Mỗi bộ, ngành chỉ được phép có 5 cấp phó

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng.
TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 9/4), các đại biểu đã bày tỏ quan điểm khá trái chiều nhau về việc có nên quy định cứng số lượng cấp phó vào trong luật.

Có “trần” mới ngăn được “lạm phát” cấp phó

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trước, đa số các đại biểu đều yêu cầu quy định “cứng” trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ. Đây là giải pháp được các đại biểu xác định nhằm chống tình trạng “lạm phát” cấp phó vốn đã diễn ra trong thời gian qua.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi Dự thảo theo hướng quy định “cứng” số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng ở các cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, giữ nguyên như quy định hiện hành mới là phù hợp. Bởi có quy định “mở” thì mới bảo đảm được tính năng động, chủ động của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

“Việc không quy định cụ thể số lượng cấp phó còn là để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước khác đã được Quốc hội thông qua như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân”, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.

Ông Bình cũng quả quyết, về cơ bản, số lượng cấp phó của các bộ trong nhiệm kỳ khóa 13 này không tăng hơn so với các khóa trước. Có bộ, số thứ trưởng tăng nhưng cũng có bộ giảm nên bình quân số lượng cấp phó vẫn cơ bản giữ nguyên.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, có những bộ đa ngành nên việc quy định “cứng” mỗi bộ không quá 5 thứ trưởng rất khó khăn. Đối với cấp tổng cục cũng vậy, chẳng hạn như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phải quản lý hàng triệu kilômét vuông biển, nếu chỉ có vài phó sẽ rất “căng”.

Tương tự, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nói, nếu đưa ra quy định “cứng” số lượng cấp phó như vậy sẽ không hợp lý. Chẳng hạn với một bộ rất rộng như Bộ NN&PTNT, nếu cũng quy định không quá 5 thứ trưởng sẽ rất khó trong việc phân công điều hành.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được quy định tối đa không quá 6 thứ trưởng, còn các bộ khác đưa ra mức giới hạn tối đa không quá 5 là phù hợp. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, ở cấp tổng cục nên quy định cấp phó không quá 4, với cấp cục không quá 3, còn ở cấp vụ chỉ nên quy định tối đa không quá 2 phó. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình với phương án mỗi bộ không quá 5 thứ trưởng.

Giảm đại biểu là giám đốc sở, ngành

Về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội đề nghị cần giảm cơ bản số lượng đại biểu HĐND ở các cơ quan hành chính nhà nước như giám đốc các sở, trưởng các ngành. Ngược lại, cần tăng số lượng đại biểu ở mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, các chuyên gia, nhà khoa học... “Không nên coi nặng cơ cấu mà cần coi nặng chất lượng, tăng cường số lượng đại biểu dám nói” - bà Nương nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách trong HĐND.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong HĐND, không để đại biểu chính quyền kiêm nhiệm, vì rất khó khăn, vướng mắc trong việc đi họp và đi giám sát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị cần đổi mới theo hướng tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, nhưng không nên quy định cứng nhắc.

“Nên xem xét mỗi tỉnh có bao nhiêu đại biểu là đủ, từ đó đưa ra tỷ lệ chuyên trách và kiêm nhiệm cho phù hợp, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội to như thế mà họp HĐND chỉ có 60 - 70 người thì không được, số lượng phải tăng lên. Hay ở cấp huyện, xã mà không có đại biểu chuyên trách cũng không được” - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân ở cả Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị trong luật cần ghi rõ trách nhiệm của cá nhân chủ tịch và tập thể UBND các cấp. Bởi theo bà, dù Nghị quyết HĐND rất hoành tráng nhưng nếu UBND không thực hiện, hoặc không thực hiện đầy đủ cũng không mang lại hiệu quả.

Thành lập thành phố Tam Điệp và thị xã Kỳ Anh

Chiều 9/4, với 100 ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua đề án thành lập thành phố Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh Bình) và thị xã Kỳ Anh (thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, việc thành lập thành phố Tam Điệp sẽ không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức. Riêng với thị xã Kỳ Anh, thì dự kiến sẽ cần 132 biên chế cán bộ, công chức. 

MỚI - NÓNG