Mong manh Đê kè

Mong manh Đê kè
TP - Nhiều tuyến đê kè, hồ đập đang nằm trong tình trạng báo động, chờ vỡ, nếu gặp mưa, lũ lớn dễ gây tai họa lớn. Tuy nhiên, hầu hết các công trình trên nằm trong tình trạng chờ tiền để cải tạo. Gia cố chống tràn ở đê sông Nhuệ đoạn qua huyện Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: T.P.

> Ráo riết đối phó siêu bão Utor
> Siêu bão Utor đang mạnh lên sau khi vào biển Đông

Không làm nhanh, bay luôn cả làng

Nguy cơ vỡ đê sông Nhuệ (đoạn qua huyện Từ Liêm, Hà Nội), do nước lên cao, sức ép lớn một tuần trước, khiến cả Hà Nội nhốn nháo. Cuối cùng, để “cứu đê”, Hà Nội buộc phải mở cống Thanh Liệt cho nước tràn ngược vào nội thành, rồi dẫn nước từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch ra trạm bơm Yên Sở, thoát ra sông Hồng.

 “Ngày trước, với đê phòng chống lụt bão “lụt thì lút cả làng”, vỡ đê chỉ ảnh hưởng một vài thôn; hồ chứa vỡ ra một vài huyện, tỉnh bị ảnh hưởng. Bây giờ, vỡ hồ ở Hà Giang, Hà Nội lại ảnh hưởng”.  

Ông Đặng Duy Hiển

Về sự cố này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội nói: “Chỗ này, năm 2008 uy hiếp nghiêm trọng. Thực tế đã có dự án phê duyệt đắp, tôn cao đê sông Nhuệ ở Từ Liêm, nhưng chưa làm được do vướng giải phóng mặt bằng”.

Theo ông Thịnh, hiện Từ Liêm đã cố định bằng bao tải để chống tràn, nếu có xảy ra lũ tới đây cũng đỡ hơn. “Cty Đầu tư Phát triển Thủy lợi sông Nhuệ phải làm việc với huyện để có phương án, chứ để mãi thế này thì nguy. Năm nào, điểm tuyến đê sông Nhuệ cũng thuộc dạng yếu nhất rồi”- ông Thịnh nói.

Hiện, ngoài sự cố trên, Hà Nội cũng gặp sự cố cống Văn Trai, Đào Xá (Phú Xuyên); sạt ở Trung Màu đê tả Đuống (Gia Lâm) thuộc diện phải xử lý ngay. Còn nhiều sự cố như nứt, sạt nhỏ hiện đã giải quyết bước đầu, còn muốn làm hệ thống phải lên kế hoạch.

Tại Vĩnh Phúc, vụ đập Phân Lân (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo) bị vỡ, nhưng địa phương đánh giá thiệt hại chỉ khoảng 500 triệu đồng. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Độ, Phó GĐ Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, thực tế hồ đập Phân Lân được cải tạo, nâng cấp năm 2011, là đập đất và năm nào cũng bị tràn vào đợt mưa lũ.

Tuy nhiên, đợt lũ vừa rồi dồn về nhiều, nước cao tràn 1,5 m, đập không chịu được, nên bị vỡ. Tuy nhiên, theo ông Độ, ở Vĩnh Phúc lo ngại nhất là hồ Xạ Hương (Tam Đảo) với sức chứa 13 triệu m3 nước, chiều cao đập hơn 40 m.

Dự án xử lý hồ này được Bộ NN&PTNT phê duyệt 100 tỷ đồng cách đây 2 năm, nhưng không có tiền nên hiện vẫn chưa triển khai. “Chúng tôi đang kêu lên Bộ, không làm nhanh, vỡ hồ sẽ bay luôn cả một làng” - ông Độ nói.

Ở Thanh Hóa, sau cơn bão số 5 và 6 mới đây, trên địa bàn tỉnh có 300m đê sông nhỏ bị sạt lở; nhiều điểm sạt lở bãi bồi trên sông Bưởi; bờ biển Sầm Sơn bị sạt lở 2,6km; xói chân kè đê biển Ninh Phú (huyện Hậu Lộc) đoạn từ K7+410 đến K7+530...

Ông Đỗ Văn Nhân, Chi cục trưởng Đê điều và PCLB Thanh Hóa cho biết, trên tuyến sông Mã hiện xảy ra sự cố sụt lún đoạn kè đê hữu sông Mã (đoạn phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa).

Được biết, đoạn kè bị sụt lún này nằm trong dự án xử lý sạt lở đê kè hữu sông Mã. Công trình thi công từ năm 2010, đến tháng 4/2011 hoàn thành, nhưng sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý (đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự cố sụt lún đoạn kè trên).

Vỡ bất cứ lúc nào

Gia cố chống tràn ở đê sông Nhuệ (Hà Nội). Ảnh: T.P
Gia cố chống tràn ở đê sông Nhuệ (Hà Nội). Ảnh: T.P.

Ông Phạm Đức Luận, Trưởng phòng Đê điều (Cục Quản lý Đê điều và PCLB, Bộ NN&PTNT) cho biết, sau cơn bão số 5 và 6 vừa rồi, có hơn 30 sự cố đê điều. Trong đó Bắc Ninh 9 sự cố, Bắc Giang 7, Hải Dương 10, Hà Nam 4... Có nhiều sự cố uy hiếp an toàn như kè Liên Trung ở truyến hữu Thương (Bắc Giang), nứt đê tả Đuống (Bắc Ninh), sạt lở ngấm nước đê hữu Cầu (Bắc Ninh).

“Đê của mình hơn chục năm nay chưa có lũ lớn, nên chưa phát sinh sự cố mới. Các địa phương phải tích cực tuần tra, canh gác, quan trọng nhất là xử lý giờ đầu” - ông Luận nói.

Trong khi đó, theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Quản lý công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), hiện cả nước còn gần 320/6.648 hồ chứa không an toàn. Trong đó, có 120 hồ nguy cơ cao (14 hồ cực kỳ cấp bách), nếu có mưa lũ lớn, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Riêng ở miền Bắc, các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh... là nơi có nhiều hồ xung yếu nặng.

Ông Hiển cho biết, nhiều hồ chứa xuống cấp do xây dựng đã lâu, thiết kế không bài bản, vật liệu kém, xử lý nền móng không tốt... Mặt khác, ngoài việc bị mưa lũ tàn phá, nhiều công trình bị dân “nhảy dù” vào làm nhà, canh tác, xâm hại công trình…

Hiện, loại hồ chứa trên 10 triệu m3 tương đối tốt, loại dưới 10 triệu có số lượng hồ bị hư hỏng ít, còn loại hồ dưới 1 triệu m3 khoảng 60% số hồ bị hư hỏng. “Mưa nhỏ không ngại, mưa to quá vượt năng lực chống đỡ của công trình, sẽ rất nguy hiểm. Bản thân hồ đã ốm yếu, giống như xe cộ đã mục nát. Đập lại bị thẩm thấu, cống bục, nước tràn gây vỡ lở, trôi hết cả”- ông Hiển nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG