Mỏi mắt chờ các khu đô thị đại học đẳng cấp - Bài 2

Mỏi mắt chờ các khu đô thị đại học đẳng cấp - Bài 2
TP - Được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 từ tháng 3/2002 nhưng đến nay dự án khu đô thị đại học Tây Nam Hà Nội vẫn “đắp chiếu”.

>> Bài 1: Xây dựng ĐH Quốc gia HN tại Hà Tây với tốc độ... rùa!

Mỏi mắt chờ các khu đô thị đại học đẳng cấp - Bài 2 ảnh 1

Nhiều diện tích đất quy hoạch nay đã thành bãi chăn thả trâu bò. Ảnh: Tuấn Minh

Đất trong khu vực bị thu hồi nhiều nơi đã trở thành bãi chăn thả trâu bò, bị hoang hoá do thiếu nước tưới, trong khi trên 3.000 hộ nông dân thuộc hai xã Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm) thiếu đất sản xuất.

Nông dân phải bỏ ruộng hoang

Là nông dân làm ruộng mấy đời nhưng gia đình anh Đỗ Như Nguyên ở thôn Phú Thứ, xã Tây Mỗ đã buộc phải chia tay với ruộng đồng từ hơn 3 năm nay.

Người gầy đen nhưng anh Nguyên vẫn cùng vợ còng lưng mầy mò học nghề gò hàn tôn, đóng hòm đựng sách vở quần áo bán cho sinh viên kiếm sống và nuôi hai con ăn học.

“Tôi không còn hy vọng gì vào đồng ruộng nữa vì đất bị thu hồi, không có nước tưới, lúa thường bị chuột phá nên năng suất thấp”- Anh Nguyên nói.

Hơn 2.000 m2 đất canh tác của gia đình rơi vào vùng quy hoạch xây dựng khu đô thị đại học Tây Nam Hà Nội nhưng vẫn chưa nhận được tiền đền bù đã khiến anh trễ nải việc đồng áng. Kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi cây trồng của anh trên mảnh đất ấy cũng tiêu tan vì không biết khi nào Nhà nước lấy đất.

Kết quả là hơn 2.000 m2 đất canh tác màu mỡ cách đây mấy năm còn cho thu hoạch hơn 1,2 tấn lúa mỗi vụ nay đã trở thành bãi cỏ dại. Anh Nguyên chỉ là một ví dụ trong số hàng ngàn hộ dân có đất canh tác rơi vào khu quy hoạch.

Dự án có quy mô dự kiến là hơn 353 ha. Trong đó, khu đô thị đại học gồm các khu chức năng chính như: Khu vực công trình công cộng cấp đô thị gồm tổ hợp các công trình cao tầng có chức năng thương mại, dịch vụ phục vụ cho khu đô thị đại học và các điểm dân cư lân cận.

Các khu vực phát triển: Gồm nhiều công trình nhằm bố trí đồng bộ các công trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và ký túc xá cho sinh viên... đáp ứng cho khoảng 3-3,5 vạn sinh viên, cán bộ giảng dạy; số sinh viên trong ký túc xá dự kiến khoảng 1,5 vạn người...

(Nguồn: Dự thảo Quy hoạch chi tiết khu đô thị ĐH Tây Nam Hà Nội tỷ lệ 1/500 đưa ra lấy ý kiến)

Đại diện UBND xã Tây Mỗ cho biết: Riêng tại Tây Mỗ đã có khoảng 3.000 hộ dân có đất canh tác rơi vào khu quy hoạch và chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án này. Kể từ khi thành phố có quyết định thu hồi đất vào tháng 5/2004, xã đã tiến hành bàn giao mốc giới cho Ban Quản lý dự án (thuộc Bộ GD&ĐT).

Thêm nữa, việc triển khai xây dựng đường cao tốc Láng-Hoà Lạc đã lấp cả con kênh dẫn nước tưới cho khoảng 6 ha đất canh tác. Nhiều giống cam, giống bưởi năng suất cao, nhiều hộ dân cũng không dám đầu tư trồng vì đất đã bị thu hồi, phải giữ nguyên hiện trạng.

Ai chịu trách nhiệm?

Nhiều người dân khi gặp chúng tôi đều bức xúc trước việc dự án triển khai quá chậm tác động xấu đến sản xuất và đời sống mà cũng không biết kêu ai vì hỏi xã, xã cũng đành chịu, hỏi huyện thì huyện cũng chào thua vì đây là quyết định của thành phố và các cơ quan cấp trên.

Và cũng kể từ khi tiếp nhận dự án, thêm nhiều gánh nặng đè lên vai chính quyền cơ sở vì một mặt phải ngày đêm lo chống lấn chiếm, xây dựng, ngăn chặn chôn cất người chết, chuyển nhượng đất trái phép thuộc khu quy hoạch; mặt khác, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế của xã bị đảo lộn do hầu hết phần đất canh tác đã bị thu hồi và chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng dự án. Nhiều cán bộ địa phương cũng khổ sở khi bị “cuốn” vào các dự án “treo”.

Chúng tôi mang câu hỏi của người dân tìm đến huyện Từ Liêm thì thông tin về dự án “treo” này cũng còn khá sơ lược. Đến tháng 4/2007, cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm mới tham gia góp ý quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án này trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt vào tháng 3/2002 và Quyết định thu hồi đất vào tháng 5/2004 giao cho Ban quản lý dự án khu đô thị đại học thuộc Bộ GD&ĐT.

Liên hệ với Ban Quản lý dự án có văn phòng đặt tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi được giới thiệu lên gặp lãnh đạo Bộ GD&ĐT...“Dự án lấy đi phần đất được xem là đẹp nhất của xã, bám theo hai bên đường cao tốc Láng-Hoà Lạc và kéo dài 2,1 km. Xã gần như đã bị thu hồi hết phần đất canh tác để làm các dự án.

Nguyện vọng của người dân nơi đã bị thu hồi đất đề nghị cơ quan chức năng sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai dự án để địa phương và người dân có định hướng trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống...”- Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ Bùi Hữu Hớn đề nghị.

Như vậy, cùng với dự án xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc-Hà Tây bị chậm tiến độ, chủ trương di dời các trường đại học nhằm giảm tải cho trung tâm Hà Nội và tạo môi trường học tập tiêu chuẩn, hiện đại cho sinh viên đang cần những giải pháp mạnh và hợp lý hơn.

MỚI - NÓNG