Mở rộng sân bay, lo không “kham nổi”

ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, đề nghị tiết kiệm chi lấy tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Ảnh: Như Ý.
ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, đề nghị tiết kiệm chi lấy tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Ảnh: Như Ý.
TP - “Việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải tiến hành khẩn trương. Phải xóa bỏ ngay hình ảnh một sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật chội”, Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Trần Anh Tuấn (TPHCM) nói trong phiên thảo luận tại Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai.

Xóa bỏ sân golf cạnh sân bay chật chội

Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải được thực hiện song song với việc triển khai nhanh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vì theo kế hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất sau khi được nâng cấp, mở rộng cũng chỉ đáp ứng được 43-45 triệu hành khách/năm. Như thế đến năm 2021 sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ đầy khách và quá tải. Ông Tuấn cũng lưu ý rằng: “Việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải khẩn trương. Cần xóa bỏ ngay hình ảnh một sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp.

Đồng tình với việc cân nhắc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, song Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm lại bày tỏ băn khoăn, làm sao việc song hành thực hiện dự án sân bay Long Thành, với mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được hợp lòng dân, tiết kiệm nhất, nhất là về nguồn lực đất đai.

“Hiện nay, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn còn chưa yên tâm, vẫn rất bất bình về cách mà chúng ta sử dụng đất trong khuôn viên của sân bay. Mặc dù chúng ta rất tích cực nhưng rõ ràng là còn có những vấn đề tính khả thi chưa cao, tính minh bạch chưa tốt, sự đồng thuận trong nhân dân cũng chưa tốt. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm vấn đề này tốt hơn nữa”, bà Tâm đề nghị.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội thì bày tỏ sự băn khoăn, khi nguồn lực có hạn nhưng lại vừa làm sân bay Long Thành lại vừa làm đường tốc Bắc-Nam. “Chính phủ chuẩn bị trình dự án cao tốc Bắc - Nam, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu làm nhiều việc cùng lúc như vậy thì có thực hiện được yêu cầu đề ra không”, ông Hồng nêu cầu hỏi, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý thêm việc vừa nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, vừa xây sân bay Long Thành mà chủ đầu tư chỉ là một đơn vị.  “Giao hai việc lớn cho một đơn vị thực hiện thì liệu có khả thi không, có “kham nổi” không? Đây là câu hỏi lớn cần được giải trình rõ”, ông Hồng lưu ý.

Giải trình những nội dung mà đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã vượt quá công suất, 32,5 triệu khách/công suất chỉ có 28 triệu khách. Với tinh thần khẩn trương, các cơ quan chức năng đã xem xét xây dựng đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với nhiều phương án được đặt ra.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ nhưng qua đánh giá lại thì việc mở rộng sân bay lên phía Bắc là hoàn toàn không khả thi. Do đó, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định chọn phương án khả thi và tiết kiệm nhất là xây dựng thêm 1 nhà ga T4 với công suất phục vụ 10-15 triệu hành khách, nâng tổng công suất phục vụ là 40-43 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa với công suất trên thì đến năm 2022 sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ lại quá tải. Nên xây dựng sân bay Long Thành là yêu cầu hết sức cấp bách.

Tiền đâu để làm sân bay?

Theo báo cáo của Chính phủ, khi triển khai thực hiện dự án sân bay Long Thành thì tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,6 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,6 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017). Tuy nhiên, hiện ngân sách mới bố trí được nguồn vốn là 5.000 tỷ đồng.

Bày tỏ sự ủng hộ việc tách dự án thành phần sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ sự băn khoăn vì kinh phí bố trí  chỉ có 5 nghìn tỷ, trong khi nhu cầu là 23 nghìn tỷ, còn kế hoạch phân bổ vốn trung hạn đến năm 2020 đã hết. Vậy sẽ lấy vốn ở đâu ra để thực hiện, còn không làm nhanh sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc, kinh phí tăng.

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) thì băn khoăn trước thực tế là sau khi QH khóa XIII thông qua Nghị quyết đồng ý chủ trương xây dựng sân bay Long Thành thì Đồng Nai lại thực hiện điều chỉnh giá đất, làm tăng chi phí. “Căn cứ vào đâu để Đồng Nai tăng giá đất từ 1,5 lên 2 lần, làm cho chi phí giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành tăng lên. Việc này cần phải làm rõ”, bà Hoa đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề nguồn lực để thực hiện. “Ý chí là một lẽ nhưng nguồn lực là một lẽ khác. Bây giờ chúng ta ngồi đây dự báo về nguồn lực nhưng nó phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội những năm tới diễn biến hết sức khó khăn, chứ không hề đơn giản. Do đó Chính phủ cần phải giải trình rõ ràng hơn trước khi QH biểu quyết thông qua” bà Tâm nói.

Tranh luận với các ĐB về nội dung trên, ĐBQH Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ sự tán thành, đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Ông Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu hai giải pháp có tính khả thi. Một là xin cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, và hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước. 

Ông Chính phân tích, hai năm nay biên chế tăng, dẫn đến tăng chi tiêu thường xuyên. Năm 2016, con số tuyệt đối tăng trên 50 nghìn tỷ so với 2015 và năm 2017 tăng hơn 100 nghìn tỷ so với 2016. Năm 2017, chỉ cần tiết kiệm 1% thì có trên 10 nghìn tỷ và năm 2018 cũng tiết kiệm bằng đó thì có thêm trên 10 nghìn tỷ nữa.

Ngoài việc “thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chi tiêu”, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị chống thất thoát trong đầu tư công. “Lâu nay chúng ta vẫn nói thất thoát trong đầu tư công đến 30%. Thực tế này đã được chứng minh trong các vụ án đã xét xử. Nếu thực hiện được điều này, tôi tin rằng, chúng ta sẽ có nguồn lực “dồi dào” để thực hiện các dự án”, ông Hồng nói.

Nếu Giải phóng mặt bằng xong rồi không làm nữa...

Đề cập đến tính pháp lý của việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu kỹ hơn. Vì theo quy định của pháp luật, chỉ có thể tách dự án thành phần sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua. Nhưng hiện nay báo cáo trên vẫn chưa có thì liệu việc tách dự án thành phần có phù hợp.

“Nếu sau này Chính phủ trình báo cáo khả thi mà QH không thông qua thì sao? Giải phóng mặt bằng rồi nhưng vì QH  đã thực hiện rồi thì sẽ giải quyết ra sao. Điều này cần trình rõ ràng hơn nữa”, bà Hoa nói và nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.