Mong muốn được là người Việt Nam

Mong muốn được là người Việt Nam
Đó là nguyện vọng của chị Mahamat Bibi, nữ thương binh mang quốc tịch Pakistan, người chiến sĩ tình nguyện đã tham gia suốt 2 cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Chị Mahamat Bibi sinh ra ở Sài Gòn, cha là thương gia người Pakistan, mẹ chị là một thiếu nữ Tràng An. Chị đi theo cách mạng Việt Nam từ khi còn nhỏ và trong trường hợp đặc biệt.

Mẹ mất sớm, cha gửi chị cho cô giáo Bùi Thị Năm - Chiến sĩ đang hoạt động cách mạng - để học tiếng Việt và chị đã lớn lên trong môi trường cách mạng. Sau một thời gian, cô Năm gửi gắm chị cho mẹ Huỳnh Thị Một, lúc bấy giờ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308, Tư lệnh phó Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chị Bibi hoạt động khắp nội thành lẫn vùng ven. Chị làm giao liên và tiếp liệu cho các căn cứ ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm, Củ Chi, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp và chị ở lại Tân Thới Hiệp một thời gian dài để tham gia công tác tuyên truyền và chiến đấu cùng các lực lượng dân quân.

Thời gian thực dân Pháp quay lại Sài Gòn và Ủy ban Kháng chiến vừa rút ra ngoại thành để tạo lập các căn cứ kháng chiến lâu dài, chị Bibi đã làm phát thanh viên cho trạm phát thanh xã để đọc những bản tin tuyên truyền và vận động nhân dân trong vùng địch tạm chiếm không đi theo giặc, ủng hộ chính quyền cách mạng và tham gia chiến đấu khi giặc tấn công vào căn cứ.

Chị còn được cách mạng giao cho nhiệm vụ liên lạc và giúp đỡ các đồng chí bị giặc Pháp bắt và giam giữ ở nhà tù nội thành Sài Gòn như bốt Catinat, Khám lớn... Trong những ngày làm giao liên ở miền Tây Nam Bộ, chị đã bị thương nặng trong một lần đưa cán bộ và chiến sĩ cách mạng xâm nhập vành đai Gia Định - Sài Gòn.

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, mặc dù vết thương trên người luôn hành hạ, nhưng chị Bibi vẫn tiếp tục hoạt động và làm cơ sở cách mạng ở nội thành Sài Gòn - Gia Định suốt trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Chị còn dành nơi ở của mình để làm điểm hội họp và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động nội thành trong suốt những năm tháng chống Mỹ và chị đã phải thay đổi chỗ ở nhiều lần qua nhiều địa điểm khác nhau để che giấu sự theo dõi của địch, bảo đảm an toàn cho cán bộ ra vào thành phố.

Năm 1989, sau hơn 10 năm giải phóng miền Nam, chị Bibi được Ủy ban Nhân dân quận Một chứng nhận đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Hồ Chí Minh còn cấp cho chị sổ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh hàng tháng vì những vết thương trên người hiện vẫn hành hạ chị dù đã hơn nửa thế kỷ.

Năm nay chị Bibi đã 74 tuổi, không chồng con nhưng chị có tới 10 người con nuôi - phần lớn là con liệt sĩ, gia đình cách mạng - và họ đã khôn lớn, thành đạt. Sức khỏe của chị lúc này không được tốt lắm, nhất là vào những ngày mưa gió, nhưng được trò chuyện với mọi người là chị rất hạnh phúc, không cảm thấy cô đơn và khó khăn về cuộc sống.

Hiện chị Bibi đã làm đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam. Nguyện vọng của chị là sớm được mang quốc tịch Việt Nam với tên Ngô Thị Bibi.

MỚI - NÓNG