Mỗi bộ một phách, dân biết tin ai?

TP - Bộ TN&MT thông báo nước biển miền Trung đã có thể nuôi cá, bảo tồn được động vật thủy sinh. Bộ NN&PTNT sau đó liền khẳng định ngư dân có thể căng buồm ra khơi. Tiếp sau, Bộ Y tế lại thông báo, ăn cá chưa chắc đã an toàn. Những luồng thông tin chưa thực sự nhất quán về môi trường biển miền Trung sau thảm họa Formosa đang khiến người dân hết sức lo ngại...

Lại khẳng định ngư dân chưa nên ra lộng

Việc Bộ Y tế cho hay một số mẫu hải sản có nhiễm độc, trong đó có xyanua và phenol ở ngưỡng cao khiến nhiều người giật mình. Trong khi trước đó, một lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định ngư dân có thể ra khơi, đánh cá.

“Việc mỗi bộ theo chức năng thẩm quyền có công bố là cần thiết vì đúng trách nhiệm của họ. Việc bàn bạc để thống nhất phương án là cần thiết; tất nhiên là không phải bàn bạc để giấu thông tin”.

Ông Hoàng Đình Yên,

Tổng thư ký 

Hội nghề cá VN

Mang băn khoăn này trao đổi với Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám (phụ trách thủy sản), qua điện thoại, ông Tám cho hay, ông chưa chính thức nhận được các báo cáo nào của Bộ Y tế về mức độ độc hại của hải sản miền Trung nên chưa thể đưa ra khuyến cáo chính thức nào cho ngư dân. “Tôi biết đây là vấn đề rất quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, chưa có thông tin đầy đủ nên chưa thể đưa ra lời khuyên rõ ràng. Ngày 27/8, Bộ NN&PTNT sẽ họp tại TP Huế để bàn cùng 4 địa phương và các bộ ngành. Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, chúng tôi sẽ có khuyến cáo chính thức”, ông Tám cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuỷ sản (người cách đây vài hôm khẳng định ngư dân có thể ra khơi, không phân biệt vùng biển gần hay biển xa như trước đây) cho biết, ông cũng đang chuẩn bị lên máy bay để vào dự hội nghị nêu trên tại Huế. “Hội nghị bàn về việc đền bù, ổn định đời sống người dân nhưng việc sản xuất cho người dân cũng sẽ được bàn. Nội dung này rất quan trọng, phải xem xét rất kỹ lưỡng” - ông Oai trả lời câu hỏi nên khuyến cáo ngư dân thế nào sau khi Bộ Y tế công bố hải sản vẫn còn độc?

Nên làm kỳ công và thực chất

Ông Lê Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh Quảng Trị cho hay, trong các hệ lụy của Formosa, thông tin về chất độc tồn dư trong hải sản, tác động của chất độc này đến cơ thể người như thế nào là thông tin quan trọng nhất. Chính vì thế, các thông tin xoay quanh trục này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, thực sự khoa học khi công bố. “Mẫu cá xét nghiệm vẫn còn chất độc như Bộ Y tế công bố thì ngư dân đánh cá mới về, người ta có quyền cho rằng cá có chất độc, không mua. Hải sản ở biển còn độc, lấy nước biển vào nuôi cá, ai dám tin là đảm bảo”, ông Lê Bình phân tích.

Theo ông Bình, việc thông tin như vậy làm người dân mất niềm tin và thực sự không nhiều tác dụng. “Bộ NN&PTNT khuyến khích người dân ra biển. Nhưng ở Quảng Trị và 4 tỉnh miền Trung, chủ yếu là dân đánh bắt ven bờ. Tôi khẳng định, ở gần bờ biển Quảng Trị cá rất ít, có thì cá nhỏ; đánh về bán giá rẻ. Vì thế, có khuyến khích, ngư dân đánh vài bữa lại nghỉ”, ông Bình nói.

Tổng thư ký hội nghề cá Việt Nam Hoàng Đình Yên cũng cho rằng, việc 3 Bộ TN&MT, NN&PTNT và Y tế công bố thông tin như vừa qua tuy thể hiện được phần nào trách nhiệm nhà nước, nhưng thực tế đã làm người dân mất niềm tin. Ông Yên cho rằng, cá dưới biển còn độc mà khuyến khích ngư dân ra biển thì không chỉ ngư dân không tin mà đông đảo khách hàng - người dân mất niềm tin. “Các ông công bố rồi xuống tắm biển, nhưng sau đó có bộ khác nói là cá vẫn còn độc khiến dân không tin” - ông Yên nói.

Ông Yên cho rằng, việc thông tin các bộ khác nhau, dẫn đến những suy diễn khác nhau là không đáng xảy ra sau thảm họa Formosa.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.