Mỗi hécta chỉ thu được 90 nghìn đồng

Nông trường chè Mộc Châu, Sơn La là một trong những đơn vị thuộc ngành sản xuất nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nông trường chè Mộc Châu, Sơn La là một trong những đơn vị thuộc ngành sản xuất nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/9, Đoàn giám sát cùng nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập về tình trạng sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, đối tượng, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất nông, lâm trường trong giai đoạn 2004 - 2014.

Theo báo cáo của Chính phủ, trước năm 2004, 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích hơn 297 nghìn ha. Hiện cả nước có 642 nông, lâm trường đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 7,5 triệu ha, chiếm 95% tổng diện tích đất đang sử dụng. Trong đó Nhà nước giao đất không thu tiền cho 526 nông, lâm trường, 242 nông, lâm trường, đang quản lý sử dụng diện tích 1,9 triệu ha, phải chuyển sang diện thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.

“Trong 10 năm với chừng ấy diện tích đất mà chỉ nộp ngân sách 1.800 tỷ đồng, không bằng một nhà máy. Tính ra mỗi năm cũng chỉ có 180 tỷ đồng, nghĩa là chỉ có 90 nghìn đồng mỗi hécta. Như vậy là chỉ thu được bằng gần 10 kg gạo mỗi hécta, thế thì nguy hiểm quá”.

Ông Phùng Quốc Hiển

Đặc biệt, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (Trưởng Đoàn giám sát) cho biết, qua giám sát đã phát hiện số đơn vị thực hiện đúng các quy định về thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất rất ít. Cụ thể mới chỉ có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472 nghìn ha.

Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, hiện cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai. Theo ông Ksor Phước, qua giám sát cho thấy diện tích bị lấn chiếm, tranh chấp ở các địa phương lớn hơn rất nhiều so với báo cáo.

Đáng chú ý, mặc dù các nông, lâm trường được giao quản lý diện tích rất lớn với gần 8 triệu ha, song việc sử dụng đất lại kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.

Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã phải giật mình con số tính toán: “Trong 10 năm với chừng ấy diện tích đất mà chỉ nộp ngân sách 1.800 tỷ đồng, không bằng một nhà máy. Tính ra mỗi năm chỉ có 180 tỷ đồng, nghĩa là chỉ được 90 nghìn đồng mỗi hécta. Như vậy tính ra chỉ thu được khoảng 10 kg gạo mỗi hécta, thế thì nguy hiểm quá”.

“Nếu cứ giữ thế này thì rất gay”

Để khắc phục những bất cập đang xảy ra, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần cấp thiết phải chuyển giao ngay, trên cơ sở đó phải chuyển đổi sản xuất, giao đất giao rừng cho người dân thì mới mang lại hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đưa ví dụ về trường hợp ở nông trường Sông Hậu đến nay đất đai phần lớn đã bị tư nhân hóa. Thậm chí đất nông, lâm trường do các đơn vị quân đội quản lý, vốn được đánh giá là hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Trước tình trạng lãng phí, ông Sơn đề nghị kiên quyết thu hồi đất vi phạm, sử dụng không hiệu quả và giao lại cho người dân canh tác.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang đề nghị phải kiên quyết giải thể doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, “nếu cứ giữ thế này thì rất gay”. Mặt khác tới đây cần phải thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì, kiên quyết xử lý các sai phạm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, tình trạng quản lý đất nông, lâm trường đã lộ diện sự lúng túng, dẫn đến sai phạm, gây bức xúc cho nhân dân cũng như người lao động làm việc tại các nông, lâm trường… Yêu cầu phải khắc phục tình trạng lãng phí, thất thu ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý ra Nghị quyết về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp.  

MỚI - NÓNG