Mỗi năm gần 1.000 người mắc lao mới

Mỗi năm gần 1.000 người mắc lao mới
TP - Không chỉ đối mặt với 15.000 bệnh nhân lao và 7.000 bệnh nhân phổi nằm trong chương trình chống lao, TPHCM còn đang phải đối mặt với tình trạng nguồn lây của căn bệnh nguy hiểm này ngoài tầm kiểm soát.

Trong 1.647 phòng mạch tư có 48 phòng khám có bác sĩ  chuyên khoa lao đảm trách. Hệ thống y tế tư nhân này đang là điểm đến lý tưởng cho các bệnh nhân lao không nằm trong chương trình chống lao của TPHCM.

Đại diện Bệnh viện FV TPHCM cho biết, từng phát hiện khá nhiều bệnh nhân lao là người nước ngoài nhưng chưa thấy có quy chế quản lý họ.

Một khảo sát tại TPHCM năm 2008, cho thấy 3/4 số bệnh nhân chọn y tế tư là nơi khám bệnh đầu tiên và có khoảng 30 phần trăm bệnh nhân lao tại TPHCM tìm đến y tế tư.

Bác sĩ Trần Ngọc Bửu- Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: Kết quả khảo sát trong năm 2008, bên cạnh 15.000 bệnh nhân đăng ký điều trị lao trong hệ thống y tế công cũng có ít nhất 2.000 bệnh nhân điều trị tư nhưng không được đăng ký vào báo cáo.

70 phần trăm trong số này là người thường trú tại TPHCM. Đặc biệt, nguồn lây mới ước tính vào khoảng một nghìn người/năm. Trong năm 2004 - 2008 giảm khoảng 5/6 phần trăm bệnh nhân lao đăng ký điều trị so với giai đoạn trước đó.

Điều lo ngại hơn là nhóm bệnh nhân tuổi 15-24 cũng giảm đăng ký điều trị, trong khi đây là đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi HIV và nghiện ma túy.

Số bệnh nhân lao mới tăng lên, theo các bác sĩ, là kết quả điều trị tại khu vực y tế tư nhân thấp hơn so với khu vực nhà nước. Trong chương trình chống lao luôn có trên 80 phần trăm bệnh nhân hoàn tất trị liệu, còn con số này tại y tế tư nhân chỉ khoảng 40 phần trăm.

Tìm giải pháp

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Dũng- Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Phạm Ngọc Thạch TPHCM, việc phối hợp với y tế tư được khẳng định là một thành tố quan trọng làm tăng hiệu quả dịch tễ của chương trình chống lao.

Tiến sĩ Dương Quang Trung- Chủ tịch Hội Hành nghề Y Tư nhân TPHCM,  cũng cho rằng, hiện vẫn chưa có quy chế phối hợp chống lao giữa công- tư một cách rõ ràng.

Theo ông, TPHCM với gần 30 bệnh viện tư nhân và hàng ngàn phòng mạch tư, nếu tham gia phát hiện, điều trị bệnh nhân lao sẽ rất tốt.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Châu- Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc ký văn bản ghi nhớ liên minh mới: “Y tế công - tư trong công tác phòng chống lao” từ nay đến tháng 12/2011 để hướng tới mục tiêu giảm 50 phần trăm số người mắc và chết do lao vào năm 2015 so với năm 2000 là rất quan trọng. 

Việt Nam là một trong 12 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Hôm nay (24/3), Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống Lao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong danh sách 22 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bệnh lao.                                                                        Huy Thịnh

Bệnh lao gia tăng ở tỉnh biên giới

Theo thống kê của trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Lạng Sơn, hàng năm số người mắc bệnh lao trên địa bàn đến các cơ sở y tế khám mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2004 có gần 4.000 người thì năm 2008 có 5.459 người. Bình quân số bệnh nhân lao các thể ở Lạng Sơn được phát hiện mới qua các năm từ 750 đến 800 người.  Nguyễn Duy Chiến

MỚI - NÓNG