Thảm đỏ vắng người tài - Bài 2:

Mời gọi còn ầu ơ

Mời gọi còn ầu ơ
TP - Các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL từng rộ lên phong trào trải thảm đỏ thu hút nhân tài với những món tiền hỗ trợ một lần hàng chục, hàng trăm triệu đồng, kèm theo các ưu tiên về hộ khẩu, nhà ở. Nay nhìn lại, trên thảm đỏ ở các địa phương, nhân tài thưa thớt.

>> Bài 1: Hết chỗ

Bằng cấp cao về ít hơn đi

Theo Sở Nội vụ Tỉnh Sóc Trăng, từ khi ban hành chính sách thu hút nhân tài, đến hết năm 2009, vẫn chưa có thạc sĩ hay tiến sĩ nào ở ngoài tỉnh về địa phương công tác.

Hiện tỉnh Sóc Trăng có 5 tiến sĩ, trên 100 thạc sĩ, đều là người địa phương, được tỉnh đưa đi đào tạo bằng ngân sách nhà nước.

Nhân tài ở đâu?

Năm 2007, một bác sỹ chuyên khoa cấp 2 ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mổ nội soi giỏi, nhưng bị đối xử đến mức phải tuyên bố "quyết ra đi dù phải làm đơn nghỉ việc".

Ông lên một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, được trân trọng phát huy khả năng. Tháng đầu thu nhập 34 triệu đồng, tháng thứ hai thu nhập 42 triệu đồng và đều đều đến nay.

Tỉnh Bạc Liêu có chính sách thu hút nhân tài từ cuối năm 2008, đến nay cũng chưa được một ai. Câu hát thuở nào "Bạc Liêu là xứ cơ cầu" xem ra chưa dứt.

Nhiều người cho rằng, chế độ trợ cấp chưa đủ hấp dẫn cộng thêm thủ tục "hành là chính" trong việc hỗ trợ tiền, vô tình biến trí thức thành người ăn xin nên trí thức càng xa lánh.

Ban hành chính sách thu hút nhân tài sớm nhất ĐBSCL có lẽ là tỉnh Cà Mau. Từ đầu năm 2003 đến nay, không được người nào, trừ 2 tiến sĩ được trên điều động như cho mượn.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Nguyễn Tuấn Khanh, tâm sự: "Cà Mau có tiềm năng nhưng vẫn còn nghèo, nghèo cả người khai thác tiềm năng". 

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ, từ cuối năm 2007, đến nay thu hút được một thạc sĩ. Trong hai năm, có 19 thạc sĩ nộp hồ sơ, nhưng chủ yếu ngành nghề mà thành phố không cần.

Nguyên nhân, theo GĐ Sở Nội vụ TP Cần Thơ Trần Oanh Liệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động đặt hàng ngành nghề, bằng cấp. Việc mời gọi còn ầu ơ, ứng viên nộp hồ sơ hú họa, thả chài quăng lưới.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tổ chức, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, cho hay, nhân tài không về mà lại ra đi. Có ít nhất ba ông tiến sĩ đã ra đi, còn thạc sĩ ra đi thì năm nào cũng có, số lượng chưa thống kê nhưng phải cả chục người. Có người được đào tạo ở nước ngoài, cam kết đàng hoàng nhưng vẫn ra đi.

Mới thu hút được cử nhân

Tỉnh Bạc Liêu, ban đầu đặt tiêu chuẩn thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, về sau nhận tất tật cả sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, được 108 người.  

Mời gọi còn ầu ơ ảnh 1  Nhân tài không về những địa phương vùng sâu, vùng xa, đôi khi chưa hẳn vì tiền.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ nhiều nơi còn coi trọng quê quán hơn bằng cấp.

Rồi điều kiện làm việc là cản trở lớn nhất, khiến nhân tài không đặt chân lên các thảm đỏ.

Sự phân biệt, cục bộ thường là nguyên nhân làm tàn lụi ngọn lửa nhiệt tình cống hiến của những người có bằng cấp cao. Mời gọi còn ầu ơ ảnh 2 - Một thạc sĩ sau khi rời Kiên Giang về công tác tại TP Hồ Chí Minh tâm sự

Tỉnh Cà Mau thu hút được 395 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng trong đó có đến 223 người công tác ở ngành GD&ĐT, 70 người ngành y tế, 92 người ngành khuyến ngư, khuyến nông và chỉ có 10 người công tác tại xã.

Một cán bộ Sở Nội vụ Cà Mau, làm công tác tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh viên về xã, ngán ngẩm: "Nhiều sinh viên đến lấy mẫu hồ sơ rồi một đi không trở lại".

Các ứng viên trẻ nhiệt tình nhưng thiếu vốn thực tế nên khó hòa nhập với công việc ở cơ sở. Bảy năm qua, tỉnh động viên các cử nhân xây dựng đề án phát triển KT-XH ở địa phương bằng giải thưởng nhưng chưa ai làm được.

Thị trấn Càng Long có sáu cử nhân về công tác. Một người đã rời xã vì xin được việc ở tỉnh, năm người đang trong giai đoạn thử thách.

Anh Nguyễn Thanh Trí, cử nhân kinh tế ngoại thương lúc đầu về thị trấn được bố trí làm kế toán, sau chuyển qua công tác đoàn và hiện là Bí thư Đoàn TN thị trấn.

Những kiến thức ở trường hầu như không dùng đến, các cử nhân phải học thêm rất nhiều mới làm được việc. Làm trái nghề lại càng bỡ ngỡ, trong khi thu nhập thấp.

"Công tác ở cơ sở được gần nhà nhưng thua thiệt nhiều. Người chọn về cơ sở chủ yếu vì tâm huyết với quê hương", anh Trí nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.