Mỗi UVTƯ phải là tấm gương về cuộc sống trong sạch

Mỗi UVTƯ phải là tấm gương về cuộc sống trong sạch
Trong phiên bế bạc, tôi xin nhấn mạnh thêm một số ý kiến chung quanh Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

1- Từ khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong những năm qua, nhất là khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa IX, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt một số kết quả nhất định; nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng tồn tại từ lâu đã bị phát hiện, xử lý; tệ tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phạm vi rộng, tính chất rất phức tạp làm cho nhân dân lo lắng, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.

Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã yêu cầu "Toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí". Thể hiện quyết tâm chính từ đó, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra nghị quyết nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin trong Đảng và trong nhân dân; xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương phải được quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trước hết, các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng và các cán bộ cao cấp của toàn bộ hệ thống chính trị phải là những người nêu gương về sự trong sạch, kiên quyết đấu tranh và đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, lãng phí.

Chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài, phức tạp. Nhìn xuyên suốt cả nhiệm vụ đấu tranh thì phòng ngừa là chính. Nhưng trước tình hình bức xúc hiện nay, phải hết sức coi trọng việc kiên quyết đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý cũng là để răn đe, là một biện pháp phòng ngừa. Tích cực phòng ngừa và kiên quyết phát hiện xử lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không vì phòng ngừa là chính mà không kiên quyết điều tra, xử lý những vụ việc đã rõ, cũng như không chỉ kiên quyết xử lý mà coi nhẹ các biện pháp cơ bản để phòng ngừa.

2- Cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí đòi hỏi phải tiến hành và thực hiện nghiêm túc các giải pháp đồng bộ. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Trung ương đã đề ra các nhóm giải pháp về tư tưởng, chính trị, kinh tế, pháp luật, bao gồm giáo dục đạo đức, lối sống; bổ sung hoàn chỉnh các cơ chế, quy định trước hết về quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính; cải cách hành chính nhà nước; cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát; thực hiện cơ chế giám sát của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, của cơ quan truyền thông đại chúng và của nhân dân; tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo, bảo vệ và có chính sách khen thưởng người tố cáo đúng các vụ tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm khắc những ai trù dập người tố cáo hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng để vu khống, hãm hại người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời bảo đảm tính trung thực, chính xác, hoạt động đúng luật pháp, kiên quyết khắc phục lối thông tin một chiều hoặc quy kết một cách không căn cứ, làm lộ lọt bí mật của cơ quan điều tra.

Hành vi tham nhũng, lãng phí là biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ".

Do đó, trong thời gian tới, kết hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, toàn Đảng sẽ tiếp tục tiến hành một cách thiết thực cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện trong cán bộ, đảng viên, công chức.

Cùng với việc giáo dục đạo đức là giáo dục chính sách, luật pháp, đặc biệt là Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... để mọi người tuân theo và có căn cứ để giám sát đảng viên, giám sát cán bộ, công chức. Nêu gương người tốt, việc tốt, gương cán bộ, công chức liêm chính để đẩy lùi tư tưởng và hành vi tiêu cực; biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh này. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống và đi đầu trong cuộc đấu tranh; coi đó là một tiêu chí để đánh giá và xem xét, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Đồng thời các cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật trong trường hợp cán bộ, công chức trong tổ chức của mình có hành vi tham nhũng, lãng phí cần xử lý, không được dung túng, bao che. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, dù đương chức hay nghỉ hưu.

Kinh nghiệm xử lý các vụ tham nhũng vừa qua cho thấy vai trò cán bộ quản lý và người đứng đầu các tổ chức là rất quan trọng. Cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu liêm khiết, gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không tơ hào hoặc phung phí của công thì cơ quan, tổ chức đó sẽ trong sạch, công tác có hiệu quả, được nhân dân tin yêu.

Do đó, việc quản lý cán bộ, đánh giá đúng, sử dụng và bổ nhiệm đúng có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những người mắc vào tệ tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm như miễn nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu các tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng.

Mỗi đồng tiền ngân sách, có nguồn gốc từ ngân sách hoặc tài sản của tập thể đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, của tập thể, do đó phải có trách nhiệm sử dụng đúng luật pháp, đúng chính sách và có hiệu quả. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện những quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai và minh bạch việc mua sắm công cũng như các hoạt động kinh tế khác theo luật pháp.

Không dùng công quỹ làm quà tặng mang tính cá nhân; không sử dụng những phương tiện công tác và sinh hoạt quá quy định; không tổ chức các cuộc hội họp hình thức, tốn kém công của và thời gian; không lợi dụng các sinh hoạt riêng như việc tang, việc cưới, sinh nhật... để phô trương thanh thế và thu lợi bất chính.

3- Tuy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là khó khăn và phức tạp, nhưng với quyết tâm cao của toàn Đảng và của Ban Chấp hành Trung ương, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đòi hỏi thực hiện tốt; lại có Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, có các cơ quan chức năng được củng cố và những kinh nghiệm trong các cuộc đấu tranh với các vụ án tham nhũng, lãng phí lớn vừa qua, chúng ta tin tưởng cuộc đấu tranh sẽ thắng lợi, góp phần giữ vững ổn định chính trị -xã hội, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đồng thời phải giữ vững ổn định chính trị để phát triển; muốn giữ vững ổn định chính trị để phát triển thì một trong những việc quan trọng là phải kiên quyết đấu tranh và đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, lãng phí. Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với cuộc đấu tranh này, đồng thời phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là phải dựa chắc vào nhân dân, đó là nhân tố chính yếu bảo đảm thành công.

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Trung ương đã thảo luận, thông qua những nghị quyết quan trọng. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là "nói thì phải làm" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong tư cách người cách mạng, ngay từ ngày mới thành lập Đảng.

Muốn cho các cấp "nói thì phải làm", trước hết từng đồng chí Ủy viên Trung ương chúng ta phải gương mẫu. Mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng và gia đình của mình phải là tấm gương trong xã hội về cuộc sống trong sạch, liêm khiết. Tôi tin chắc là chúng ta có thể làm được như thế, xứng đáng là đảng viên của Đảng do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.