“Moi trộm” 1 triệu m3 cát Cửa Đại?

Tàu hút cát tại Cửa Đại. Ảnh: N.T.
Tàu hút cát tại Cửa Đại. Ảnh: N.T.
TP - Biển Cửa Đại (Hội An) sạt lở dữ dội từ 2 năm nay, chính quyền Quảng Nam đã phải cầu cứu các chuyên gia khắp nơi trong và ngoài nước, cũng như thực hiện nhiều phương án cứu bãi biển Cửa Đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng về tận nơi thị sát chỉ đạo. Thế nhưng giữa lúc Cửa Đại đang “khát” từng hạt cát, thì có doanh nghiệp thuộc dạng “đại gia” đã có dấu hiệu “moi ruột” tới 1 triệu m3 cát từ Cửa Đại để san nền công trình lấn biển của mình tại Đà Nẵng?

Hợp đồng “khủng”

Cụ thể, đó là hợp đồng số 01/017/ĐP “Vận chuyển và bơm cát san nền cho công trình Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước tại địa điểm xây dựng: phường Thanh Bình - Thuận Phước, quận Hải Châu và phường Tam Thuận - Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng”, giữa Công ty Cổ phần Trung Nam (trụ sở tại Đà Nẵng - bên A) và Công ty TNHH Tuấn Sinh (trụ sở tại TP Nam Định - bên B).

Theo điều 1 của bản hợp đồng này: “Bên A đồng ý giao và bên B đồng ý nhận thực hiện công việc hút cát lên tàu, vận chuyển đến công trường và bơm xả cát để san nền dự án Khu Đô thị mới Quốc tế Đa Phước. Địa điểm khu vực hút cát: vùng biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam. Vị trí đặt ống bơm cát vào công trường cách mép nước biển 30m và bắt đầu từ đây sẽ bơm ra xa bờ”. Đơn giá, khối lượng và giá trị hợp đồng ghi rõ 60.000 đồng/m3, với khối lượng 1.000.000 m3 thành tiền 60 tỷ đồng. Hợp đồng cũng ghi rõ số lượng tàu hút, thiết bị bơm (phao bơm) của bên B dự kiến phục vụ thi công là từ 5 - 10 tàu, khoang chứa mỗi tàu phải chở được 800m3 cát. Số lượng thiết bị bơm, ít nhất là 3 hệ thống thiết bị bơm hút, xả. Tùy thuộc khối lượng và thiết bị bơm cần thiết theo từng giai đoạn thi công của dự án.

Theo hợp đồng này, từ tháng 1/2017 đến hết tháng 2/2017 sẽ hút và vận chuyển cát 3.000m3/ngày. Từ tháng 3 đến tháng 9/2017 tăng lên 10.000m3/ngày. Trách nhiệm của Công ty Trung Nam, là: “Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của mỏ cát nơi bên B bố trí thiết bị bơm hút, vận chuyển…; Chịu trách nhiệm thả phao xác định khu vực hút cát…; Đảm bảo đủ trữ lượng để bên B khai thác…; Chịu các khoản thuế như thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường...”. Nếu chậm trễ thực hiện theo tiến độ hợp đồng trên, bên B là Công ty Tuấn Sinh sẽ phải chịu phạt 2% giá trị của phần công việc chưa thực hiện theo hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm. Ngược lại Công ty Trung Nam phải đền bù thiệt hại cho bên hút cát nếu “không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến khai thác cát…”. Hợp đồng được ông Bùi Xuân Định - Tổng GĐ Công ty CP Trung Nam và bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Sinh cùng ky.

Trong khi đó, sáng 22/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh khẳng định với PV Tiền Phong, rằng tỉnh không hề cấp phép cho dự án hút cát nào đưa ra khỏi địa phương. Hiện, tại Cửa Đại chỉ có 2 dự án đang nạo vét luồng lạch từ xa để lấy cát bơm về bãi Cửa Đại chống sạt lở với tổng khối lượng 150.000m3 cát. Một dự án do Cục Đường thủy nội địa thực hiện (80.000m3), và dự án còn lại (70.000m3) do thành phố Hội An quản lý. Thời gian thực hiện bắt đấu từ đầu tháng 2/2017.

Tàu chở cát Cửa Đại “lộn đường” ra… Đà Nẵng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trả lời PV Tiền Phong về “hợp đồng hút 1 triệu khối cát Cửa Đại”, cho biết sáng 22/3 nghe một số báo điện hỏi ông mới biết. “Tỉnh hoàn toàn không có chủ trương về việc này. Ai làm vậy là hoàn toàn sai phạm”. Ông Thanh cũng đặt nghi vấn, rằng xem đó có phải là hợp đồng “lừa đảo”, hay là hành vi “xúc trộm cát”? Ngoài ra, còn trách nhiệm của Ban quản lý dự án nạo vét, quản lý địa phương, biên phòng, cảnh sát biển… như thế nào? Đã bắt lập biên bản trường hợp nào chưa?

Trong khi đó, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, kể gần đây có nghe dân địa phương râm ran chuyện xúc cát từ Cửa Đại chở ra Đà Nẵng. Đến rạng sáng ngày 4/3 mới đây, ông Sự được người dân điện báo đang  có tàu chở cát có dấu hiệu đáng ngờ. Lập tức ông điện cho Biên phòng, ủy ban phường Cửa Đại, quản lý Tài nguyên môi trường và cả Phó chủ tịch TP Hội An. Một ca nô và 2 thuyền dân vội chạy đuổi theo, phát hiện 3 tàu chở cát đã chạy tới tận khu vực Điện Ngọc (Điện Bàn) về hướng Đà Nẵng. “Tiếc rằng anh em có lẽ chưa nắm được sự việc nghiêm trọng ở phía sau. Các tàu này nói do “chạy lộn đường”, với lại đều là tàu quen đang hút cát cho dự án chống sạt lở Cửa Đại, nên anh em chỉ buộc các tàu này quay về đổ lại cát vào bãi Cửa Đại, mà không lập biên bản”, ông Sự cho biết. Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, ông Nguyễn Sinh trả lời PV đã thừa nhận có sự việc trên.

Ngày 8/3, lãnh đạo Hội An sau đó đã họp khẩn, quyết định từ nay chỉ cho phép các tàu hút cát (thuộc 2 dự án của địa phương) hoạt động từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, khi đi và về phải thông báo cho đồn biên phòng. Tất cả các tàu hút phải rời khỏi vị trí hút vận chuyển cát về đúng nơi quy định. Trước khi bơm cát vào bãi phải thông báo cho đồn biên phòng, Đoạn quản lý đường thủy nội địa, UBND phường Cửa Đại để giám sát. Đồng thời thông báo cho Ban quản lý dự án, Ban tư vấn thiết kế kiểm tra khối lượng cát trước khi bơm xả. Tuyệt đối nghiêm cấm các phương tiện vận chuyển cát ra khỏi khu vực dự án.

Chiều qua, 22/3, đại tá Nguyễn Hữu Hạnh - Trưởng phòng Phòng chống ma túy- tội phạm (BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam) đã làm việc với Đồn Biên phòng Cửa Đại để nắm tình hình và chỉ đạo  quyết liệt tuần tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng “cát tặc” tại khu vực này.

Chiều 22/3, tại Đồn Biên phòng Cửa Đại diễn ra cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo TP Hội An với các ngành, đơn vị có liên quan về công tác phối hợp, giám sát hoạt động hút cát trên luồng đường biển Cửa Đại. Đồng thời phối hợp với ngư dân, người dân tăng cường phát hiện hiện tượng “cát tặc” núp bóng dự án này để khai thác cát, đưa đi nơi khác tiêu thụ.

Theo thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại,  nhiều nguồn tin của các ngư dân trình báo, phát hiện các tàu hút cát trên biển cách cảng Cửa Đại khoảng 5 hải lý, thường hoạt động về đêm lúc 1-2h sáng. Các tàu này tắt đèn để hút cát rất khó phát hiện, chỉ khi ngư dân tiến lại gần mới phát hiện thì các tàu này di chuyển bỏ đi. Tuy nhiên, khi biên phòng điều tàu ra kiểm tra thì không phát hiện. Hiện lực lượng biên phòng vẫn tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xác minh và xử lý các trường hợp này.

Tại cuộc họp, lộ ra nhiều bất cập về công tác quản lý, giám sát trong dự án nạo vét luồng lạch Cửa Đại. Đơn cử, có 15 tàu thuộc 3 Cty: Thành Đô, Thuận Lưu, Sơn Thịnh được cấp phép hoạt động tại đây. Thế nhưng chỉ có 8 tàu thi công. Việc giám sát khối lượng cát đã hút, số chuyển ra mỗi ngày và khối lượng cát đổ về bãi cũng khó nắm bắt. Đồn Biên phòng Cửa Đại cũng vừa phát hiện và xử phạt 2 trường hợp tàu hút cát không có giấy phép tại luồng Cửa Đại. Trong lúc tuần tra, giám sát trên biển, lực lượng chức năng sẽ mang theo vũ khí để kịp thời ngăn chặn các trường hợp “cát tặc” quá khích chống trả.           

Hoài Văn

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.