Vụ nổ gas tại khu đô thị Đại Kim (Hà Nội):

Mối nguy hiểm từ những tờ tiếp thị, quảng cáo

Mối nguy hiểm từ những tờ tiếp thị, quảng cáo
Dù đã được khuyến cáo về việc sang chiết gas trái phép, nhưng nhiều người vì lợi nhuận mà vẫn làm, còn người sử dụng thì chưa được hướng dẫn cách sử dụng gas sao cho an toàn.
Mối nguy hiểm từ những tờ tiếp thị, quảng cáo ảnh 1
Khu nhà bếp nhà bà Như bị phá hủy

Cho đến giờ gia đình nhà ông Vũ Công Tâm nhà 171 C4 – khu đô thị Đại Kim (Hà Nội) vẫn chưa biết tìm ai để được nhận tiền bồi thường thiệt hại về tài sản và tính mạng do vụ nổ gas. Gia đình ông đành phải chờ các cơ  quan chức năng truy tìm đại lý đã cung cấp gas.

Tình cảnh gia đình ông Tâm phản ánh một thực trạng nguy hiểm hiện nay trên thị trường cung cấp gas. Các cửa hàng kinh doanh gas hiện nay thường sử dụng những tờ rơi phát đến từng gia đình để cạnh tranh cũng như quảng bá thương hiệu của mình. Tuy nhiên, việc phát tờ rơi của các đại lý chính hãng thì hoàn toàn khác với những cơ sở cung cấp gas không rõ nguồn gốc.

Đơn cử như Cty Cổ phần Gas Petrolimex với hệ thống 15 cửa hàng chính hãng và các đại lý lớn trên địa bàn Hà Nội. Việc in tờ rơi của Cty cũng được thống nhất với quy trình duyệt maket chuyên nghiệp nên nội dung tờ rơi rõ ràng và có sự khác biệt.

Trong khi đó những tờ rơi mà rất nhiều gia đình nhận được đa phần chỉ có số điện thoại chứ không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Chính điều này đã dẫn tới tình cảnh như gia đình ông Tâm, khi có sự cố thì chẳng biết kêu ai.

Dạo qua những cửa hàng cung cấp gas đến tận nhà theo tờ rơi mới thấy đa số là những cửa hàng nhỏ lẻ, không có địa chỉ rõ ràng. Cửa hàng gas Đại Dương nằm trên đường Nguyễn Trãi trong tờ rơi chỉ có tên cửa hàng và số điện thoại liên lạc.

Khi hỏi về vấn đề bảo hiểm thì được trả lời: “Cứ yên tâm cửa hàng luôn có bảo hiểm rõ ràng cụ thể. Không nổ đâu mà sợ... ”. Cách đấy không xa là một tổng đại lý của Shell Gas, chứng từ bảo hiểm đều được ép khung kính treo cẩn thận trên tường để khách hàng có thể thấy được.

Theo các nhân viên ở đây, mặc dù các đại lý chính hãng có đủ chứng từ bảo hiểm, và phát tờ rơi quảng cáo, nhưng luôn bị các cửa hàng tư nhân “chèn ép”. Các cửa hàng tư nhân lợi thế hơn rất nhiều trong việc phát tờ rơi, họ có một đội ngũ “nhân viên” rất chịu khó len lỏi luồn lách. Các “nhân viên” này khi vào làm  công tác “vệ sinh” bếp cho chủ thường không quên dán số điện thoại của cửa hàng mình.

Còn người tiêu dùng chỉ lưu ý tới số điện thoại liên lạc mà không chú ý việc những tờ rơi đó có địa chỉ rõ ràng, có những lời khuyên khi sử dụng gas và bếp gas hay không.

Ông Vũ Long - Trưởng phòng Kinh doanh Cty Shell Gas Việt Nam - cho biết: Hiện tại Cty có khoảng 100 đại lý trên toàn miền Bắc, nhưng cũng như các Cty cung cấp gas khác, khó tránh khỏi việc bị ăn cắp thương hiệu, hay làm giả. Một số cửa hàng không rõ nguồn gốc vẫn đàng hoàng lấy bình của công ty sau đó sang chiết gas vào để bán thu lợi.

Ông Long cho biết thêm ông cảm thấy may mắn vì Cty ông chưa “mắc” phải một sự việc nào như sự việc đã xảy ra tại khu đô thị Đại Kim. Đó chính là điều mà các Cty vẫn lo ngại, gas không phải mà bình lại của mình thì khi có sự cố dễ gây ra những rắc rối khó giải quyết.

Cũng như Petrolimex, Shell Gas thường xuyên đưa ra những khuyến cáo với người sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng cũng chưa thực sự có tác dụng. Có lẽ sau những vụ việc đáng tiếc vừa qua thì người dân sẽ chú ý hơn và sẽ đặt gas tại các đại lý chính hãng.

Còn Đại tá Bùi Văn Ngần - Cục trưởng Cục PCCC (Bộ Công an) - cho biết: Hiện nay tình hình kinh doanh sử dụng khí gas được phép và trái phép ngày càng tăng, không đảm bảo an toàn về PCCC và có nguy cơ cháy nổ rất cao.

Nhiều cơ sở kinh doanh không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC đến các công trình xung quanh, chưa phân chia ra các gian bán hàng, khu vực kho, thiết bị điện không phải là thiết bị phòng nổ... trong khi khu vực thoát hiểm lại chưa đảm bảo.

MỚI - NÓNG