Mỗi năm tăng thêm 7 đơn vị hành chính cấp huyện

Làm thủ tục hành chính tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)
Làm thủ tục hành chính tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)
TP - Theo thống kê, từ năm 1993 đến 2013, trung bình cứ 2 năm tăng thêm 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi năm tăng thêm 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã do chia tách các đơn vị hành chính. Đây là một trong những yếu tố làm tăng biên chế, đơn vị hành chính trong thời gian qua trên cả nước. 

Thông tin này được lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 7/7.


Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là đối với hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, trên nguyên tắc của một Nhà nước thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. 

Tuy nhiên, Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp năm 2003 hiện có những bất cập cần khắc phục như: Các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã về cơ bản là giống nhau; không phân biệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu UBND; chưa phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn trong điều kiện hiện nay. 

Một trong những yêu cầu của luật này là sớm ổn định các đơn vị hành chính các cấp, hạn chế chia tách để tăng thêm các đơn vị hành chính. Muốn vậy cần làm rõ thẩm quyền và phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền. Trong đó, phân cấp rõ công việc chính quyền Trung ương, địa phương và có việc cả Trung ương và địa phương cùng làm như thế nào. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp trong nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính thời gian qua và việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM và Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp. 

Hiến pháp năm 2013 quy định nhiều điểm mới quan trọng về chính quyền địa phương đã đặt ra yêu cầu cụ thể hóa trong Luật về chính quyền địa phương. Một điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo luật là bỏ chức danh Ủy viên thường trực HĐND. Thành lập thêm Ban Đô thị của HĐND thành phố, thị xã.

Trong thảo luận, các đại biểu cho rằng, yêu cầu quan trọng nhất là không tăng biên chế, đầu mối trong các cơ quan nhà nước. Do vậy phải hết sức cân nhắc khi tăng bộ máy tại HĐND địa phương. Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, tại địa phương Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND không do HĐND bầu nên cần xem xét việc đưa vào đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm tại HĐND. 

MỚI - NÓNG