Mở rộng quyền tiếp cận thông tin để người dân giám sát cán bộ

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý
TPO - Chiều 11/11, thẩm tra Dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Uỷ ban Pháp luật khẳng định, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ, góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, cũng như giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước thì hầu hết tất cả các nước trên thế giới đều hạn chế quyền tiếp cận (với mức độ khác nhau) nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay do quy định của pháp luật về bí mật nhà nước còn có nhiều nội dung chưa cụ thể, việc xác định độ mật chưa thống nhất nên đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật để thay cho Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng “xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai”.

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, Ủy ban pháp luật cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Như vậy mới thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Bởi vì, người dân sống ở địa bàn cơ sở tại xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong khi nhiều trường hợp việc ban hành văn bản tạo ra nguồn thông tin là của cấp trên, chủ yếu là cơ quan ở trung ương, nếu quy định việc cơ quan tạo ra mới cung cấp thì hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà cho công dân.

Về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, Uỷ ban pháp luật nhận thấy các quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, do đó dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin, như việc công dân yêu cầu cung cấp thông tin thì phải nộp loại giấy tờ gì; ai là người có trách nhiệm tiếp nhận văn bản yêu cầu, tìm kiếm thông tin và cung cấp thông tin cho công dân...

Đối với quy định về thời hạn cung cấp thông tin, Ủy ban pháp luật cho rằng, trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản, có sẵn thì cơ quan có trách nhiệm cần phải cung cấp ngay cho công dân mà không nên kéo dài trong thời hạn 05 ngày như quy định của dự thảo Luật. Đồng thời  quy định rõ trong những trường hợp thật cần thiết mới phải gia hạn về thời gian; việc gia hạn thời gian đối với từng trường hợp cụ thể cũng cần được rút ngắn hơn so với quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin được nhanh chóng, hạn chế tối đa việc đi lại cho người dân. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.