Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi - Kỳ cuối: Rừng chỉ còn trong mơ, nếu…

Rừng khộp ở huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai bị phá để trồng cao su.
Rừng khộp ở huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai bị phá để trồng cao su.
TP - Được giao quản lý gần 1 triệu hecta rừng và đất rừng trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”, hầu hết trong số 56 công ty lâm nghiệp (CTLN) trên Tây Nguyên rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả, nợ lương, nợ bảo hiểm… Nhiều CTLN tự cứu bằng cách tổ chức “liên kết trồng rừng” tràn lan. Rốt cục, rừng trồng được thì ít, mà đất rẫy nở ra thì nhiều, với sự tiếp tay đắc lực của cán bộ nhân viên công ty.

Tiếp sức… phá rừng

Đến Kon Tum, dọc quốc lộ 14C từ huyện Ngọc Hồi đi vào xã Mô Rai, phóng viên chứng kiến nhiều xe container ùn ùn chở gỗ ra. Nhiều xe chất gỗ quá tải khiến quốc lộ dập nát, trơ sỏi đá. Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm cạnh quốc lộ 14C có nhiều toán lâm tặc canh giữ cho nhau vào rừng chặt gỗ. Ở xã vùng sâu này, việc lâm tặc hay ai chở gỗ lấy từ Vườn quốc gia đã thành chuyện “thường ngày ở vườn”.

Nhưng hiếm có nơi nào mà việc phá rừng tự nhiên diễn ra trắng trợn như Ea Súp - huyện giáp biên của tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, nhiều thời điểm trong năm, nhóm phóng viên đều tận mắt thấy những cánh rừng do các CTLN quản lý bị chặt phá tràn lan. Ai cũng có thể gặp những đoàn xe cày độ chế ngang nhiên chở gỗ lậu từ rừng sâu ra trung tâm xã. Những tốp hàng chục chiếc xe máy lặc lè chở gỗ công khai chạy trên đường liên xã Ja Lơi. Những đoàn xe chở gỗ sao còn ứa nhựa do lâm tặc đốn hạ từ rừng của CTLN Rừng Xanh chạy vào trung tâm xã Cư K’bang xuyên qua tuyến đất đỏ liên xã Ea Rốk, Cư K’bang và Ea Lê, trước khi “qua mặt” trạm kiểm lâm địa bàn để tuồn hàng vào các xưởng gỗ.

Tháng 5/2017, tại huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), phóng viên Tiền Phong cũng tận thấy rừng bị tàn phá công khai ở xã Cư Yang mà không có cơ quan chức năng nào vào cuộc. Người dẫn đường chua chát  nói: Ôi dào! Trạm kiểm lâm, CTLN rồi UBND xã ở đây chỉ để làm vì! Ngày nào lúc sáng sớm và chiều tối, trên đường liên xã cũng đủ các loại xe chở gỗ phóng bạt mạng. Nhiều năm rồi, đối với dân tôi đây là “chuyện cơm bữa”!

Thế nhưng ông Quách Trung Hiếu, Trạm trưởng trạm kiểm lâm liên xã Cư Yang - Cư Bông - Cư Prông vẫn thản nhiên khẳng định: Từ ngày Thủ tướng lệnh đóng cửa rừng, huyện này đâu có khai thác gỗ rừng nữa?!

Còn ông Y Rốt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar thì cho rằng vùng rừng bị phá mà chúng tôi phản ánh, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, không thuộc trách nhiệm của Hạt.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay, việc xử lý cán bộ làm trái trong việc QLBVR đang được thực hiện mạnh tay, quyết liệt nhất ở tỉnh Đắk Nông. Hai năm qua, hàng trăm cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh bị kỷ luật, nhiều người bị khởi tố. Ông Hà Trung Ký - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đắk Nông cho biết: Từ nay đến cuối năm, hàng loạt cán bộ nữa sẽ tiếp tục bị kỷ luật cũng vì liên quan tới việc làm mất rừng. “Nếu không cương quyết, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh thành đồi trọc hết”, ông Ký chia sẻ.

Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi - Kỳ cuối: Rừng chỉ còn trong mơ, nếu… ảnh 1 Ban bảo vệ tuần tra rừng Vi Chring.

Không thể quản lý rừng theo lối cũ!

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, thì trong 135 quốc gia, Việt Nam được đánh giá cao về Tài nguyên văn hóa và Du lịch công vụ (hạng 30), Tài nguyên tự nhiên (hạng 34), Sức cạnh tranh về giá (hạng 35)… Tuy nhiên, Việt Nam lại tuột xuống gần chót bảng do Nạn phá rừng (hạng 103), Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129).

Sự bất ổn về Rừng và Môi trường trên phạm vi cả nước khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là đối với khu vực Tây Nguyên.

Sau khi phân tích rõ các nguyên nhân mất rừng, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên lần lượt chốt chương trình hành động, chỉ đạo các sở ngành liên quan sắp xếp lại các mô hình QLBVR, tập trung bảo vệ diện tích rừng tự nhiên còn lại, tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, vận động các tổ chức và người dân cùng tham gia.

Là tỉnh “nóng” nhất Tây Nguyên về nạn phá rừng, giữa tháng 7/2017 Đắk Nông xác nhận độ che phủ của rừng ở tỉnh này chỉ còn có 38,8% (tỷ lệ toàn vùng Tây Nguyên là 43,5%). Mạnh tay xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ các cấp vi phạm QLBVR, Đắk Nông đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ hàng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn.

Các kiến nghị của Đắk Nông đều liên quan đến túi tiền eo hẹp của ngân sách. Như đề nghị tăng mức trần hỗ trợ kinh phí khoán QLBVR lên 400 nghìn đồng/ha cho các công ty lâm nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; Đề nghị được chủ động cân đối nguồn thu Dịch vụ môi trường rừng để điều tiết, phân bổ cho tất cả các chủ rừng; Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 98,9 tỷ đồng để tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp; Đề nghị được sử dụng nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng do các nhà máy thủy điện nộp để trồng 500 ha rừng năm 2017. Riêng các dự án ổn định dân di cư tự do, Đắk Nông đã đề nghị được hỗ trợ tới hơn 1.123 tỷ từ nay đến năm 2020...

Một chuyên gia lâm nghiệp uy tín của Tây Nguyên là PGS.TS Bảo Huy, khi trao đổi với Tiền Phong về các kiến nghị này, đã bày tỏ quan điểm đồng tình. Ông cho rằng cách cho thuê rừng, giao rừng tràn lan như lâu nay tất yếu khiến rừng bị phá. Vì việc QLBVR là dịch vụ công ích, không đem lại nhiều lợi nhuận cho cá nhân hay doanh nghiệp, họ khó mặn mà với việc giữ rừng. Nhà nước cần khoanh diện tích rừng còn lại, đưa vào các khu bảo tồn và bỏ tiền ra để bảo vệ.

Là giảng viên cao cấp của trường Đại học Tây Nguyên, PGS.TS Bảo Huy cùng cộng sự đã trải qua nhiều năm tháng “ba cùng” với lực lượng kiểm lâm và đồng bào hàng trăm buôn làng, thôn xã trong việc kiên trì xây dựng thành công các mô hình quản lý rừng bền vững.  Ông đặc biệt tâm đắc với kết quả giữ rừng hữu hiệu của thôn Vi Ch’Ring (xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), làng Đê Tar (Xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), bon Bu Nor (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông), buôn Tul (Xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).

Mơ về một Tây Nguyên xanh mãi - Kỳ cuối: Rừng chỉ còn trong mơ, nếu… ảnh 2 Ông Bảo Huy thảo luận với đồng bào Mơ Nâm làng Vi Chring về khu vực giao rừng cho cộng đồng.

Theo ông Bảo Huy, với quy mô rừng 500-1000 ha có thể giao cho một cộng đồng khoảng 100 hộ để cùng bảo vệ, kinh doanh quay vòng khép kín. Để tránh lạm dụng, người giữ rừng chỉ hưởng lợi từ rừng theo hạn mức nhất định của kỹ thuật quản lý rừng bền vững, dưới sự giám sát của nhân viên lâm nghiệp và cộng đồng địa phương. Thực chất thu nhập từ rừng chỉ đóng góp từ 10-25% cho thu nhập hộ. Tuy nhiên, cộng vào đó, đồng bào còn được thu hái thực phẩm, cây thuốc, lấy củi, và vui với môi trường sống xanh tươi, là giá trị tinh thần không thể đong đếm.

Thông qua UBND huyện Kon Plông, Tiền Phong đã tiếp cận được những người gắn bó với mô hình quản lý rừng bền vững của thôn Vi Chring, thuộc xã Hiếu phía bắc tỉnh Kon Tum. Anh A Triệu trưởng thôn Vi Chring kể: 37 hộ đồng bào dân tộc Mơ Nâm được giao quản lý 808 ha từ năm 2008 tới nay. Cá nhân anh chỉ học hết lớp 9 nhưng được dự nhiều cuộc tập huấn, biết rõ giá trị của rừng nên truyền đạt lại. Đồng bào hiểu rừng đầu nguồn nguyên vẹn, thì những cánh đồng dưới thung lũng mới đủ nước để cày cấy. Vì thế, 9 năm qua  trai làng liên tục thay nhau tuần tra bảo vệ rừng, không cho đám lâm tặc vào rừng chặt phá.

Được mệnh danh là “Hạ Long trên Tây Nguyên”, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có cảnh quan tuyệt đẹp, hiện quản lý 20.338 ha rừng đặc dụng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông- Lâm Đồng. Lãnh đạo Khu BTTN này nhiều năm qua rất tin cậy giao khoán hơn 8.000 ha đất rừng cho 199 hộ đồng bào dân tộc Mạ ở các xã Ðắk Som, Ðắk P’lao (Ðắk Glong-Đắk Nông) và Ðạ K’nàng, Phi Liêng (Ðam Rông-Lâm Đồng). Mỗi hộ nhận công sá chỉ 7-8 triệu đồng/năm nhưng ngày nào cũng hăng hái tuần tra với tình yêu rừng bất tận, và cam kết sẽ bảo vệ đại ngàn xanh mãi.

PGS.TS. Bảo Huy khẳng định: Thực tế cho thấy không ai thật sự yêu rừng, quyết tâm bảo vệ rừng hơn cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Hữu hiệu hơn nữa, khi rừng được gắn liền với văn hóa truyền thống, hoặc huyền tích linh thiêng. Được cấp sổ đỏ giao rừng lâu dài, được hưởng lợi từ lâm sản và dịch vụ môi trường theo cơ chế rõ ràng chặt chẽ, đồng bào thường bảo vệ rừng rất tốt. 

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.