóa - xã hội, Hà Nội được định hướng trở thành một đô thị hiện đại. Thế nhưng, với cách ứng xử hiện nay, Hà Nội còn xa mới đạt chuẩn đô thị hiện đại.

Lấy thí dụ, gần đây, Hà Nội dấy lên cơn sốt cấm hàng rong, Hà Nội vẽ ra nhiều dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thế nhưng những cái đó đã thực sự cấp bách chưa?

Theo tôi, chuyện cấm hàng rong và lễ kỷ niệm chưa quan trọng, chưa cấp bách bằng việc giải quyết những chuyện "nhỏ" hơn, như chuyện hồ Linh Quang (phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) bị nhiễm khuẩn tả do ô nhiễm nặng.

Tại sao Hà Nội lại chấp nhận ngay giữa thủ đô một cái hồ rác rưởi, bẩn thỉu, cùng những ứng xử thiếu văn minh, đáng xấu hổ như thế? Hà Nội - một thủ đô hiện đại, đáng lẽ phải tạo được những không gian văn hóa, những cái hồ thơ mộng, nhưng tại sao lại quản lý theo kiểu thôn xã như thế?

Chỉ một việc nhỏ như thế đủ cho người ta nghĩ đến trình độ quản lý đô thị của Hà Nội hiện nay. Theo tôi, hàng rong Hà Nội không ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia bằng một cái hồ bẩn thỉu thiếu văn minh văn hóa ngay bên cạnh Văn Miếu - nơi đề cao sự tinh tế, văn minh.

Văn hóa nằm ở đấy, ở sự ứng xử linh hoạt, uyển chuyển trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, chứ không phải ở sự rập khuôn, hình thức, chạy theo thành tích.

Đô thị hóa đem lại cánh cửa thoát nghèo cho dân, nhưng cũng lấy đi của họ nhiều thứ. Vì vậy dù đô thị hóa là quá trình không thể đảo ngược, đã có ý kiến cảnh báo về nguy cơ tạo thêm một tầng lớp người nghèo mới do bị mất đất, thất nghiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây thực sự là một thực tiễn mà chúng ta phải đối diện. Tôi cũng tự đặt câu hỏi là tại sao chúng ta tách - nhập nhiều thế mà vẫn chưa thể phát triển, trong khi trên thế giới, ít có những xáo trộn kiểu này mà người ta vẫn phát triển?

Có lẽ chúng ta đã không đánh giá hết các khía cạnh của chuyện sáp nhập. Điều đáng buồn là sau mỗi lần tách - nhập, chúng ta không hề có những tổng kết khoa học, cũng không đưa ra được lý do thực sự thuyết phục.

Những câu chuyện tách - nhập trọng đại như vậy cần những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước một cách hệ thống, bài bản. Muốn tách hay nhập đều phải căn cứ trên nền tảng khoa học chứ không tùy tiện được.

Nếu cho rằng cần mở rộng Hà Nội vì có nhiều dự án nhưng thiếu đất triển khai, theo tôi, không đủ thuyết phục. Thủ đô của Singapore cũng không nhiều đất. Họ phải sống trong nhà cao tầng, nhưng vẫn biết sinh lời trên khoảng không gian ấy, chứ có cần mở rộng đâu.

Đừng tư duy theo kiểu hy vọng cứ có nhiều đất là giải quyết được hết mọi rắc rối của Hà Nội hiện nay như tắc nghẽn giao thông vệ sinh môi trường, úng ngập mùa mưa bão... 

Theo Y Nguyên
Thanh niên

MỚI - NÓNG